Nội soi đại tràng sigma là gì? – 8 điều cần biết

Cập nhật 24/06/2023

2.5K

ThS. BS Lê Văn Vinh

Tham vấn y khoa:ThS. BS Lê Văn Vinh

Tác giả:Nguyễn Thị Lan Anh

Chuyên mục:Nội soi tiêu hóa

Khi nhắc tới nội soi đại tràng, người bệnh dễ dàng hiểu là kiểm tra phần đại tràng. Tuy nhiên với khái niệm nội soi đại tràng sigma thì có thể gây khó hiểu vì họ không biết sigma có ý nghĩa là gì. Vì vậy, chuyên gia MEDIPLUS sẽ giải thích cụ thể hơn về phương pháp nội soi sigma trong bài viết sau đây.

1. Nội soi đại tràng sigma là gì?

Đại tràng sigma là phần có hình chữ S trong đại tràng, có độ dài từ 35 – 40cm. Vị trí của đại tràng sigma là ở phần thấp nhất trong đại tràng gần hậu môn, nối trực tràng với đại tràng xuống. Đây là nơi chứa các loại chất thải rắn và khí nên dễ bị viêm nhiễm, các vết loét có thể gây ra cảm giác đau hoặc chảy máu khi đi ngoài cho người bệnh. Đại tràng sigma cùng với trực tràng chiếm 70 – 80% ung thư ở đại trực tràng.

Vị trí của đại tràng sigma trong cơ thể con người

Vị trí của đại tràng sigma trong cơ thể con người

Theo định nghĩa của Bộ Y tế:

“Nội soi đại tràng sigma là kỹ thuật đưa ống soi mềm từ hậu môn đi ngược lên đến đại tràng sigma để quan sát, chẩn đoán tổn thương đại tràng sigma và trực tràng hoặc để sinh thiết tổn thương đại tràng sigma và trực tràng làm tế bào học (đối với nội soi có sinh thiết)”

Nội soi đại tràng sigma được chỉ định thực hiện cho các trường hợp như bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài ra máu, bị tắc ruột, rối loạn đại tiện (phân lỏng hoặc cứng thất thường),…

Hình ảnh minh họa nội soi đại tràng sigma

Hình ảnh minh họa nội soi đại tràng sigma

Mặc dù nội soi là phương pháp kiểm tra an toàn, nhưng không áp dụng cho tất cả mọi người bệnh. Phần tiếp theo sẽ nói về những đối tượng được chỉ định và chống chỉ định trong nội soi đại tràng sigma.

2. Chỉ định và chống chỉ định nội soi đại tràng sigma

Theo quy định của Bộ Y tế, nội soi đại tràng sigma được chỉ định và chống chỉ định đối với những trường hợp sau:

Chỉ định nội soi đại tràng sigma:

  • Khi bệnh nhân có dị vật đại tràng, tắc ruột.
  • Khi bệnh nhân có đau bụng không rõ nguyên nhân, rối loạn đại tiện phân táo lỏng thất thường
  • Bệnh nhân đi ngoài ra máu
  • Bệnh nhân trên 40 tuổi trong gia đình có người polyp đại tràng, ung thư đại tràng được nhắc lại 5 năm/lần.
  • Bệnh nhân cần theo dõi sau điều trị một số bệnh như Crohn, polyp
  • Thiếu máu không rõ nguyên nhân
  • Sàng lọc ung thư đại tràng ở người trên 50 tuổi
  • Bệnh nhân có phim chụp đại tràng sigma cản quang có nghi ngờ.

Chống chỉ định nội soi đại tràng sigma:

  • Bệnh nhân bị thủng đại tràng hay viêm phúc mạc
  • Phụ nữ có thai
  • Bệnh nhân bị suy tim suy hô hấp, suy tuần hoàn.
  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hay mới xuất hiện nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh nhân mới phẫu thuật điều trị thủng đại tràng.
  • Bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ bụng.
Nội soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được những bất thường ở khu vực đại tràng sigma 

Nội soi đại tràng sigma sẽ phát hiện được những bất thường ở khu vực đại tràng sigma

3. Mục đích của nội soi đại tràng sigma

Phương pháp nội soi đại tràng sigma được thực hiện với những mục đích như sau:

  • Phát hiện các tổn thương niêm mạc đại tràng như viêm, loét, dị sản mạch…
  • Phát hiện ung thư hậu môn, trực tràng hay đại tràng sigma và lấy mảnh sinh thiết khi cần
  • Phát hiện polyp và có thể cắt các polyp
  • Phát hiện trĩ
  • Phát hiện các lỗ rò hậu môn và vết rách hậu môn.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng sigma

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng thời giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và đưa ra kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao, bệnh nhân cần thực hiện những việc sau:

  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh lý: để bác sĩ biết được bệnh nhân thuộc nhóm chỉ định hay chống chỉ định thực hiện nội soi đại tràng sigma,…
  • Bệnh nhân thông báo cho bác sĩ về một số loại thuốc đang sử dụng: để bác sĩ đưa ra hướng dẫn loại thuốc nên tạm ngừng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ: Không uống loại thuốc gây bám dính vào niêm mạc đại tràng trong vòng 4 ngày trước.
  • Bệnh nhân nên có chế độ ăn với những loại thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Người bệnh được giải thích về thủ thuật, những lợi ích và rủi ro để đồng ý thực hiện.

Trước khi bắt đầu nội soi, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện những việc sau:

  • Làm sạch đường tiêu hóa
  • Có thể cần phải chụp chiếu trước khi kiểm tra. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định
Hình ảnh thực hiện nội soi đại tràng sigma trong thực tế

Hình ảnh thực hiện nội soi đại tràng sigma trong thực tế

5. Các bước thực hiện nội soi đại tràng sigma

Quy trình thực hiện nội soi đại tràng sigma gồm những bước chính như sau:

  • Bước 1: Người bệnh nằm nghiêng trái hoặc nằm ở tư thế sản khoa
  • Bước 2: Bác sĩ thực hiện nội soi, đánh giá tổn thương và thực hiện thủ thuật (sinh thiết, cắt polyp…) nếu cần.
  • Bước 3: Sau khi kết thúc in kết quả, đọc và trả kết quả cho người bệnh.

6. Nội soi đại tràng sigma có đau không?

Nội soi sigma gần như không đau mà chỉ cảm giác đầy hơi, căng tức khi đưa ống nội soi vào hậu môn hoặc khi không khí được thổi vào đại tràng. Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy muốn đi vệ sinh hoặc trung tiện khi ống nội soi đi vào vùng đại tràng.

Cảm giác đâu thường hiếm khi xuất hiện, nhưng nếu người bệnh có cảm giác này thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Bệnh nhân sẽ có một số cảm giác khó chịu khi ống nội soi đi vào đại tràng

Bệnh nhân sẽ có một số cảm giác khó chịu khi ống nội soi đi vào đại tràng

7. Biến chứng khi nội soi đại tràng sigma

Nội soi nói chung và nội soi đại tràng sigma nói riêng đều là phương pháp kiểm tra an toàn và các biến chứng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số biến chứng như sau:

  • Rách niêm mạc, chảy máu, thủng gây viêm phúc mạc: Những biến chứng này có thể do va chạm của ống nội soi lên vùng niêm mạc đang bị loét.
  • Cảm giác căng tức bụng, đau bụng: Do khí được bơm quá nhiều vào đại tràng khi nội soi và thoát ra không hết.
  • Cơn đau bụng tăng lên, chướng bụng, bụng căng cứng, sốt, nôn hoặc có chảy máu từ hậu môn: Khi bệnh nhân gặp một trong những dấu hiệu này thì cần gọi cho bác sĩ ngay để có phương án xử lý kịp thời.
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ những triệu chứng khó chịu sau nội soi đại tràng sigma để xử lý kịp thời

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ những triệu chứng khó chịu sau nội soi đại tràng sigma để xử lý kịp thời

8. Lưu ý sau khi nội soi đại tràng sigma

Sau khi nội soi đại tràng sigma, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại chỗ từ 15 – 30 phút để bác sĩ theo dõi các biến chứng sau nội soi
  • Bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng để thoát hết khí bơm vào khi nội soi
  • Bệnh nhân chỉ nên đi về nhà khi đã cảm thấy dễ chịu, cơ thể hoàn toàn bình thường như trước nội soi.
  • Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường không cần kiêng hoặc nhịn ăn.

Nội soi đại tràng sigma hay nội soi toàn bộ vùng đại tràng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và phát hiện sớm các dấu hiệu mầm mống của ung thư để có phương án điều trị kịp thời. Đây là phương pháp kiểm tra an toàn và có độ chính xác cao nên bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác về nội soi đại tràng, hãy liên hệ tới Hotline 1900 3366 để các chuyên gia tư vấn nhanh và chính xác nhất.

 *** Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Nội soi tiêu hóa: Quy trình, kỹ thuật, bảng giá mới nhất 2023

    Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán các bệnh liên quan đến tiêu hóa hiện đại nhất. Chính vì vậy, các vấn đề…

    28 Th8, 2023
    3.1K

    Tham vấn y khoa: TS. BS Phạm Bình Nguyên

    Chuyên mục: Nội soi tiêu hóa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám