Viêm phụ khoa sau khi sinh các mẹ cần lưu ý

Cập nhật 04/05/2023

810

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Phụ khoa

Viêm phụ khoa sau khi sinh là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau đẻ hoặc sau mổ lấy thai, xuất phát từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung) trong 6 tuần đầu sau sinh. Những trường hợp nhiễm trùng sau sinh mà đường vào của vi khuẩn không phải từ bộ phận sinh dục như sốt sau đẻ do bệnh cúm, lao phổi,.. thì không phải viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh.

Hiện nay, y học phát triển nên tỷ lệ sản phụ bị viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh đã giảm hẳn so với trước. Các thống kê về sức khỏe sinh sản gần đây cho thấy nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh:

  • 1-3% trong ca sinh thường qua đường âm đạo.
  • 5-15% trong các ca sinh mổ theo lịch trình được thực hiện trước khi bắt đầu chuyển dạ.
  • 15-20% trong các ca sinh mổ không theo lịch trình được thực hiện sau khi bắt đầu chuyển dạ.
Viêm âm đạo, viêm ngứa phụ khoa sau sinh thường gặp nhất hiện nay

Viêm âm đạo, viêm ngứa phụ khoa sau sinh thường gặp nhất hiện nay

Viêm nhiễm phụ khoa sau sinh thường do đâu?

Rất nhiều loại vi khuẩn gây ra viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh như tụ cầu, liên cầu, E.coli, các vi khuẩn kỵ khí như Clostridium, Bacteroides

Vi khuẩn có nguồn gốc từ cơ thể của sản phụ, những người xung quanh, từ dụng cụ đỡ đẻ, các sang chấn ở đường sinh dục,… có thể đi vào âm đạo qua cổ tử cung, vòi tử cung vào phúc mạc.

Nếu mổ lấy thai, vi khuẩn có thể đi từ môi trường xung quanh vào ổ bụng qua vết mổ. Một số trường hợp vi khuẩn có thể qua diện rau bám vào máu gây nhiễm khuẩn máu.

Yếu tố thuận lợi cho viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh bao gồm dinh dưỡng kém, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, ối vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài, bế sản dịch; các thủ thuật như bóc rau nhân tạo, kiểm soát tử cung…

Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm nhiễm phụ khoa sau sinh

Có nhiều hình thái của viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh, từ nhẹ đến nặng bao gồm nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn), tử cung, dây chằng rộng, viêm phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm khuẩn huyết. Một số trường hợp khác có thể bị một hoặc phối hợp hai, ba hình thái nhiễm khuẩn.

Mức độ viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh nặng hay nhẹ sẽ tùy theo độc tính của loại vi khuẩn, theo sức khỏe của sản phụ, thời điểm bệnh được phát hiện và điều trị sớm hay muộn. Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa sau sinh có thể bao gồm:

  • Sốt, ớn lạnh, da nhợt nhạt, tăng nhịp tim.
  • Đau bụng dưới hoặc vùng chậu.
  • Tử cung co hồi chậm.
  • Sản dịch có mùi hôi, ít hoặc bế sản dịch.
  • Vết khâu tầng sinh môn, vết mổ đẻ sưng, đỏ, chảy dịch hoặc chảy mủ.
  • Cảm giác khó chịu, đau đầu, ăn mất ngon…

Các triệu chứng có thể mất vài ngày để xuất hiện. Đôi khi các dấu hiệu nhiễm trùng có thể không được chú ý ngay cả khi bạn đã xuất viện.

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp sau khi sinh

Viêm âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn

Đây là hình thái nhẹ nhất của viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh. Nguyên nhân kể đến có thể do vết khâu tầng sinh môn không vô trùng, khâu phục hồi tầng sinh môn không đúng kỹ thuật hoặc rách tầng sinh môn, rách âm đạo không khâu, sót gạc trong âm đạo.

Triệu chứng viêm âm hộ, âm đạo: Toàn thân sốt, thường sốt không cao; Tại chỗ vết rách, khâu tầng sinh môn bị sưng, đỏ, đau, mưng mủ; Sản dịch không hôi..

Viêm niêm mạc tử cung

Viêm niêm mạc tử cung là hình thái nhẹ của nhiễm khuẩn tử cung, thường gặp trong thực tế. Nguyên nhân thường là do sót rau, sót màng, nhiễm khuẩn ối, thủ thuật kiểm soát tử cung, bóc rau nhân tạo không vô khuẩn.

Triệu chứng nhận biết: Sốt 38-38,5 độ C (sau đẻ vài ba ngày), mệt mỏi, khó chịu; Sản dịch ra nhiều, hôi, lẫn máu mủ… Cổ tử cung hé mở, tử cung co hồi chậm, ấn tử cung đau.

Bế sản dịch là hình thái trung bình của viêm niêm mạc tử cung. Triệu chứng bao gồm sau đẻ sản dịch ra ít hoặc không ra, đau vùng hạ vị, ấn vào tử cung bệnh nhân đau.

Hình thái nặng hơn của viêm niêm mạc tử cung là viêm tử cung toàn bộ. Quá trình viêm lan tới lớp cơ tử cung, tạo ra những ổ áp xe nhỏ. Các triệu chứng lâm sàng nặng nề hơn viêm niêm mạc tử cung, dễ gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm khuẩn máu.

Viêm phần phụ

Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn tại tử cung có thể lan sang dây chằng rộng, vòi trứng, buồng trứng, gọi là viêm phần phụ.

Triệu chứng và các biểu hiện cụ thể: Sốt sau khi sinh 8-10 ngày; Sản dịch (khí hư) ra nhiều, có mùi hôi, cổ tử cung hé mở, tử cung co hồi chậm.

Tiến triển của viêm phần phụ có thể khỏi nếu điều trị tích cực hoặc trở thành viêm phúc mạc tiểu khung, một dạng biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Viêm phúc mạc tiểu khung

Nguyên nhân: Quá trình viêm không khu trú ở niêm mạc tử cung mà phát triển vào tiểu khung và hình thành các giả mạc ở các tạng trong tiểu khung và gây dính với nhau. Phản ứng của phúc mạc sẽ sinh ra các túi dịch lẫn máu và mủ.

Triệu chứng thường thấy: Xuất hiện rầm rộ hơn viêm niêm mạc tử cung. Trung bình từ 7-15 ngày sau sinh; Nhiệt độ tăng dần 39-40 độ C, rét run, mạch nhanh. Toàn thân mệt mỏi, lưỡi bẩn; Bệnh nhân có thể thấy đau vùng hạ vị dữ dội, đái rắt, táo bón,..

Tiến triển của viêm phúc mạc tiểu khung: có thể khỏi nếu điều trị tích cực nhưng cũng có thể phát triển thành viêm phúc mạc toàn bộ gây nguy hiểm cho người bệnh.

Viêm phúc mạc toàn bộ

Nguyên nhân bệnh lý là do sau mổ lấy thai không vô khuẩn; các thủ thuật bóc rau, kiểm soát tử cung; Sau viêm niêm mạc tử cung, viêm tử phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung không được điều trị tốt.

Triệu chứng nhận biết: Thường xuất hiện sau sinh đẻ 7-10 ngày, hoặc sau mổ đẻ 3-4 ngày; Triệu chứng toàn thân: Môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng, dấu hiệu nhiễm độc, nhiễm trùng; ngoài ra hay nôn, đau khắp vùng bụng, có hội chứng tắc ruột, có khi đại tiện phân lỏng, khắm.

Tiên lượng của viêm phúc mạc toàn bộ rất xấu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, rất nguy hiểm nên chị em cần đặc biệt lưu ý.

Nhiễm khuẩn huyết

Là hình thái nặng nhất của viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh. Nguyên nhân do quá trình thăm khám và thủ thuật không vô khuẩn. Thường gặp trong trường hợp phá thai to và đẻ thường.

Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết:

  • Toàn thân: Sốt cao liên tục, nhiệt độ dao động, kèm theo sốt cao có rét run, toàn thân mệt mỏi, dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc: môi khô, lưỡi bẩn, khó thở, da vàng, nước tiểu sẫm màu.
  • Sản khoa: Cổ tử cung hé mở, tử cung to, co hồi chậm; ấn tử cung đau; sản dịch rất hôi, bẩn lẫn máu mủ.

Tiên lượng tùy thuộc vào ổ nhiễm khuẩn thứ phát và việc điều trị có đúng và kịp thời hay không. Nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra nhiều biến chứng như suy thận nặng, viêm màng tim, viêm màng não mủ,.. thậm chí là tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch sau sinh ít gặp ở nước ta, hay gặp ở các nước Âu, Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu hay gặp ở thai phụ chuyển dạ kéo dài, lưu thông mạch máu (hệ tĩnh mạch) bị cản trở, tăng sinh sợi huyết.

Triệu chứng viêm tắc tĩnh mạch: Xuất hiện muộn sau sinh từ 12-15 ngày, cảm giác sốt nhẹ, rét run, mạch nhanh; Nếu viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thì chân phù, màu trắng, ấn đau, gót chân không nhấc được khỏi giường.

Viêm tắc tĩnh mạch nếu điều trị không kịp thời, có thể gây viêm tắc động mạch phổi, thận và có thể tử vong.

>>> Bài viết liên quan:

Cách phòng tránh các bệnh viêm nhiễm phụ khoa sau sinh

Các biện pháp phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa sau sinh phải được thực hiện từ lúc có thai đến sau khi sinh, từ cả sản phụ và nhân viên y tế, bao gồm:

  • Trong khi có thai: cần phát hiện và điều trị các ổ viêm nhiễm của sản phụ ở da, họng, viêm đường tiết niệu, sinh dục…
  • Trong chuyển dạ: hạn chế thăm âm đạo, đề phòng nhiễm khuẩn ối và chuyển dạ kéo dài.
  • Trong cuộc đẻ: không để sót nhau thai, tuân thủ đúng các chỉ định kiểm soát tử cung, bóc rau nhân tạo; tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, khử khuẩn tốt các dụng cụ.
  • Sau đẻ: tránh bế sản dịch, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc tầng sinh môn, vết mổ đúng quy trình.

Viêm nhiễm phụ khoa sau khi sinh có thể chưa biểu hiện rõ ràng nên không được phát hiện khi sản phụ còn nằm trong bệnh viện. Vì vậy, việc sản phụ tự theo dõi các triệu chứng bất thường sau khi sinh có thể giúp phát hiện và điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng gây ra những biến chứng và kéo dài thời gian điều trị.

Nếu sản phụ có biểu hiện sốt cao, vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ đẻ sưng nề, chảy dịch chảy mủ, hoặc thấy sản dịch ra ít, có mùi hôi, tử cung co hồi chậm và khi ấn vào tử cung thấy đau thì hãy nghĩ tới trường hợp bị nhiễm khuẩn sau sinh. Sản phụ không nên chủ quan, tự điều trị mà cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế cho phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    U vú lành tính có biến chứng ung thư và có nguy hiểm không?

    U vú lành tính là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ. Việc nhận biết…

    07 Th8, 2023
    541

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Chu Việt Anh

    Chuyên mục: Phụ khoa

    Nữ xuất tinh có bình thường không? Cơ chế xuất tinh ở phụ nữ

    Nữ xuất tinh luôn là một chủ đề gây tò mò và tranh cãi trong lĩnh vực tình dục và sức khỏe. Mọi người thường cho…

    11 Th8, 2023
    5.8K

    Chuyên mục: Phụ khoa

    Cách đặt viên phụ khoa tại nhà đúng cách an toàn hiệu quả

    Cách đặt viên phụ khoa như thế nào mới đúng là thắc mắc chung của nhiều chị em phụ nữ. Hiện nay nhiều phụ nữ…

    18 Th8, 2023
    1.9K

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Chu Việt Anh

    Chuyên mục: Phụ khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám