Giãn tĩnh mạch thừng tinh do đâu, cách điều trị như thế nào?

Cập nhật 07/06/2023

2.1K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nam khoa

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng bệnh lý phổ biến thường gặp ở nam giới trưởng thành. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và làm suy giảm chức năng tinh hoàn của các đấng mày râu. Vậy, làm thế nào để nhận biết sớm giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới? Bệnh có làm yếu sinh lý hay không và có những phương pháp gì để điều trị? Theo dõi chia sẻ của Ths. BSNT Nguyễn Hữu Thảo – Bác sĩ Trung tâm nam học bệnh viện Việt Đức – Bác sĩ Nam học MEDIPLUS qua bài viết dưới đây.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Thông tin bạn cần biết: Bìu là một trong những cơ quan sinh dục ngoài của nam giới có chức năng nâng đỡ và chứa đựng tinh hoàn. Bản chất của bìu là túi da nhăn nheo, mỏng, sẫm màu, được hình thành từ lớp chùng của thành bụng, tiếp giáp với vùng da bụng dưới, ngay trước hậu môn và phía dưới dương vật. Ở giữa bìu có một gờ, bên trong có vách ngăn Raphe chia bìu thành hai túi. Nuôi dưỡng bìu và tinh hoàn có hệ thống động mạch bìu, tĩnh mạch bìu (tĩnh mạch thừng tinh) và các mạch bạch huyết.

Bất kỳ bất thường nào liên quan đến hệ thống mạch máu này đều có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele). Đây là bệnh lý phổ biến thường gặp ở nam giới trưởng thành, biểu hiện bằng các đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh nằm ở phía trên tinh hoàn bị mở rộng.

Có khoảng 15% nam giới trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Có khoảng 15% nam giới trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Hiện tượng này thường xuất hiện ở tinh hoàn bên trái với tỉ lệ lên đến 90%. Các ca bệnh còn lại ghi nhận giãn tĩnh mạch thừng tinh ở cả hai bên. Theo thống kê, có khoảng 15% nam giới trưởng thành mắc phải bệnh lý này, phổ biến ở độ tuổi từ 15-25 tuổi. Số lượng trẻ em nam dưới 10 tuổi bị bệnh rất ít, chỉ chiếm có 1%.(*)

Nhìn chung, giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ xảy ra ở bìu với các biểu hiện gần giống với chứng giãn tĩnh mạch thông thường xuất hiện ở chân. Bệnh có thể làm giảm sản xuất, giảm chất lượng tinh trùng, biến chứng teo nhỏ tinh hoàn và gây nguy cơ vô sinh ở nam giới. Khoảng 35% cánh mày râu được ghi nhận mắc vô sinh nguyên phát có liên quan đến tình trạng bệnh lý này. Do đó, nam giới không nên chủ quan mà cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bệnh.

>>> Có thể bạn cũng quan tâm:

Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh nam giới

Đến nay, nguyên nhân chính gây bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn chưa được làm rõ. Theo đó, chúng được xếp vào nhóm bệnh tự phát (idiopathic) và đang được nghiên cứu thêm.

Giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là do các khiếm khuyết về van tĩnh mạch trong bìu như hội chứng suy van tĩnh mạch, bất thường vị trí đổ của tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng. Một số yếu tố làm tăng áp lực ổ bụng như khối u vùng tiểu khung, vùng sau phúc mạc,… cũng có thể dẫn đến bệnh lý này.

Bình thường, các van tĩnh mạch sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh dòng chảy của máu đến và đi từ tinh hoàn. Tuy nhiên, nếu có các bất thường về dòng chảy như máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim), máu sẽ trào ngược từ hệ thống tĩnh mạch chủ vào tĩnh mạch thừng tinh, làm hệ thống này giãn ra thành búi các đám rối tĩnh mạch ở khu vực bẹn và bìu.

Các đám rối tĩnh mạch này gây ứ trệ máu, làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn khiến tinh trùng nhanh chóng bị hủy hoại và ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất. Tình trạng này thường xảy ra ở tuổi dậy thì do tinh hoàn đang phát triển nhanh chóng và cần nhiều máu để nuôi dưỡng. Bệnh tiến triển chậm theo thời gian và gần như không có biểu hiện nào rõ rệt.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh nguyên phát do các khiếm khuyết về van tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch thừng tinh nguyên phát do các khiếm khuyết về van tĩnh mạch

Dấu hiệu bị giãn tĩnh mạch thừng tinh biểu hiện

Trong hầu hết các ca lâm sàng được ghi nhận, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện cụ thể. Người bệnh thường đến khám khi bệnh đã vào giai đoạn muộn, có các biến chứng về vấn đề sinh sản hoặc phát hiện qua kết quả thăm khám sức khỏe định kỳ. Ở một vài trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như:

  • Cảm giác đau nhẹ hoặc cảm giác nặng ở vùng bìu: Những cơn đau âm ỉ, nhức nhối có thể xuất hiện nhiều hơn vào buổi chiều tối, sau khi bệnh nhân đứng lâu, làm việc gắng sức hoặc ngồi nhiều. Khi nằm xuống, các cơn đau có phần thuyên giảm nhẹ.
  • Sờ thấy hoặc nhìn thấy một khối sưng ở trên bìu: Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, người bệnh có thể nhìn thấy một khối có hình dạng như “túi giun” ngay phía trên tinh hoàn. Các tĩnh mạch giãn nhỏ hơn mặc dù khá khó để nhìn bằng mắt thường, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể cảm nhận được bằng cách chạm vào.
  • Kích thước tinh hoàn khác nhau: Tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với bên còn lại.
  • Khó có con: Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể khiến nam giới khó có con, nhưng không phải tất cả trường hợp mắc bệnh đều dẫn đến vô sinh.
Hầu hết bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh đều không có biểu hiện lâm sàng cụ thể

Hầu hết bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh đều không có biểu hiện lâm sàng cụ thể

Cách chẩn đoán khi nghi ngờ giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chẩn đoán bằng cả thăm khám lâm sàng lẫn cận lâm sàng khi nam giới thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, kiểm tra xem có hiện tượng sưng ở bìu hay không.
  • Nghiệm pháp Valsalva: Kỹ thuật này thường được áp dụng để chẩn đoán các tĩnh mạch thừng tinh giãn nhỏ. Với nghiệm pháp này, nam giới sẽ được yêu cầu đứng thẳng, hít một hơi thật sâu và thở ra gắng sức, đồng thời rặn mạnh tương tự như động tác rặn khi đại tiện. Bịt mũi bằng một tay và giữ nguyên tư thế này trong 10 giây để bác sĩ kiểm tra tinh hoàn. Sau đó, người bệnh có thể hít thở lại một cách bình thường.
  • Siêu âm bìu: Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm Doppler để phát hiện âm thanh dòng máu trào ngược qua van, hoặc đo nhiệt độ tinh hoàn bằng công nghệ cảm biến hồng ngoại để nhận biết các khu vực nhiệt độ cao do máu tụ lại.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán bằng cả khám lâm sàng lẫn siêu âm

Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán bằng cả khám lâm sàng lẫn siêu âm

Sau khi chẩn đoán, dựa vào các kết quả thu được, giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ được xếp loại theo 5 mức độ trên lâm sàng theo thang Dubin như sau:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 0: Bệnh chỉ chẩn đoán được thông qua siêu âm, chụp mạch máu hoặc các phương pháp khác mà không phát hiện được trên lâm sàng.
  • Giãn tĩnh mạch độ 1: Đã xuất hiện các biểu hiện, có thể sờ thấy búi tĩnh mạch giãn thông qua nghiệm pháp Valsalva.
  • Giãn tĩnh mạch độ 2: Triệu chứng đã rõ ràng hơn, có thể sờ thấy búi tĩnh mạch bị giãn khi người bệnh trong tư thế đứng thẳng.
  • Giãn tĩnh mạch độ 3: Có thể nhìn thấy búi tĩnh mạch bị giãn khi người bệnh trong tư thế đứng thẳng.
  • Giãn tĩnh mạch độ 4: Giai đoạn đã chuyển biến nặng, các búi tĩnh mạch bị giãn ngoằn ngoèo dưới da bìu dù bệnh nhân ở tư thế đứng hay nằm.

Riêng với những bệnh nhân được chỉ định siêu âm Doppler, nếu phát hiện đường kính tĩnh mạch lớn hơn 2,5mm thì được coi là giãn. Theo phân loại Sarteschi, có 5 phân độ giãn tĩnh mạch thừng tinh như sau:

  • Phân độ 1: Không giãn tĩnh mạch thừng tinh trong bìu nhưng có dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch thừng tinh đoạn ống bẹn khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva.
  • Phân độ 2: Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở tư thế nằm. Khi làm nghiệm pháp Valsalva có phát hiện giãn tĩnh mạch và trào ngược máu khu trú ở cực trên tinh hoàn.
  • Phân độ 3: Không giãn tĩnh mạch thừng tinh ở tư thế nằm nhưng có giãn ở tư thế đứng. Dòng máu trào ngược lan tỏa cả cực trên và cực dưới tinh hoàn khi thực hiện nghiệm pháp Valsalva.
  • Phân độ 4: Giãn tĩnh mạch thừng tinh và có dòng trào ngược khi làm nghiệm pháp Valsalva ở tư thế nằm.
  • Phân độ 5: Giãn tĩnh mạch thừng tinh và có dòng trào ngược ngay cả khi không làm nghiệm pháp Valsava.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh khi siêu âm Doppler

Giãn tĩnh mạch thừng tinh khi siêu âm Doppler

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có con được không?

Tham khảo ý kiến Bác sĩ Thảo cho biết thêm, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể tác động xấu đến sức khỏe sinh sản và chức năng tình dục của nam giới. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sinh trưởng của tinh hoàn. Các tác động này diễn ra âm ỉ, từ từ nên rất khó để phát hiện.

Ở những người trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, khoảng 85% trường hợp vẫn giữ được khả năng sinh con. Tuy nhiên, về lâu dài giãn tĩnh mạch dẫn đến tình trạng máu ứ trệ, không lưu thông tốt làm gia tăng nhiệt độ bên trong tinh hoàn. Sở dĩ, tĩnh mạch thừng tinh đóng vai trò như một “lưới tản nhiệt”, giữ nhiệt độ của tình hoàn trong bìu lúc nào cũng thấp hơn cơ thể từ 1-2 độ. Đây được xem là điều kiện lý tưởng nhất cho quá trình sinh tinh. Do đó, khi nhiệt độ tăng lên, hiện tượng sinh tinh bị giảm đi, gây nguy cơ vô sinh cho nam giới.

Bên cạnh đó, sự trao đổi chất không tốt trong thời gian dài khiến tinh hoàn bên bị giãn tĩnh mạch thừng tinh teo dần. Đây là biến chứng thường gặp nhất ở nam giới mắc bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời.

Đồng thời, khả năng chuyển hóa của tinh hoàn cũng bị ảnh hưởng. Điều này tác động trực tiếp đến việc thực hiện chức năng chính của tinh hoàn là sản xuất hormone sinh dục nam. Nồng độ testosterone giảm mạnh khiến nam giới mất cảm hứng tình dục, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương cùng nhiều hệ quả nghiêm trọng khác.

Do đó, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tình dục và sinh hoạt hàng ngày của nam giới. Bệnh nhân nếu có triệu chứng nghi ngờ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh sản của nam giới

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh sản của nam giới

Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng cách nào?

Trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh không gây triệu chứng và ở mức độ nhẹ (độ 1 và 2), người bệnh không cần thiết phải điều trị mà chỉ cần thay đổi lối sống, sinh hoạt để ngăn tình trạng bệnh tiến triển. Việc theo dõi và khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để tầm soát, phát hiện diễn biến bất thường của bệnh và có sự can thiệp kịp thời.

Đối với các trường hợp tĩnh mạch giãn mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mật độ và chất lượng tinh trùng, bệnh có triệu chứng sưng đau, khó chịu trong cuộc sống và sinh hoạt, thì người bệnh cần thực hiện các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Các phương pháp nội khoa thường không hiệu quả trong bệnh lý này. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc một trong hai biện pháp: gây thuyên tắc tĩnh mạch và thắt tĩnh mạch thừng tinh. Cụ thể:

Thuyên tắc tĩnh mạch thừng tinh

Gây thuyên tắc tĩnh mạch là biện pháp can thiệp, chặn nguồn cung cấp máu tạm thời đến tinh hoàn. Sau khi thực hiện thủ thuật gây mê cục bộ, các bác sĩ sẽ tiến hành rạch đường tĩnh mạch ở bẹn để luồn kim vào, tiếp cận những tĩnh mạch bị giãn ở bìu và khóa chúng lại.

Do tĩnh mạch bị khóa tạm thời, máu sẽ không lưu thông được đến tĩnh mạch tinh bị giãn nên chúng không bị sưng, đau, cũng như ảnh hưởng sang các cơ quan bên cạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của phương pháp này chỉ đạt được khoảng 80% và vẫn có nguy cơ tái phát. Lúc này, bệnh nhân sẽ được chuyển hướng điều trị bằng phẫu thuật.

Thắt tĩnh mạch thừng tinh

Thắt tĩnh mạch thừng tinh là biện pháp can thiệp bằng phẫu thuật nhằm khắc phục các vấn đề trở ngại trong sinh sản cũng như khi hoạt động tình dục cho nam giới mắc bệnh này. Tỷ lệ thành công của phương pháp đạt đến 95%, cao hơn nhiều so với cách thuyên tắc tĩnh mạch được đề cập ở trên.

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh có tỷ lệ thành công cao lên tới 95%

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh có tỷ lệ thành công cao lên tới 95%

Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để thực hiện phẫu thuật loại bỏ hoặc thắt các tĩnh mạch bị giãn ở phía trên và xung quanh tinh hoàn. Bác sĩ sẽ dùng dao rạch một vùng da nhỏ dài khoảng 2-3cm tại vùng bụng dưới hoặc trên nếp bẹn. Thời gian tiến hành phẫu thuật chưa đến một giờ và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có rủi ro?

Cũng như các biện pháp điều trị khác, dù là gây thuyên tắc hay thắt tĩnh mạch thừng tinh đều tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra. Theo các trường hợp mà lâm sàng ghi nhận được, người bệnh có thể gặp phải tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, sưng bìu do tụ dịch (tràn dịch khoang màng tinh), giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát hoặc teo tinh hoàn không hồi phục. Dù xác suất xảy ra rất thấp nhưng người bệnh cũng nên cân nhắc và cẩn thận trong suốt quá trình điều trị và hồi phục để hạn chế các rủi ro có thể xuất hiện.

Bệnh nhân cần tái khám ngay nếu phát hiện các triệu chứng như đau kéo dài không giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau; vết mổ có tình trạng bầm tím, thâm đen, chảy máu bất thường hoặc có mùi hôi, bìu sưng to kèm theo sốt cao trên 38 độ C có rét run, tiết dịch bất thường,… Nên báo ngay cho bác sĩ để tiến hành các xét nghiệm, kiểm tra, chẩn đoán và có hướng giải quyết kịp thời.

Một điều cần lưu ý rằng, tất cả các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh đều có khả năng tái phát sau phẫu thuật. Bởi lẽ, đây bản chất là một đám rối tĩnh mạch. Do đó, khi tắc mạch này vẫn sẽ còn những tĩnh mạch khác có nguy cơ bị giãn. Tùy thuộc vào phương pháp, cơ địa, kinh nghiệm của kỹ thuật viên cùng nhiều yếu tố khác mà khả năng tái phát có thể cao hoặc thấp. Thông thường, tỷ lệ này dao động khoảng 0,6-20%.

Một vài lưu ý sau khi tiến hành phẫu thuật

Để tránh tổn thương vết mổ và hạn chế tình trạng nhiễm trùng, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

  • Người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau 48 giờ kể từ khi phẫu thuật. Trong thời gian đó, nam giới nên tránh các hoạt động gắng sức như khiêng vác vật nặng hoặc quan hệ tình dục.
  • Có thể hoạt động, sinh hoạt bình thường hoàn toàn sau khoảng 5-7 ngày. Bệnh nhân có thể tắm trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật, chú ý không ngâm xà bông trong bồn tắm trong vòng 5 ngày.
  • Đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhẹ ở vết mổ, rỉ dịch, sưng bìu nhẹ,… Người bệnh có thể dùng bông, gạc đắp lên vết mổ để thấm dịch.
  • Một số bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau sau khi kết thúc liệu trình gây tê. Người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong 48 giờ đầu.
  • Cần tuân thủ tái khám sau 2 tuần để kiểm tra tình trạng vết mổ.
  • Sau 3 tháng kể từ ngày phẫu thuật, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra tinh dịch đồ, đếm số lượng tinh trùng,… Đừng quá lo lắng nếu số lượng tinh trùng chưa cải thiện nhiều trong lần thử đầu tiên, thường thì tinh trùng sẽ tăng dần qua các lần thử tiếp theo.
Bệnh nhân được gây mê để thực hiện phẫu thuật nên hoàn toàn không gây đau

Bệnh nhân được gây mê để thực hiện phẫu thuật nên hoàn toàn không gây đau

Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và cách điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới. Nhìn chung, bệnh nên được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu để hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng tinh hoàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900 3366 hoặc Fanpage của Tổ hơp Y tế MEDIPLUS để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hay phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH KHÁM & TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Đặt lịch ngay để được Tư vấn và thăm khám trực tiếp với các Bác sĩ chuyên gia đầu ngành



    Bài viết liên quan

    Quan hệ ra máu đỏ tươi ở nam giới là bệnh gì? có nguy hiểm không?

    Sau khi quan hệ ra máu đỏ tươi ở nam giới là tình trạng nhiều người gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa…

    16 Th9, 2024
    529

    Chuyên mục: Nam khoa

    Đau dương vật sau khi quan hệ: Nguyên nhân và cách xử lý

    Đau dương vật sau khi quan hệ là tình trạng bất thường và đáng lo ngại, làm ảnh hưởng đến “cuộc yêu”. Có nhiều lý…

    15 Th5, 2024
    377

    Chuyên mục: Nam khoa

    Đầu dương vật bị thâm có nguy hiểm không?

    Đầu dương vật bị thâm là tình trạng khá phổ biến ở nam giới. Vậy hiện tượng đầu dương vật bị thâm có phải là…

    27 Th5, 2024
    1.3K

    Chuyên mục: Nam khoa

    Dương vật không cương tối đa: Giải mã vấn nạn thầm kín của nam giới

    Dương vật không cương tối đa là vấn đề có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở nam giới. Vậy nguyên nhân khiến cho…

    23 Th5, 2024
    370

    Chuyên mục: Nam khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám