Tầm soát ung thư là làm những gì? Có thể phát hiện các dạng ưng thư nào?

Cập nhật 12/05/2023

563

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sức khỏe

Tầm soát ung thư là vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm, nhất là khi tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa và tăng dần theo từng năm. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong vì ung thư (số liệu năm 2020). Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có vai trò quan trọng và cần được thực hiện định kỳ hàng năm.

Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây ung thư trước khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng. Quy trình tầm soát có thể tiến hành thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Từ đó, phát hiện các tế bào hoạt động bất thường trong cơ thể, giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh và cải thiện tỷ lệ sống của bệnh nhân sau 5 năm không tái phát.

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư đang có xu hướng gia tăng tại các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư (số liệu từ Globocan năm 2020). Đây là bệnh lý được giới y khoa đánh giá là rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao do phần lớn các ca bệnh khi phát hiện đã tiến triển ở giai đoạn cuối.

Chính vì vậy, việc sàng lọc, tầm soát định kỳ và phát hiện sớm ung thư không những giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn phát hiện các tổn thương tiền ung thư có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Nhờ đó, bác sĩ có thể cân nhắc và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý ngay cả khi người bệnh chưa có những biểu hiện cụ thể.

Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và nâng cao hiệu quả điều trị 

Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và nâng cao hiệu quả điều trị

Lợi ích của việc tầm soát ung thư sớm

Ung thư không chỉ là căn bệnh nguy hiểm mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là khi tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang ngày tăng cao. Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 90/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới ung thư (tăng 9 bậc so với năm 2018) và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong do ung thư (tăng 6 bậc chỉ sau 2 năm).

Trước thực trạng này, người dân cần sớm nhận thức và hiểu rõ vai trò quan trọng của tầm soát sức khỏe định kỳ trong việc phát hiện sớm khối u và nâng cao hiệu quả điều trị. Cụ thể, các phương pháp tầm soát ung thư sớm sẽ mang lại những lợi ích sau:

  • Phát hiện nguy cơ tiền ung thư: Ung thư thường xuất hiện âm thầm và diễn tiến từ từ với các triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Do đó, thông qua tầm soát ung thư có thể sớm phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn, dấu hiệu bất thường giai đoạn tiền ung thư, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, chưa di căn.
  • Tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị: Phát hiện ung thư càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao nhờ có phác đồ phù hợp giúp tăng khả năng điều trị tận gốc. Đồng thời, quá trình thực hiện điều trị cũng dễ dàng và thuận lợi hơn. Nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, mất nhiều thời gian và tiền bạc để chữa trị nhưng kết quả lại không mấy khả quan.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống: Giữ thói quen tầm soát ung thư đều đặn hàng năm giúp người bệnh kiểm soát và nắm bắt tình hình sức khỏe tốt nhất. Từ đó tạo tâm lý thoải mái, duy trì thái độ sống tích cực và lành mạnh cho bản thân.

>>> Bạn đang quan tâm: Chi phí khám sức khỏe tổng quát bao nhiêu tiền?

Quy trình tầm soát ung thư diễn ra như thế nào?

Quy trình tầm soát ung thư gồm 2 bước cơ bản như sau:

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên và cơ bản trong quy trình tầm soát ung thư. Ở bước này, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh tình của bản thân, gia đình người bệnh, các yếu tố nguy cơ. Từ đó đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, những triệu chứng bất thường của cơ thể và chỉ định những phương pháp tầm soát phù hợp.

Thăm khám cận lâm sàng

Tại bước này, người bệnh sẽ được thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân…

Bên cạnh các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò hình ảnh học thông qua các phương pháp nội soi, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ (chụp MRI),…

Tầm soát ung thư sớm mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân 

Tầm soát ung thư sớm mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân

Các phương pháp tầm soát ung thư

Mỗi loại ung thư khác nhau có những phương pháp tầm soát riêng. Việc tầm soát ung thư thường được chỉ định trên người bình thường, chưa có triệu chứng bệnh và chưa áp dụng các phương pháp chẩn đoán xâm lấn tối thiểu khác. Dựa vào kết quả tầm soát, bác sĩ có thể phát hiện những dấu hiệu ung thư giai đoạn sớm và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Tầm soát ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày xếp thứ tư trong số các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới ở cả nam và nữ. Tại Việt Nam, bệnh lý này chiếm 9,8% số ca mắc mới và 11,9% số ca tử vong do ung thư (Globocan, 2020). Theo ghi nhận của Tổ chức Phòng chống Ung thư Thế giới (Globocan), nước ta có khoảng 15.000 – 20.000 người được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày mỗi năm.

Các chẩn đoán cận lâm sàng có ý nghĩa trong tầm soát ung thư dạ dày bao gồm:

  • Nội soi dạ dày: Kỹ thuật này giúp tầm soát tổng quan các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Nhờ ống nội soi có gắn camera, bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ bên trong dạ dày và xác định tình trạng tổn thương để có hướng xử trí phù hợp.
  • Sinh thiết: Được thực hiện đồng thời trong quá trình nội soi dạ dày. Tại vùng nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ đem  quan sát dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính hoặc ác tính của tế bào dạ dày.
  • Chụp cắt lớp dạ dày: Bác sĩ sẽ tiến hành chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) và PET-CT hình ảnh học dạ dày để kiểm tra sự di căn của ung thư.
  • Test HP: Xác định sự có mặt của vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) – yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày bằng cách kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, hoặc xét nghiệm trên mẫu sinh thiết của dạ dày,…
Nội soi dạ dày giúp tầm soát tổng quan các bệnh lý liên quan đến dạ dày 

Nội soi dạ dày giúp tầm soát tổng quan các bệnh lý liên quan đến dạ dày

Tầm soát ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng xếp thứ 10 trên thế giới và thứ 6 tại Việt Nam trong số các ca tử vong do ung thư. Bệnh nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị và kéo dài sự sống cho bệnh nhân càng cao.

Ung thư đại tràng thường tiến triển chậm trong giai đoạn đầu. Tỷ lệ sống trên 5 năm khi điều trị ở giai đoạn này lên đến 90%. Càng phát hiện muộn, tỷ lệ này giảm dần. Cụ thể, giai đoạn II là khoảng 80 – 83%, giai đoạn III là 60% và giai đoạn IV chỉ còn 11%.

Ung thư đại tràng chủ yếu phát triển từ polyp tiền ung thư là polyp tuyến và polyp tăng sinh. Polyp tuyến cần tối thiểu 10 năm để tiến triển thành ung thư. Do đó, việc phát hiện sớm các polyp có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng dưới đây có thể giúp tầm soát và chẩn đoán ung thư đại tràng:

  • Xét nghiệm máu trong phân: Phân có lẫn máu là triệu chứng thường gặp khi bệnh nhân có polyp, ung thư hoặc một số bệnh lý liên quan đến đại tràng khác.
  • Nội soi đại tràng: Giúp quan sát toàn bộ đại tràng và trực tràng nhờ ống nội soi đầu có gắn camera. Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ có thể phát hiện các polyp, mô bất thường hoặc ung thư. Đồng thời, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết nếu nghi ngờ có yếu tố tiền ung thư.
  • Sinh thiết: Mẫu mô hoặc tế bào bất thường được đem quan sát dưới kính hiển vi để xác định lành tính hay ác tính.
  • Siêu âm ổ bụng: Phát hiện các dấu hiệu bất thường gián tiếp gây ung thư như dày thành đại tràng, tắc ruột,…
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): Phát hiện đặc điểm hình dạng, kích thước, mức độ xâm lấn và di căn của khối u thông qua hình ảnh thu được.

Tầm soát ung thư đại tràng sớm giúp phát hiện các polyp – vốn được xem là yếu tố tiền ung thư hoặc ung thư đại tràng giai đoạn đầu. Theo đó, để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng thành ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành cắt polyp cho người bệnh.

Tầm soát ung thư phổi

Ung thư phổi chiếm số ca tử vong cao nhất trên thế giới trong số các loại ung thư hiện nay với tỷ lệ 18% và gần 2,3 triệu ca mắc mới mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, Globocan ghi nhận gần 26.000 ca mắc ung thư phổi và 24.000 ca tử vong (năm 2020).

Do đó, tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi đóng có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có giá trị tầm soát ung thư phổi như:

  • Chụp CT ngực liều thấp không dùng thuốc cản quang: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh 3D trực quan hơn, rỡ ràng hơn và giúp bác sĩ dễ chẩn đoán hơn so với hình ảnh X-quang ngực thẳng. Nếu phát hiện có vùng mô bất thường, bác sĩ có thể kết hợp tiêm thuốc cản quang để khảo sát.
  • Chụp CT có thuốc cản quang hoặc PET/CT: Chỉ áp dụng khi phát hiện các nốt bất thường trên phổi có kích thước từ 7-10mm.
  • Sinh thiết nốt bất thường trên phổi: Chỉ thực hiện khi có hình ảnh nghi ngờ cao trên phim chụp PET/CT hoặc chụp CT ngực có thuốc cản quang.
Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị

Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị

Tầm soát ung thư gan

Ung thư gan chiếm tỷ lệ tử vong đứng thứ hai trên thế giới với 830.180 ca hàng năm và đứng đầu về tỷ suất tử vong trong số các ca mắc ung thư tại Việt Nam. Hầu hết người bệnh mắc ung thư gan khi đến khám đều đã chuyển tiếp sang giai đoạn muộn, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần tầm soát sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các phương pháp để tầm soát ung thư gan gồm có:

  • Xét nghiệm AFP trong máu: AFP là chỉ số này tăng cao là cơ sở để nghi ngờ một bệnh nhân có bị mắc ung thư gan hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải tất cả bệnh nhân ung thư gan đều có AFP tăng cao.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Thông qua siêu âm bụng, chụp CT hoặc MRI gan – vùng bụng để xác định khối u lành tính hay ác tính tại gan. Đồng thời, đánh giá mức độ xâm lấn và di căn của bệnh.
  • Sinh thiết khối u: Khi có mẫu u gan nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành đâm kim qua da vào u gan để sinh thiết trong quá trình phẫu thuật. Mẫu sau khi sinh thiết sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán.

Tầm soát ung thư vú

Tầm soát ung thư vú nhằm kiểm tra và phát hiện sớm các bất thường tại khu vực này. Ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại ung thư ở nữ giới (24,5%) và đứng đầu về số ca mắc mới tại Việt Nam (11,7%). Con số này dự tính sẽ tăng lên 33,3%  trong vòng 15 năm tới.

Phụ nữ từ 40-54 tuổi nên tiến hành sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng cách chụp X-quang tuyến vú để phát hiện sớm các bất thường. Khối u ở vú phần lớn chỉ là những thay đổi lành tính, chỉ khoảng 10-20% là khối u ác tính. Do đó, tầm soát ung thư vú định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển xấu.

Riêng phụ nữ từ 55 tuổi trở lên nên chụp X-quang tuyến vú hai năm một lần, có thể tiếp tục duy trì mỗi năm một lần. Việc sàng lọc nên được kéo dài và tiến hành định kỳ mỗi năm khi có yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến vú.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên tầm soát thêm bằng cách chụp MRI tuyến vú hàng năm sau 30 tuổi. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến ở đây bao gồm: đột biến gen BRCA; gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con mang đột biến gen BRCA; tiền sử xạ trị vùng ngực trong khoảng thời gian 10-30 tuổi; phụ nữ mắc hội chứng Li – Fraumeni, hội chứng Cowden – Bannayan, hội chứng Riley – Ruvalcaba.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm tuyến vú hoặc làm sinh thiết để xác định xem đó là khối u lành tính hay ác tính. Từ đó, đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp với tình hình bệnh nhân.

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên tiến hành sàng lọc ung thư vú hàng năm 

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên tiến hành sàng lọc ung thư vú hàng năm

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung nằm trong top 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Bệnh hiện đang có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có khoảng 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Do đó, phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ hàng năm. Hiện nay, có các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến gồm: phết tế bào âm đạo – cổ tử cung (Pap’s smear), xét nghiệm HPV DNA, quan sát cổ tử cung bằng mắt thường. Đối với các trường hợp nghi ngờ thông qua sàng lọc, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng soi cổ tử cung – sinh thiết.

Phết tế bào âm đạo – cổ tử cung (Pap’s smear hay ThinPrep) là xét nghiệm nhanh, đơn giản giúp tìm kiếm các tế bào bất thường ở bề mặt cổ tử cung. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ âm tính giả khá cao nên xét nghiệm này không phát hiện được virus HPV – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

Bên cạnh đó, xét nghiệm Pap’s smear khó tầm soát được ung thư biểu mô tuyến. Thống kê cho thấy khoảng 33% phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bình thường.

Xét nghiệm HPV DNA nhằm xác định các dòng virus HPV thuộc nhóm nguy cơ cao gây tiền ung thư và ung thư. Bên cạnh đó, xét nghiệm này cũng mang lại những ưu điểm như:

  • Phát hiện các trường hợp bị bỏ sót trong xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap’s smear).
  • Sàng lọc và phát hiện sớm phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.
  • Những phụ nữ có kết quả âm tính với nhóm HPV nguy cơ cao có thể tầm soát thường quy trong vòng 3-5 năm.
  • Giảm can thiệp sàng lọc không cần thiết cho bệnh nhân.

Chuyên gia sản phụ khoa MEDIPLUS khuyến cáo chị em nên thực hiện cả hai xét nghiệm Pap’s smear và HPV test để cho kết quả chính xác nhất. Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên thực hiện Pap’s smear sau mỗi 3 năm. Không xét nghiệm HPV ở độ tuổi trên vì tần suất nhiễm HPV gây ung thư chỉ khoảng 20% và hầu hết sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Phụ nữ từ 30 – 64 tuổi nên thực hiện cả hai xét nghiệm này mỗi 5 năm, hoặc thực hiện Pap’s smear 3 năm/lần.

Đối với các trường hợp nghi ngờ cao, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp khác để cho kết luận chính xác hơn:

  • Soi cổ tử cung: Kiểm tra hình ảnh phóng đại của cổ tử cung dưới. Những khu vực bất thường sẽ được xác định và tiến hành sinh thiết.
  • Nạo nội mạc cổ tử cung: Đưa dụng cụ vào kênh cổ tử cung và tiến hành lấy mô, kiểm tra dưới kính hiển vi.
  • Khoét chóp cổ tử cung: Cắt bỏ một phần hình nón ở cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này vừa giúp xác định chính xác mức độ tổn thương, vừa có vai trò điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng thứ hai của nam giới chỉ xếp sau ung thư phổi. Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến được khuyến cáo đối với nam giới sau tuổi 50 (có thể sớm hơn nếu cần hoặc có kèm theo yếu tố nguy cơ), bao gồm:

  • Khám trực tràng bằng tay: Xác định vùng cứng, sần sùi hoặc có dấu hiệu bất thường. Đây là bước đầu tiên trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu PSA của tuyến tiền liệt trong máu: Cả tế bào tuyến tiền liệt bình thường và ác tính đều sản xuất PSA. Do đó, nếu nồng độ PSA trong máu tăng cao sẽ là một gợi ý để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu: Thông qua hình ảnh chi tiết vùng chậu, có thể xác định được mức độ lan rộng, xâm lấn hoặc di căn của ung thư tuyến tiền liệt.
  • Chụp xạ hình xương: Phát hiện ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến xương hay chưa, do xương là nơi phổ biến nhất mà ung thư di căn đến.
  • Sinh thiết (thường áp dụng phương pháp sinh thiết kim lớn – Core biopsy): Tiến hành lấy mô hoặc dịch của tuyến tiền liệt để phân tích dưới kính hiển vi. Từ đó, xác định tế bào ác tính của tiền liệt tuyến.
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý thường gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên 

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý thường gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên

Những lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư

Tầm soát ung thư nên được thực hiện sớm, ngay từ lúc cơ thể chưa có dấu hiệu bất thường nào và hoàn toàn khỏe mạnh. Độ tuổi thích hợp nhất để tầm soát là từ 40-60 tuổi (độ tuổi trung niên). Bởi lẽ, đây là giai đoạn nhiều tế bào bắt đầu thoái hóa, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và chức năng nên dễ gây ung thư. Vì vậy, người bệnh nên tầm soát định kỳ mỗi năm một lần và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tầm soát ung thư không phải là chẩn đoán ung thư mà đây là một trong ba bước của dự phòng ung thư theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Theo đó:

  • Dự phòng bước 1: Phòng ngừa ban đầu nhằm loại trừ hoặc giảm tối đa khả năng tiếp xúc với các chất gây ung thư. Từ đó, hạn chế khởi phát bệnh ung thư.
  • Dự phòng bước 2: Tầm soát và phát hiện sớm ung thư khi chưa có biểu hiện bệnh, ngay cả khi chưa có dấu hiệu của tình trạng tiền ung thư.
  • Dự phòng bước 3: Tìm biện pháp điều trị tối ưu nhất để mang lại hiệu quả và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.

Tại Việt Nam, hầu hết người dân chỉ quan tâm đến dự phòng bước 3, tức là khi có bệnh mới tìm cách chữa trị. Do đó, bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, di căn nhiều nơi và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Dự phòng bước 1 và 2 là hai bước quan trọng nhất, giúp người bệnh phát hiện sớm khối u. Từ đó, có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và kéo dài thời gian sống.

Bên cạnh đó, người bệnh nên tầm soát sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín, an toàn và lựa chọn đúng gói khám cần thiết. Khi đi tầm soát, nên mặc trang phục thoải mái để thuận tiện cho việc thăm khám. Tầm soát ung thư định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và tái khám theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.

Tiến hành tầm soát ung thư định kỳ ít nhất mỗi năm một lần

Tiến hành tầm soát ung thư định kỳ ít nhất mỗi năm một lần

Trên đây là quy trình tầm soát ung thư và các phương pháp tầm soát ung thư phổ biến tương ứng với mỗi loại bệnh lý mà MEDIPLUS muốn gửi đến bạn. Tầm soát ung thư là biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân, giúp phát hiện sớm ung thư ngay từ giai đoạn đầu. Từ đó, nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư sau này.

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Ăn hàu nhiều có tốt không [Chuyên gia dinh dưỡng GIẢI ĐÁP]

    Hàu là một hải sản có vỏ sống ở các vùng nước mặn hoặc nước lợ. Hàu trước nay được biết đến là một loại…

    12 Th5, 2023
    1.0K

    Tham vấn y khoa: TS. BSCKII Lê Quốc Việt

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Viêm đường tiết niệu là gì? Có nguy hiểm, Dấu hiệu nhận biết

    Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan bên trong hệ tiết niệu gồm bàng quang, niệu đạo, niệu quản,…

    12 Th5, 2023
    519

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Nguyễn Thị Hoa

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Nguy hiểm như thế nào nếu không nhận biết đúng?

    Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố, bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu với tỷ…

    12 Th5, 2023
    435

    Tham vấn y khoa: TS. BSCKII Lê Quốc Việt

    Chuyên mục: Sức khỏe

    MEDIPLUS KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT CHO HỌC SINH TRƯỜNG MẦM NON SAKURA KIDS TÂN MAI

    Ngày 13/1/2023, Tổ hợp Y tế MEDIPLUS đã tiếp đón 122 em bé trường mầm non Sakura Kids nối đuôi nhau đi khám sức khỏe…

    12 Th5, 2023
    219

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.650.000đ

      Tư vấn miễn phí

      Gói tầm soát ung thư phổi

      Ung thư phổi là loại ung thư có…

      2.270.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ