Cách tính chu kỳ kinh nguyệt chuẩn nhất cho chị em

Cập nhật 17/08/2023

4.2K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Phụ khoa

Nắm rõ chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em phụ nữ có thể theo dõi những thay đổi trong cơ thể. Đồng thời dựa vào chu kỳ kinh nguyệt, có thể tính toán được thời điểm “vàng” cho quá trình thụ thai. Vậy chu kỳ kinh nguyệt có thể tính như thế nào? Ths BSCKI Vũ Thị Thanh Vân – Bác sĩ sản phụ khoa Tổ hợp Y tế MEDIPLUS hướng dẫn chị em cách tính chu kỳ kinh nguyệt chuẩn nhất qua bài viết dưới đây, chị em cùng tham khảo!

Hiểu về chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là sự thay đổi về sinh lý trong cơ thể được điều hành bởi các hormone sinh dục ở nữ giới. Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện khi nữ giới bước vào giai đoạn tuổi dậy thì và diễn ra hàng tháng. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường đối với nữ giới.

Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28-30 ngày được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến khi bắt đầu ngày đầu của chu kỳ tiếp theo. Thời gian hành kinh của 1 chu kỳ thường kéo dài 3-5 ngày, hoặc từ 7-10 ngày cũng được coi là bình thường nếu lượng máu kinh ít.

Một chu kỳ kinh nguyệt được chia thành các giai đoạn khác nhau và triệu chứng ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau, cụ thể:

Giai đoạn hành kinh

Đây là giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra qua âm đạo rời khỏi cơ thể. Nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống giải phóng trứng ra ngoài kèm theo máu, chất nhầy, niêm mạc tử cung.

Một số triệu chứng chị em thường gặp trong giai đoạn này bao gồm: Đau bụng kinh, đau tức ngực, đau nhức vùng lưng dưới, đau đầu, tâm trạng thất thường, dễ nổi nóng. Giai đoạn này thường kéo dài trong vòng 3-5 ngày, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn.

Giai đoạn hành kinh - giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt

Giai đoạn hành kinh – giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt

Giai đoạn nang trứng

Giai đoạn này bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ và kết thúc khi trứng rụng.

Tuyến yên khi nhận được tín hiệu sẽ giải phóng hormone kích thích nang trứng. Hormone này kích thích buồng trứng sản sinh khoảng 5-20 nang nhỏ. Trong số đó chỉ có một nang trứng phát triển thành trứng trưởng thành. Sự phát triển của nang trứng có tác dụng kích thích niêm mạc dày lên để trứng thụ tinh và làm tổ.

Giai đoạn rụng trứng

Trứng thường rụng vào khoảng ngày 14 trong chu kỳ 28 ngày. Tuy nhiên, mỗi người có một chu kỳ khác nhau nên việc xác định thời điểm rụng trứng ở mỗi người cũng khác nhau.

Nang trứng phát triển sẽ làm tăng nồng độ estrogen và hormone giải phóng Gonadotropin (GNRH) trong cơ thể. Hormone này thúc đẩy tuyến yên sản xuất LH – Hormone kích thích rụng trứng. Sau đó, trứng được phóng vào ống dẫn trứng và đưa vào tử cung.

Quá trình rụng trứng thường diễn ra trong vòng 28-36 giờ kể từ khi hormone LH được tiết ra. Đây cũng chính là thời điểm vàng để thụ thai.

Giai đoạn rụng trứng, thời điểm thích hợp để mang thai

Giai đoạn rụng trứng, thời điểm thích hợp để mang thai

Giai đoạn hoàng thể

Ở giai đoạn này trứng đã rụng và nang trứng bị vỡ và biến đổi thành hoàng thể sau khoảng 2 tuần. Hoàng thể sẽ giải phóng progesterone và một lượng ít estrogen. Hormone này sẽ kết hợp lại khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày lên chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thụ tinh.

Trứng được thụ tinh sẽ bám vào niêm mạc tử cung tạo ra các hormone để duy trì hoàng thể, trong đó có HCG. Hoàng thể lại tiếp tục sản xuất Progesterone giúp niêm mạc tử cung dày lên phục vụ cho việc mang thai.

Nếu không được thụ tinh, hoàng thể dần tan rã để bắt đầu một chu kỳ kinh mới. Điều này làm cho quá trình sản sinh progesterone bị giảm sút khiến nội mạc tử cung bị phá vỡ và bong ra kèm theo máu, trứng và dịch trong âm đạo. Giai đoạn hoàng thể sẽ kéo dài trong vòng 11-17 ngày.

Xem thêm:

Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt? Bị rối loạn chị em phải làm sao?

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt chuẩn

Chu kỳ kinh nguyệt phổ biến thường kéo dài 28 ngày. Từ đó, xác định được thời điểm rụng trứng sẽ rơi vào ngày 14 và thời kỳ dễ thụ thai kéo dài từ ngày 11 đến ngày 16.

Với phụ nữ có chu kỳ kinh kéo dài 32 ngày

Chị em phụ nữ có chu kỳ kinh cố định là 32 ngày thì thời điểm rụng trứng cũng sẽ cố định tương ứng với chu kỳ 28 ngày. Có nghĩa là khi chu kỳ kinh kéo dài 1 ngày thì ngày dễ thụ thai cũng cộng thêm 1 ngày. Ngược lại nếu chu kỳ kinh ngắn hơn 28 ngày thì thời điểm dễ thụ thai lại trừ đi 1.

Ví dụ: chu kỳ kinh là 32 ngày thì thời điểm dễ thụ thai rơi vào ngày 15 (11+4) đến ngày 20 (16+4) và ngày rụng trứng có thể rơi vào ngày 18 (14+4) trong chu kỳ.

Với trường hợp chu kỳ kinh 26 – 30 ngày

Trường hợp này, chị em phụ nữ cần tính theo chu kỳ ngắn nhất và chu kỳ dài nhất rồi kết hợp lại với nhau.

Với chu kỳ 26 ngày, thời điểm dễ thụ thai rơi vào ngày 9-14. Chu kỳ 30 ngày thời điểm dễ thụ thai rơi vào ngày thứ 13-18. Kết hợp 2 chu kỳ, thời điểm thụ thai sẽ kéo dài trong khoảng ngày thứ 9 đến ngày thứ 18 và ngày rụng trứng rơi vào ngày thứ 12-16.

Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều rất khó để xác định chính xác chu kỳ kinh nguyệt. Trong trường hợp này, chị em cần đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt với các trường hợp dài ngắn khác nhau

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt với các trường hợp dài ngắn khác nhau

Cách tính ngày rụng trứng để mang thai

Một số cách tính ngày rụng trứng đơn giản, dễ thực hiện cho chị em có thể tham khảo, bao gồm:

Dựa vào chu kỳ kinh nguyệt

Thông thường, chị em phụ nữ thường tính ngày rụng trứng dựa vào chu kỳ kinh nguyệt. Với phương pháp này, chị em cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt liên tục trong ít nhất 8 tháng. 2 pha nang noãn và hoàng noãn được phân cắt bởi ngày rụng trứng. Trong đó pha hoàng thể thường cố định là 14 ngày, từ đó có thể dễ dàng ước tính được ngày rụng trứng bằng cách lấy số ngày chu kỳ kinh trừ đi 14.

Ví dụ: Nếu chu kỳ kinh nguyệt đều đặn 28 ngày thì ngày rụng trứng rơi vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ, chu kỳ 32 ngày thì ngày rụng trứng là ngày thứ 18.

Tuy nhiên, kết quả này chỉ đúng tương đối trong trường hợp kinh nguyệt lặp đi lặp lại đều đặn.

Kiểm tra nhiệt độ cơ thể

Khi hormone cơ thể thay đổi sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể thay đổi. Vì vậy, vào thời điểm rụng trứng , nhiệt độ của cơ thể sẽ tăng lên nhưng không đáng kể, dưới 1 độ C. Để đo nhiệt độ chính xác thì chị em cần sử dụng nhiệt kế kỹ thuật số và đo vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy.

Nếu nhiệt độ tăng từ 0,4-0,8 độ C thì có thể hiện tượng rụng trứng sẽ xảy ra trong vòng 12-14 giờ – đây là thời điểm thụ thai cao nhất. Tuy nhiên, chị em cũng cần loại trừ nguyên nhân gây tăng nhiệt độ khác như: ốm, ngủ kém, uống rượu bia,…

Dựa vào dịch nhầy cổ tử cung

Đây cũng là một cách tính ngày rụng trứng khá chính xác. Trong thời điểm rụng trứng dịch nhầy cổ tử cung tăng lên nhiều. Dịch nhầy ở giai đoạn này thường có màu trắng trong có chức năng loại bỏ tinh trùng yếu, kéo dài thời gian sống của tinh trùng. Lượng dịch nhầy sẽ giảm khi hết giai đoạn rụng trứng.

Dùng que thử rụng trứng

Dùng que thử rụng trứng cho hiệu quả chính xác hơn

Dùng que thử rụng trứng cho hiệu quả chính xác hơn

Phương pháp này rất hiệu quả kể cả với chị em phụ nữ có kinh nguyệt không đều. Que thử rụng trứng có tác dụng kiểm tra lượng hormone LH trong nước tiểu. Hormone này thường tăng từ 2-5 lần trước thời điểm rụng trứng 1-2 ngày. Đây là thời điểm vàng để thụ thai cho các cặp vợ chồng.

Xác định được cách tính chu kỳ kinh nguyệt đúng ngày giúp chị em phụ nữ chủ động có kế hoạch chăm sóc bản thân khoa học cũng như lường trước được những vấn đề có thể xảy ra trong những ngày “dâu rụng” hoặc lựa chọn thời điểm thụ thai phù hợp.

*Bài viết tham khảo, không thay thế kỹ thuật chẩn đoán y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám