Hướng dẫn bố mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau mắt

Cập nhật 12/06/2023

888

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Trẻ sơ sinh bị đau mắt là một trong những vấn đề lo lắng của các bậc phụ huynh. Đây là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm sẽ gây các biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây nên tình trạng này và cách xử lý ra sao? Bố mẹ hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây!

Nguyên nhân gây đau mắt ở trẻ sơ sinh

Tình trạng trẻ sơ sinh bị đau mắt luôn khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng. Theo các chuyên gia MEDIPLUS, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay.

Nhiễm trùng hoặc vi khuẩn

Một loại vi khuẩn phổ biến gây các triệu chứng sưng mí mắt, mắt bị đỏ lên và có thể chảy cả mủ chính là vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Thông thường, những triệu chứng trên sẽ xuất hiện trong khoảng từ 1 đến 2 tuần đầu sau khi sinh. Loại vi khuẩn này có thể gây nên tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ.

Trẻ sơ sinh bị đau mắt sưng đỏ đóng ghèn và khó mở mắt.

Trẻ sơ sinh bị đau mắt sưng đỏ đóng ghèn và khó mở mắt.

Nếu trong giai đoạn mang thai người mẹ nhiễm vi khuẩn này nhưng không được điều trị thì rất có thể trẻ khi sinh ra cũng bị lây truyền. Có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt do vi khuẩn chlamydia cũng bị nhiễm trùng ở tại bộ phận khác của cơ thể như phổi và vòm họng.

Ngoài Chlamydia trachomatis thì còn có một số loại vi khuẩn, virus khác khi tồn tại trong cơ thể mẹ có thể lây truyền sang con và gây ra tình trạng đau mắt ở trẻ. Đó có thể là những loại vi khuẩn sống trong âm đạo người mẹ hoặc các virus gây mụn rộp sinh dục.

Trẻ bị tổn thương trong khi sinh hoặc trong quá trình chăm sóc

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt có thể là do vùng mắt phải tiếp xúc lâu với dịch nước ối nên trẻ có thể bị đau mắt trong những ngày đầu sau sinh.

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm bằng các biện pháp điều trị thì sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu như bố mẹ không biết cách chăm sóc trẻ ở giai đoạn nhạy cảm này thì rất có thể dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn hoặc viêm kết mạc ở trẻ.

Trẻ bị viêm hoặc dị ứng

Lông thú cưng cũng có thể là tác nhân gây dị ứng làm đau mắt ở trẻ

Lông thú cưng cũng có thể là tác nhân gây dị ứng làm đau mắt ở trẻ

Khi kết mạc của trẻ sơ sinh phải chịu một tác động hoặc một kích thích nào đó thì rất dễ dẫn đến tình trạng mắt bị ngứa, sưng đỏ và chảy nước mắt nhiều. Lúc này, để phản ứng lại các tác nhân khó chịu đó, trẻ có xu hướng đưa tay lên và dụi mắt liên tục khiến tình trạng đau mắt diễn ra thường xuyên hơn. Các tác nhân gây dị ứng hoặc viêm kết mạc có thể là: gió hoặc bụi bẩn ở môi trường xung quanh, cũng có thể là các loại phấn hoa hoặc lông thú cưng. Chính vì thế, bố mẹ cần đảm bảo không gian sống của trẻ được thoáng đãng và sạch sẽ, điều này giúp ngăn ngừa đau mắt ở trẻ do các tác nhân bên ngoài.

Triệu chứng của trẻ sơ sinh bị đau mắt

Vì trẻ sơ sinh chưa thể giao tiếp nên bố mẹ cần phải đặc biệt theo dõi và chăm sóc để có thể nhận ra những bất thường từ sớm. Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt thì thông thường sẽ xuất hiện kèm theo các triệu chứng cơ bản sau đây:

Mắt sưng đỏ hoặc khó mở ra

Triệu chứng đầu tiên mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy chính là mắt của bé trở nên đỏ gay, trẻ liên tục cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, mí mắt của trẻ có thể sẽ tiết ra nhiều ghèn hơn bình thường.

Mắt sưng đỏ khó mở mắt gây viêm khó chịu cho trẻ.

Mắt sưng đỏ khó mở mắt gây viêm khó chịu cho trẻ.

Các chất nhầy trong mắt sẽ tiết ra một cách nhanh chóng, sau đó dần đóng dày lên ở trong góc mắt rồi từ từ bao phủ lên toàn bộ mắt của trẻ. Chất nhầy này tích tụ ở mắt khi khô dần thì sẽ dính rất chặt, đóng vảy và khiến trẻ rất khó khăn trong việc mở mắt.

Chảy nước mắt và phản ứng với ánh sáng mạnh

Nếu dấu hiệu đầu tiên là mắt bị sưng đỏ và khó mở ra thì hiện tượng chảy nước mắt thường xuyên chính là một triệu chứng tiếp theo ở những trẻ sơ sinh bị đau mắt. Thêm vào đó, lúc này mắt trẻ sẽ cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng mạnh vì tình trạng mắt đang rất yếu.

Khoảng cách giữa 2 mắt không bằng nhau

Dấu hiệu tiếp theo rất phổ biến ở trẻ khi bị đau mắt chính là khoảng cách giữa hai mắt không đều nhau. Ở mắt bị bệnh thì khoảng cách giữa hai mí mắt cũng như độ mở sẽ hẹp hơn. Nguyên nhân có thể là do trẻ khó mở mắt to do bị chảy ghèn nhiều hoặc mắt trẻ trở nên nhạy cảm khi tiếp xúc lâu với không khí và ánh sáng mạnh.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau mắt

Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt, bố mẹ cần biết đến các phương pháp cơ bản để chăm sóc trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này.

Chỉ cần sai sót trong quá trình này có thể khiến tình trạng của bé chuyển biến nặng và nghiêm trọng hơn. Dưới đây chính là một vài lưu ý bố mẹ cần tham khảo để đảm bảo trẻ được chăm sóc đúng cách và đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Vệ sinh mắt đúng cách

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ cần  phải đảm bảo rằng tay của mình đã được rửa sạch sẽ. Đặc biệt là khoảng thời gian trước và sau khi vệ sinh mắt cho trẻ, bố mẹ phải rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch nước sát khuẩn cho thật sạch, tránh trực tiếp đưa thêm vi khuẩn vào mắt, làm cho tình trạng của bé nặng hơn.

Ba mẹ cần lưu ý vệ sinh đúng cách cho trẻ nhỏ khi mắt bị đau viêm.

Ba mẹ cần lưu ý vệ sinh đúng cách cho trẻ nhỏ khi mắt bị đau viêm.

Khi vệ sinh mắt, bố mẹ nên dùng một miếng gạc mỏng hoặc một chiếc khăn sạch mềm mại đã thấm ướt với nước, sau đó tiến hành lau sạch bên mắt không bệnh trước, rồi mới chuyển sang mắt bị bệnh. Cần lưu ý tuyệt đối không làm theo chiều ngược lại, tránh lây bệnh cho mắt còn khoẻ mạnh. Đồng thời, khăn, gạc dùng để vệ sinh cho trẻ xong nên được vứt đi, vì khi tái sử dụng để vệ sinh mắt rất dễ làm trẻ bị tái nhiễm.

Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mắt cho trẻ

Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt, nước muối sinh lý chính là lựa chọn an toàn nhất. Bố mẹ nên nhỏ mắt cho bé ít nhất 3 lần/ ngày vào các buổi sáng, trưa và tối, tốt nhất là vệ sinh mắt cho trẻ khoảng 2-3 tiếng một lần. Điều này giúp rửa trôi phần gỉ mắt, tạo sự thông thoáng và giảm thiểu tình trạng mắt bé bị cộm, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Sử dụng thuốc mắt theo chỉ định của bác sĩ

Trước khi quyết định điều trị bằng cách dùng thuốc thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là đối với các bệnh lý về mắt thì bố mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về cho bé dùng. Khi thăm khám thì các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng và mức độ nghiêm trọng của trẻ trước, sau đó sẽ chỉ định phương pháp điều trị an toàn và thích hợp.

Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh và bụi bẩn

Khi bị đau thì mắt của trẻ sẽ vô cùng nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài đặc biệt là bụi bẩn và ánh sáng mạnh. Chính vì thế, bố mẹ nên chú ý không đưa trẻ đến những nơi đông người, ồn ào và nhiều khói bụi. Bởi lẽ đó chính là những nơi tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh tật.

Đồng thời, việc tiếp xúc với khói bụi và môi trường không sạch sẽ cũng khiến cho tình trạng bệnh của bé trở nên nặng thêm. Trong thời điểm này, bố mẹ cần chú ý dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và không gian sống, thay đổi và bố trí phòng bé với ánh sáng dịu nhẹ, giúp mắt bé thư giãn và dễ chịu hơn.

Khi nào cần cho bé đến bác sĩ?

Tình trạng trẻ sơ sinh bị đau mắt cũng khá phổ biến, nên nếu bệnh chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ thì bố mẹ hoàn toàn có thể tự chữa cho trẻ bằng cách chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh ngày càng diễn biến nặng và nghiêm trọng hơn thì bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến thăm khám ở các cơ sở uy tín.

Các dấu hiệu cho thấy bệnh nặng thêm chính là mắt bé ngày càng sưng đỏ và chảy nhiều nước, các triệu chứng của bệnh cũng không thuyên giảm sau khoảng 4 ngày chăm sóc tại nhà. Đặc biệt một số trẻ còn kèm theo tình trạng sốt cao, bỏ bú và quấy khóc liên tục.

Nếu trẻ không được điều trị kịp thời thì sẽ có thể mắc phải các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực về lâu về dài. Chính vì thế, bố mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi trẻ trong giai đoạn nhạy cảm để có thể chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều trị sớm.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ cập nhật thêm các kiến thức về tình trạng trẻ sơ sinh bị đau mắt. Từ đó sẽ không còn bối rối khi con trẻ mắc phải hiện tượng này. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, bố mẹ hãy liên hệ ngay đến hotline 19003366 để nhận được tư vấn từ chuyên gia Nhi khoa MEDIPLUS.

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám