Bệnh lao phổi (ho lao): Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Cập nhật 23/05/2023

3.2K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Hô hấp

Bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người trên thế giới. Bệnh có thể lây truyền ra cộng đồng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tham khảo bài viết dưới đây để có những kiến thức cơ bản về bệnh lao phổi, nguyên nhân, các triệu chứng nhận biết và hướng điều trị hiệu quả.

Tổng quan về bệnh lao phổi

Trên thực tế, một phần tư dân số thế giới đang chung sống với vi khuẩn Lao, tức là trong cơ thể có thể mang vi khuẩn Lao nhưng ở một dạng không hoạt động hay Lao “đang ngủ”. Những người khoẻ mạnh đã tiêm phòng lao hoặc có sức đề kháng tốt hầu như không có bất kỳ biểu hiện hoặc không bị ảnh hưởng gì từ vi khuẩn Lao “thể ngủ”.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ đối với những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, vì điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao giành được ưu thế và hoạt động, sinh ra các triệu chứng khác nhau và nặng nhất là tử vong.

Bệnh lao phổi là gì?

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80-85% tổng số ca bệnh). Lao phổi cũng chính là nguồn lây chủ yếu của bệnh Lao cho người xung quanh.

Lao là một dạng bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên

Lao là một dạng bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên

Nguyên nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh lao phổi chính là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis thuộc họ Mycobacteriaceae.

Hình thái: Trực khuẩn lao hình que, bắt màu tím khi nhuộm Gram, bắt màu đỏ khi nhuộm Ziehl-Neelsen. Trực khuẩn không sinh nha bào, không di động, sinh sản chậm (cách 20 giờ lại tạo ra một thế hệ mới ra đời), lao là vi khuẩn hiếu khí.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Trực khuẩn lao tồn tại được ở môi trường chứa cồn và axit (ở các nồng độ diệt được vi khuẩn khác) do có lớp vỏ đặc biệt. Trực khuẩn lao sống được nhiều tuần trong đờm, trong rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 100 độ C/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.

Người có nguy cơ mắc lao phổi

Lao có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhóm người có nguy cơ cao có thể mắc Lao phổi thường là:

  • Người nhiễm HIV, người già yếu, hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em.
  • Người mắc các bệnh mạn tính như: loét dạ dày-tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn,…
  • Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào…
  • Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị ung thư,…

Tại Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển, nơi mà tỉ lệ mắc bệnh Lao đang còn rất cao thì các trường hợp bệnh nhân khi có nghi ngờ có các bất thường trên phim X-quang phổi (X-quang ngực thẳng) đều cần xem xét làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán và phát hiện lao phổi.

Lao phổi lây nhiễm qua đường nào?

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao, các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi (hạt khí dung có đường kính khoảng 1-5µm bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ).

Khả năng lây lan giảm mạnh sau điều trị từ 2-4 tuần, do vậy phát hiện và điều trị sớm bệnh lao sẽ làm giảm lây lan trong cộng đồng.

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nguy cơ lây lan cộng đồng

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nguy cơ lây lan cộng đồng

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lao

Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng sau:

  • Ho kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Các kiểu ho thường gặp có thể là: Ho khan, ho có đờm, ho ra máu.
  • Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
  • Sốt nhẹ về chiều.
  • Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
  • Đau ngực, đôi khi khó thở.

Chẩn đoán phân biệt với bệnh khác

Các bệnh lý tại Phổi với các triệu chứng ho, khó thở, gầy sút cân, sốt, ra mồ hôi, đau tức ngực,… có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các bệnh lý thường chồng lẫn hoặc có các điểm tương đồng. Nhưng như đã nói, tại Việt Nam khi có các triệu chứng ở đường hô hấp cần nghĩ tới Lao phổi là một trong các nguyên nhân.

Các bệnh lý cần phân biệt với lao phổi có thể kể đến như:

  • Giãn phế quản
  • Ung thư phổi
  • Viêm phổi
  • Áp xe phổi
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
  • Bệnh phổi do nhiễm ký sinh trùng.

Ở người có HIV, Lao phổi cần phân biệt với viêm phổi, nhất là viêm phổi do Pneumocystis jiroveci hay còn gọi là Pneumocystis carinii (PCP). Trong quá trình quản lý các bệnh mạn tính ở phổi như: Hen, COPD, bệnh phổi kẽ, bụi phổi,… cũng rất cần lưu ý sàng lọc bệnh Lao phổi phối hợp.

Biến chứng, di chứng của bệnh lao phổi

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đa số trường hợp bệnh diễn biến từng đợt, các triệu chứng ngày càng nặng lên và có thể có các biến chứng hoặc để lại di chứng sau này như:

  • Ho ra máu
  • Tràn khí màng phổi
  • Tràn dịch màng phổi (dịch máu, dịch mủ,…)
  • Áp xe phổi
  • Xơ phổi, giãn phế quản, giãn phế nang
  • Sốc nhiễm khuẩn, bội nhiễm, viêm phổi
  • Nhiễm nấm Aspergillus mãn tính
  • Ung thư phổi.
Biến chứng, di chứng của bệnh lao phổi càng nặng khi càng để lâu không được điều trị

Biến chứng, di chứng của bệnh lao phổi càng nặng khi càng để lâu không được điều trị

Phương pháp điều trị bệnh lao phổi

Bệnh lao nói chung và Lao phổi nói riêng là những bệnh lý điều trị rất mất thời gian và công sức. Nếu được điều trị sớm và đúng phác đồ, bệnh Lao phổi có thể được kiểm soát hoàn toàn với tỉ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên chỉ cần lơ là một thời gian rất ngắn trong suốt quá trình điều trị Lao phổi cũng có thể gây ra tình trạng Lao kháng thuốc hoặc không thể thu được kết quả điều trị như mong muốn.

Điều trị bệnh lao cũng có rất nhiều phác đồ thuốc tùy thuộc vào thể bệnh và đáp ứng điều trị. Thuốc điều trị Lao là các thuốc được quản lý nghiêm ngặt và bắt buộc cần kê đơn từ bác sỹ, người bệnh không được tự ý sử dụng tránh các biến chứng và kháng thuốc. Bốn nguyên tắc điều trị bệnh lao bao gồm:

Phối hợp các thuốc chống lao

Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao.

Với lao còn nhạy cảm với thuốc: phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.

Với bệnh lao đa kháng: phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực.

Phải dùng thuốc đúng liều

Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến cho người bệnh. Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng.

Phải dùng thuốc đều đặn

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và thường dùng xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.

Với bệnh lao đa kháng: dùng thuốc 6 ngày/tuần, đa số thuốc dùng 1 lần vào buổi sáng, một số thuốc như: Cs, Pto, Eto, PAS tùy theo khả năng dung nạp của người bệnh – có thể chia liều 2 lần trong ngày (sáng – chiều) để giảm tác dụng phụ. Hoặc có thể giảm liều trong 2 tuần đầu nếu thuốc khó dung nạp, nếu bệnh nhân gặp tác dụng không mong muốn của thuốc tiêm – có thể giảm liều, tiêm 3 lần/tuần hoặc ngừng sử dụng thuốc tiêm căn cứ vào mức độ nặng – nhẹ.

Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì

Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc.

Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Với bệnh lao đa kháng: Phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn từ 9-11 tháng có giai đoạn tấn công 4-6 tháng, phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có thời gian tấn công 8 tháng. Phác đồ cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng của từng loại thuốc (trong tổng số khoảng 49 loại thuốc) tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, đáp ứng điều trị, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.

Phòng tránh bệnh lao như thế nào?

Phòng bệnh lao vô cùng quan trọng, vì để chữa trị thành công được một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao tốn kém rất nhiều thời gian và sức lực. Người bệnh cũng sẽ cần sử dụng rất nhiều loại thuốc phối hợp và tất nhiên chúng cũng sẽ có những tác động nhất định tới sức khỏe nói chung của người bệnh.

Phòng bệnh lao là áp dụng các biện pháp nhằm:

  • Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao.
  • Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao.

Nhiễm lao

là tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch, vi khuẩn tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động và có thể hoạt động sau này khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Người nhiễm lao không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao, số lượng vi khuẩn lao ít.

Bệnh lao

Số lượng vi khuẩn ở người bệnh lao nhiều hơn với số lượng vi khuẩn ở người nhiễm lao, có các triệu chứng lâm sàng rõ rệt.

Khoảng 10% trong suốt cuộc đời những người khỏe mạnh có hệ thống miễn dịch bình thường khi bị nhiễm lao từ lúc nhỏ sẽ chuyển thành bệnh lao.

Với những người suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV thì nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao hoạt động sẽ tăng lên rất cao, khoảng 10%/năm.

Các biện pháp chính trong phòng tránh bệnh Lao

Thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp):

  • Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác. Đeo khẩu trang hoặc che kín mũi miệng khi hắt hơi, ho.
  • Khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.
  • Lấy đờm xét nghiệm đúng nơi quy định, tốt nhất là ngoài trời, nơi môi trường thông thoáng.
  • Những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao cần đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn như loại N95 hoặc tương đương trở lên.

Giảm đậm độ các hạt nhiễm khuẩn (giọt bắn) trong không khí bằng thông gió tốt:

  • Cửa đi và cửa sổ cần được mở thông thoáng
  • Cho thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt điện đúng chiều gió
  • Phơi nắng các đồ dùng dụng cụ của người bệnh, đồ dùng cá nhân như: chiếu, chăn, màn…. Dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn lao sẽ dễ bị tiêu diệt.

Cách ly giảm tiếp xúc nguồn lây:

  • Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi có xét nghiệm AFB (+), đặc biệt với người bệnh lao đa kháng thuốc.
  • Trong các cơ sở đặc biệt như trại giam, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội,… những nơi có khả năng lây nhiễm rất cao, cần có khu điều trị hoặc cách ly riêng cho những những người bệnh.

Tiêm vaccin phòng Lao BCG (Bacille Calmette-Guérin): tiêm miễn phí do Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện:

  • Đối với trẻ không nhiễm HIV được tiến hành cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
  • Đối với trẻ nhiễm HIV không có triệu chứng của bệnh HIV/AIDS, cần được bác sỹ tư vấn và chỉ định tiêm cụ thể.

Bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng là những bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ mắc cao, dễ lây lan. Tuy nhiên bệnh Lao có thể chữa khỏi và có thể phòng ngừa được. Phần lớn những người mắc bệnh lao có thể được chữa khỏi, nếu được chẩn đoán sớm và chính xác; đồng thời có một quá trình điều trị nghiêm ngặt, chi tiết.

Nếu có những dấu hiệu: Ho kéo dài trên hai tuần, sốt, gầy sút cân, đau tức ngực… nghi ngờ mắc bệnh lao phổi hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám và phát hiện các thương tổn. Từ đó có những phương pháp điều trị chính xác, phù hợp. Hãy cùng nhau chung sức đẩy lùi bệnh lao và tiến tới tương lai xóa bỏ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Nếu còn điều gì thắc mắc, khách hàng xin vui lòng liên hệ Hotline: 1900 3366 hoặc fanpage Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được tư vấn nhanh nhất.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán và điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám