Đi đái buốt (tiểu buốt) – Các bệnh lý thường hay gặp nhất

Cập nhật 11/05/2023

1.4K

ThS. BS Nguyễn Thị Hoa

Tham vấn y khoa:ThS. BS Nguyễn Thị Hoa

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nội tiết

Đi đái buốt (hay còn gọi là tiểu buốt) là triệu chứng thường gặp của một số bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới do đặc thù về cấu tạo sinh lý. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Đi tiểu buốt là gì?

Đi đái buốt (tiểu buốt) là triệu chứng đau đớn, nóng rát kèm cảm giác khó chịu khi đi tiểu. Cơn đau có thể xuất phát từ bàng quang, đáy chậu hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu). Vùng đáy chậu ở nam giới nằm giữa bìu và hậu môn. Còn ở nữ giới, đáy chậu nằm giữa hậu môn và phần đầu của âm đạo.

Tiểu buốt là tình trạng khá phổ biến, gặp ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn do cấu tạo đặc thù về đường niệu đạo. Người bệnh khi phát hiện triệu chứng tiểu buốt kèm theo những dấu hiệu bất thường khác về sinh lý, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Có thể bạn cũng đang quan tâm:

Đi đái buốt gây nóng rát, khó chịu cho người bệnh

Đi đái buốt gây nóng rát, khó chịu cho người bệnh

Nguyên nhân đi tiểu buốt ở nữ giới

Tiểu buốt xảy ra ở nữ giới có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do bệnh lý hoặc không do bệnh lý. Trường hợp tiểu buốt không do bệnh lý thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu là do vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài không sạch sẽ, căng thẳng tâm lý, sử dụng thực phẩm/đồ uống có tính chất lợi tiểu, uống nhiều chất kích thích như bia, rượu, caffeine,… Bên cạnh đó, nữ giới mang thai cũng có thể xuất hiện hiện tượng tiểu buốt do thai nhi lớn dần chèn ép lên bàng quang. 

Tiểu buốt ở nữ giới có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Tiểu buốt ở nữ giới có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Đối với đi đái buốt do nguyên nhân bệnh lý, nữ giới cần lưu ý những trường hợp sau:

Viêm đường tiết niệu

Cấu tạo đường niệu đạo của phụ nữ khá ngắn, chỉ bằng ⅓ so với nam giới. Hơn nữa, niệu đạo nữ giới lại nằm rất gần với hậu môn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Một số vi khuẩn như lậu cầu, Chlamydia, Mycoplasma gây triệu chứng điển hình như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra mủ,…

Viêm âm đạo do nấm

Triệu chứng tiểu buốt của nữ giới có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm âm đạo do nấm. Bệnh nhân ngứa bên trong và ngoài âm đạo. Đồng thời, xuất hiện khí hư dạng bã đậu, tiểu buốt kèm viêm loét do niêm mạc bị tổn thương.

Bệnh lậu

Sau 3-5 ngày nhiễm vi khuẩn lậu cầu, nữ giới có biểu hiện tiểu buốt, tiểu nhiều lần, khí hư ra nhiều kèm âm đạo chảy mủ bất thường,… Lúc này, chị em cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Táo bón

Tình trạng táo bón kéo dài xuất phát từ thói quen ăn uống, căng thẳng tâm lý,… có thể gây áp lực lớn lên bàng quang, lâu dần dẫn đến tình trạng tiểu buốt.

Phụ nữ mãn kinh

Khi bước vào độ tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh khiến pH âm đạo bị thay đổi. Điều này gây mất cân bằng hệ nấm men và vi khuẩn trong âm đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây tiểu buốt thường gặp nhất ở nữ giới.

Bệnh đái tháo đường

Lượng đường trong máu tăng cao khiến cơ thể điều hòa bằng cách tăng thải glucose qua nước tiểu. Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường thường có hệ miễn dịch suy yếu. Chính điều này đã tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng đường tiết niệu với các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, khó chịu khi đi tiểu.

Sỏi thận

Sỏi thận tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, từ đó gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Do đó, khi chị em xuất hiện triệu chứng tiểu buốt kèm theo đau lưng thì có thể nghi ngờ bị sỏi thận. Lúc này, nữ giới nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện và điều trị triệt để tình trạng này.

Nhịn tiểu

Theo nhiều nghiên cứu, nhịn tiểu trong vòng 6 giờ trở lên có thể làm tăng nguy cơ tiểu buốt, tiểu rắt, nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Do đó, chị em không nên nhịn tiểu quá lâu nếu không có lý do đặc biệt để hạn chế tình trạng này.

Nguyên nhân đi tiểu buốt ở nam giới

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, quan hệ tình dục kém an toàn, thói quen nhịn tiểu, ăn đồ cay nóng,… triệu chứng đi đái buốt ở nam giới còn có thể do các bệnh lý như:

Viêm niệu đạo

Ống niệu đạo của nam giới là ống dài nối từ bàng quang ra lỗ tiểu, đảm nhận vai trò vận chuyển nước tiểu và tinh dịch. Vì vậy, khi ống niệu đạo bị viêm, chu vi niệu đạo bị thu hẹp lại tại chỗ sưng tấy, gây triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt cho người bệnh.

Viêm bàng quang

Đây là dạng nhiễm trùng cấp gây ra bởi vi khuẩn có sẵn tại bàng quang. Tỷ lệ mắc bệnh viêm bàng quang ở nam giới khá cao, bệnh lại dễ tái phát nếu không được điều trị dứt điểm nên đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu buốt ở phái mạnh. Khi bị viêm bàng quang, người bệnh có triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục và hôi, có thể tiểu kèm máu tươi, đau cơ quan sinh dục và hai bên thắt lưng,…

Viêm tuyến tiền liệt

Bệnh gây ra bởi vi khuẩn gram âm trong đường tiêu hóa hoặc vi khuẩn sinh dục tiết niệu. Tiểu buốt, tiểu rắt chính là hai triệu chứng điển hình của bệnh lý này mà nam giới nên lưu ý.

Viêm bể thận

Đây là tình trạng nhiễm trùng thận do biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra. Bệnh gây tiểu buốt, đau rát khi đi tiểu, nước tiểu đục và có mùi hôi. Người bệnh tiểu nhiều lần trong ngày, ăn không ngon, cơ thể suy nhược, sụt cân và mệt mỏi.

U xơ tiền liệt tuyến (phì đại tuyến tiền liệt)

Bệnh khiến tuyến tiền liệt sưng to, chèn ép vào ống niệu đạo và khu vực bàng quang gây rối loạn đường tiểu (tiểu buốt, tiểu rắt). Bệnh thường gặp ở nam giới bước vào độ tuổi trung niên.

Sỏi tiết niệu

Bao gồm sỏi thận, sỏi niệu đạo, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Sỏi có thể hình thành do các loại muối khoáng hòa tan trong nước tiểu bị lắng đọng lại. Bệnh nhân khi bị sỏi tiết niệu có thể đau âm ỉ hoặc thành từng cơn ở khu vực thắt lưng, tiểu buốt, bí tiểu, tiểu ngắt quãng, tiểu ra máu, nước tiểu đục,…

Bệnh lậu

Là bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Chúng xâm nhập qua biểu mô niệu đạo, cổ tử cung, gây kích ứng, đau hoặc xuất huyết rải rác. Bệnh nhân khi mắc bệnh lậu có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rát, dương vật tiết dịch trắng/vàng/xanh lá cây, sưng tinh hoàn,…

Nam giới cũng không nên chủ quan với triệu chứng đi tiểu buốt

Nam giới cũng không nên chủ quan với triệu chứng đi tiểu buốt

Đi tiểu buốt nhiều có nguy hiểm không?

Đi đái buốt gây cảm giác khó chịu khi đi tiểu, làm suy giảm sức khỏe sinh lý cũng như trạng thái tinh thần của người bệnh. Nam giới dần mất cảm giác tự tin và e ngại khi gần gũi bạn tình,… Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm vợ chồng cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Bên cạnh đó, tiểu buốt còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn mà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng khó lường như vô sinh, hiếm muộn,… thậm chí đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

Vì vậy, khi phát hiện có các triệu chứng như đi đái buốt, đái rắt,… với tần suất xảy ra thường xuyên và kéo dài, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời. Tránh để bệnh diễn tiến nặng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hiệu quả chữa trị.

Nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện đi tiểu buốt

Nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện đi tiểu buốt

Chẩn đoán tình trạng tiểu buốt

Để chẩn đoán tình trạng tiểu buốt, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử cũng như thăm khám lâm sàng và xem xét thêm các yếu tố về chế độ ăn uống, số lần đi tiểu và tần suất quan hệ tình dục. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Một số xét nghiệm cần thiết phải tiến hành gồm có xét nghiệm nước tiểu nhằm xác định các thành phần có trong nước tiểu của bệnh nhân. Đồng thời, dùng que thử nước tiểu để phát hiện vi khuẩn và máu (phổ biến ở bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiết niệu). Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể phải thực hiện nhiều xét nghiệm khác để kết quả chẩn đoán được chính xác hơn.

Dựa vào kết quả các xét nghiệm và thông tin mà người bệnh cung cấp, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng, đủ liệu trình để chữa trị dứt điểm bệnh, tránh tái phát.

Tiến hành xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu buốt

Tiến hành xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu buốt

Đi tiểu buốt là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm ở cả nam giới và nữ giới… Nhìn chung, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và có chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, liên hệ ngay qua số Hotline: 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới Fanpage Facebook hoặc Zalo của Tổ hợp để nhận được sự tư vấn và giải đáp từ các chuyên gia nhé!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Tiểu đường ăn đậu phụ được không? Chuyên gia giải đáp

    Chế độ ăn uống dành cho người tiểu đường đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt nhằm kiểm soát tối ưu lượng…

    22 Th5, 2023
    523

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Nội tiết

    Cơn đau quặn thận do sỏi nhận biết và điều trị đúng cách

    Theo các chuyên gia y tế, tình trạng đau quặn thận không thể xem nhẹ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời…

    14 Th6, 2023
    542

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Nguyễn Thị Hoa

    Chuyên mục: Nội tiết

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám