Bệnh gout (gút) là gì? Các triệu chứng biểu hiện bị gút

Cập nhật 10/05/2023

1.6K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Bệnh gout (hay còn gọi là bệnh gút hoặc thống phong) là một dạng viêm khớp mạn tính phố biến. Nhận biết dấu hiệu và điều trị sớm, kiểm soát tốt các đợt cấp sẽ giúp người bệnh hạn chế gặp phải những biến chứng xương khớp ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy có thể nhận biết sớm bệnh Gout qua những triệu chứng nào? Theo dõi ngay chia sẻ của chuyên gia MEDIPLUS qua bài viết dưới đây!

Tổng quan bệnh Gout (gút)

Bệnh Gout trước đây được coi là “bệnh nhà giàu”, tuy nhiên thời đại ngày nay đã xóa tan quan niệm này, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ người nào. Tỷ lệ mắc bệnh Gout hiện nay là từ 1-4% và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên và phụ nữ sau mãn kinh.

Cơ chế hình thành Gout

Bệnh Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa các nhân purin với đặc điểm chính là tăng acid uric trong máu. Purin là chất tự nhiên tồn tại trong nhiều loại thực phẩm và đặc biệt là thịt đỏ, nội tạng động vật hoặc một số loại hải sản như cá cơm, cá hồi, cá ngừ, trai,… có chứa hàm lượng purin cao. Sau khi vào cơ thể, purin trải qua quá trình chuyển hóa và tạo thành acid uric.

Bình thường, acid uric hòa tan trong máu và được đào thải ra nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric hoặc giảm thải trừ do thận bị rối loạn chức năng sẽ khiến nồng độ acid uric trong máu cao vượt quá mức bình thường ( ở nam >7mg/dl, nữ >6mg/dl). Điều này gây tích tụ acid uric và hình thành các tinh thể urat lắng đọng ở các mô như khớp, da, thận,… gây ra phản ứng viêm tại các tổ chức.

Bệnh Gout do lắng đọng tinh thể urat ở các mô

Bệnh Gout do lắng đọng tinh thể urat ở các mô

Các đối tượng dễ mắc bệnh Gout

Bệnh Gout là hậu quả của tình trạng tăng acid uric, do đó các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout bao gồm:

  • Tuổi và giới tính: Bệnh xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới, do phụ nữ có xu hướng nồng độ acid uric thấp hơn. Tuy nhiên sau khi mãn kinh, nồng độ acid uric của phụ nữ gần bằng với đàn ông trưởng thành. Do đó, đàn ông thường tiến triển bệnh Gout sớm hơn từ 30-50 tuổi, trong khi đó ở phụ nữ là sau mãn kinh 60-70 tuổi.
  • Sủ dụng rượu bia: Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng rượu có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Gout cao gấp 3 lần ở phụ nữ và cao gấp 2 lần ở nam giới so với những người không uống rượu.
  • Tình trạng béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn so với người có cân nặng bình thường vì cơ thể sản xuất nhiều acid uric hơn và giảm thải trừ acid uric qua thận.
  • Đang sử dụng thuốc: Dùng kéo dài một số thuốc như Thiazid, Furosemid, Aspirin,… ảnh hưởng đến tăng tổng hợp hoặc giảm thải trừ acid uric dẫn đến tình trạng tăng acid uric máu.
  • Có các bệnh lý đi kèm: Một số bệnh mạn tính có liên quan đến bệnh Gout và tăng acid uric máu, trong đó hay gặp là bệnh thận, u lympho.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh Gout thì nguy cơ mắc bệnh Gout tăng lên.
Nhiều nghiên cứ cho thấy béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout

Nhiều nghiên cứ cho thấy béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout

Phân loại bệnh Gout các dạng

Tăng acid uric máu là một bất thường sinh hóa phổ biến do sản xuất quá nhiều hoặc giảm khả năng bài tiết qua thận. Acid uric tăng kéo dài sẽ gây tích lũy tại các mô dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh Gout được phân loại theo các giai đoạn diễn biến tự nhiên của bệnh như sau:

Tăng acid uric máu không triệu chứng (Asymptomatic Hyperuricemia)

Theo nhiều nghiên cứu, có đến 70% trường hợp tăng acid uric máu nhưng không có biểu hiện bệnh và không cần điều trị. Giai đoạn này kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, diễn biến thầm lặng và không có triệu chứng. Thường chỉ được phát hiện qua sàng lọc ở nhóm người bệnh có nguy cơ như yếu tố gia đình, chế độ ăn giàu protein, thức ăn giàu purin.

Gout cấp tính

Cơn gout cấp điển hình thường xuất hiện tự phát hoặc sau một bữa ăn nhiều chất đạm hoặc uống rượu quá mức, một chấn thương hoặc một can thiệp phẫu thuật. Đặc trưng với tình trạng viêm khớp đột ngột, dữ dội, thường gặp ở chi dưới và có thể tự khỏi không điều trị sau 3-10 ngày.

Gút mạn tính giai đoạn tạm ổn định giữa các đợt cấp

Trong giai đoạn này, mặc dù người bệnh không có biểu hiện triệu chứng nhưng quá trình lắng đọng tinh thể urat và tổn thương vẫn diễn ra. Nếu không được điều trị, các cơn Gout cấp có thể lại xuất hiện và khoảng cách giữa các cơn có xu hướng ngắn dần.

Gút mãn tính có biến chứng

Bệnh Gout tiến triển thành mạn tính thường sau vài năm đến vài chục năm. Các tổn thương và biến chứng do sự tích lũy urat ở mô như hạt tophi, bệnh khớp mạn tính do muối urat, bệnh thận do gout.

Bệnh gout mạn tính có biến chứng

Bệnh gout mạn tính có biến chứng

Giả gout

Một bệnh lý viêm khớp cũng có cơ chế lắng đọng vi tinh thể có thể bị nhầm lẫn với bệnh Gout đó là bệnh lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate. Để phân biệt hai bệnh lý này cần phải làm xét nghiệm dịch khớp để tìm các tinh thể và xác định chính xác tinh thể canxi hay urat.

Nguyên nhân bệnh Gout (gút)

Tăng acid uric máu là yếu tố quan trọng trong tiến triển của bệnh Gout vì nó thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của tinh thể urat. Nguyên nhân tăng acid uric máu có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Cụ thể:

Nguyên nhân nguyên phát (vô căn): Người bị bệnh Gout nguyên phát thường có tính chất gia đình, khởi phát do ăn thức ăn có chứa nhiều purin và uống quá nhiều rượu làm tăng nồng độ acid uric.

Nguyên nhân thứ phát: Nguyên nhân thứ phát chiếm 10% các trường hợp. Người bệnh bị suy thận mạn làm giảm bài tiết acid uric hoặc các trường hợp do tiêu tế bào quá mức gây tăng acid uric trong bệnh thiếu máu tan huyết, Leucemie, u lympho, bệnh vẩy nến,… Bên cạnh đó, một số thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư cũng có thể gây tăng acid uric máu.

Các triệu chứng của bệnh Gout biểu hiện

Bệnh Gout là bệnh lý viêm khớp do vi tinh thể urat lắng đọng, đặc trưng bởi những đợt cấp viêm khớp tái phát nhiều lần. Các đợt cấp thường khởi phát đột ngột vào ban đêm kèm các triệu chứng:

  • Đau khớp dữ dội: Cảm giác bỏng rát, đau đến cực độ, khiến người bệnh mất ngủ. Đau chủ yếu về đêm, ban ngày có giảm đau. Thường gặp ở các khớp chi dưới: ngón chân cái, mắt cá chân, gối, bàn ngón chân.
  • Đau âm ỉ kéo dài: Sau cơn đau dữ dội, người bệnh thường đau âm ỉ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
  • Viêm và tấy đỏ: Khớp bị tổn thương sưng, da nóng đỏ. Khớp lớn có thể có tràn dịch trong khớp, khớp nhỏ thường phù nề.
  • Hạn chế vận động: Các khớp sưng đau khiến người bệnh khó khăn trong cử động các khớp.
  • Ngoài biểu hiện tại khớp, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-38,5oC, có thể kèm rét run.
Bệnh gút khiến các khớp sưng, đau dữ dội, đột ngột trong các đợt cấp

Bệnh gút khiến các khớp sưng, đau dữ dội, đột ngột trong các đợt cấp

Biến chứng của bệnh gout gây ra

Khi bệnh Gout không được điều trị và kiểm soát nồng độ acid uric tốt, bệnh tiến triển mạn tính với nhiều đợt cấp hơn và gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:

Hạt tophi

Hình ảnh điển hình là những hạt dưới da, hình dạng gồ ghề, rắn chắc, không di động, da phủ trên hạt mỏng, qua lớp da có thể thấy màu trắng nhạt của các tinh thể urat trong hạt tophi. Vị trí hay gặp là ở vành tai, khuỷu tay, cạnh các khớp tổn thương. Hạt tophi thường là nguyên nhân gây biến dạng, vô cảm và hạn chế vận động chức năng của bàn tay và bàn chân trong trường hợp tiến triển triển lâu năm và bệnh nặng.

Hạt tophi dưới da gồ ghề và rắn chắc với màu trắng do tinh thể urat

Hạt tophi dưới da gồ ghề và rắn chắc với màu trắng do tinh thể urat

Tổn thương khớp

Tổn thương khớp xuất hiện do tích lũy muối urat trong mô cạnh khớp, trong sụn và trong xương. Vị trí chủ yếu ở các khớp đã bị tổn thương trong cơn gout cấp, gây đau, cứng khớp khi vận động, khớp sưng kèm biến dạng do hủy hoại khớp và do các hạt tophi. Khi các tổn thương này đã hình thành thì không thể hồi phục, do đó gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, lao động của người bệnh.

Sỏi thận

Các tinh thể urat lắng đọng và hình thành sỏi urat trong thận. Khi sỏi đi xuống đường tiết niệu gây tắc nghẽn, biểu hiện bằng các cơn đau quặn vùng hố thắt lưng, đái máu hoặc hiếm gặp hơn là những đợt nhiễm trùng tiết niệu.

Tổn thương thận kẽ

Bệnh khá ít gặp, có thể độc lập, không kết hợp với sỏi thận. Người bệnh có biểu hiện đái máu, xét nghiệm thấy protein trong nước tiểu và thường kết hợp tăng huyết áp.

Suy thận

Bệnh lý thận mạn tính gây ra bởi sự lắng đọng các vi tinh thể urat trong nhu mô thận. Những người có các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm độc chì và xơ vữa động mạch đi kèm sẽ có nguy cơ mắc biến chứng này cao.

Cách chẩn đoán Gout từ sớm

Bệnh Gout thường khá dễ dàng nhận ra và chẩn đoán thông qua những triệu chứng điển hình của bệnh như sưng đau khớp, đặc biệt là ngón chân cái với tính chất khởi phát đột ngột, dữ dội, khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần, có hạt tophi. Tuy nhiên, với những trường hợp không điển hình, bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.

  • Xét nghiệm máu: Định lượng nồng độ acid uric máu là phương pháp hữu ích để hỗ trợ chẩn đoán bệnh Gout. Tuy nhiên, không thể loại trừ bệnh khi có acid uric máu bình thường vì nhiều người bị bệnh Gout mà acid uric máu không cao.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Trong các trường hợp viêm các khớp lớn có tràn dịch thường dễ dàng lấy được dịch khớp làm xét nghiệm. Nếu phát hiện có tinh thể urat thì cho phép chẩn đoán xác định bệnh.
  • Chụp Xquang, siêu âm khớp: Đánh giá mức độ tổn thương khớp và loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm khớp
  • Chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép (DECT): Giúp phát hiện sớm sự lắng đọng tinh thể urat tại khớp, phần mềm cạnh khớp và phát hiện các tổn thương xương khớp khác trong bệnh Gout.
Xét nghiệm nồng độ acid uric máu thường được chỉ định cho người bệnh Gout

Xét nghiệm nồng độ acid uric máu thường được chỉ định cho người bệnh Gout

Phương pháp điều trị bệnh gút hiệu quả

Nguyên tắc điều trị bệnh Gout là ngăn ngừa các triệu chứng viêm trong các đợt cấp, kiểm soát nồng độ acid uric máu, điều trị các biến chứng và dự phòng tái phát cơn gout cấp. Điều trị cụ thể bao gồm:

Điều trị nội khoa bằng thuốc theo đơn

Thuốc điều trị trong cơn gout cấp

  • Colchicin: Là loại thuốc chống viêm giúp giảm đau rất nhanh trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, thuốc thường có tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Thuốc chống viêm không steroid: ibuprofen, diclofenac, meloxicam,… Hiệu quả chống viêm tốt song do tác dụng phụ nhiều nên hạn chế dùng, thường chỉ dùng 5-8 ngày sau đó giảm liều.
  • Corticoid: Tác dụng kiểm soát tình trạng viêm và đau do Gout, có thể dùng ở dạng viên hoặc tiêm vào khớp. Tuy nhiên, corticoid có thể có tác dụng phụ như thay đổi tâm trạng, tăng đường máu, tăng huyết áp.

Thuốc giảm acid uric máu

  • Thuốc ức chế tổng hợp acid uric: Allopurinol, Febuxostat, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ lựa chọn chỉ định thuốc khác nhau.
  • Thuốc tăng thải acid uric: Probenecid thường được chỉ định các trường hợp không dung nạp với các thuốc ức chế tổng hợp acid uric.

*Lưu ý: Các thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn lên gan và thận nếu không sử dụng đúng cách. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ đúng quy định.

Lưu ý trong chế độ ăn uống sinh hoạt

Để phòng ngừa cơn gout tái phát, cũng như giảm tình trạng sưng đau và tiến triển nặng hơn, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý:

  • Tránh thức ăn giàu purin (phủ tạng động vật, tôm cua, cá, thịt bê, đậu hạt các loại,…) ăn chế độ giảm đạm (thịt ăn không quá 150g/ngày), có thể ăn trứng, sữa, hoa quả, …
  • Hạn chế đồ uống có cồn (bia, rượu), trà, cà phê.
  • Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức sinh lý bình thường.
  • Tránh sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng acid uric máu như thuốc lợi tiểu, aspirin,…
  • Tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn gout như lao động quá mức, chấn thương,…
  • Khi cần phải phẫu thuật hoặc mắc một bệnh lý toàn thân khác, cần chú ý theo dõi acid uric máu để điều chỉnh kịp thời.
Người bệnh Gout nên có chế độ ăn giảm đạm

Người bệnh Gout nên có chế độ ăn giảm đạm

Gout là bệnh lý phổ biến nhưng nếu không được điều trị sớm cũng sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Thăm khám với chuyên gia cơ xương khớp từ sớm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng và chi phí điều trị.

>>> Xem thêm bài viết: Người bị bệnh gout nên ăn gì kiêng ăn gì?

Khám và điều trị Gout tại MEDIPLUS

Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – một địa chỉ khám cơ xương khớp uy tín, tin cậy hàng đầu tại Hà Nội. Với ưu thế hội tụ các chuyên gia cơ xương khớp có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, công tác tại các bệnh viện top đầu như BV Bạch Mai, BV E, BV Xanh – pôn và trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại, MEDIPLUS cam kết mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho mỗi khách hàng

  • Nắm bắt nhanh, tiêu diệt gọn các yếu tố nguy cơ gây bệnh gout, ngăn ngừa những đợt cấp tái phát cũng như các biến chứng có thể xảy ra.
  • Chấm dứt các cơn đau dai dẳng đến mất ăn mất ngủ.
  • Phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả, bảo tồn chức năng vận động.
  • Trị bệnh dứt điểm chỉ sau 1 liệu trình.

Đội ngũ Tiến sĩ, bác sĩ chuyên gia đầu ngành:

  • TS. BSCKII Lê Quốc Việt – Nguyên phó giám đốc đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp Bệnh viện E; Giám đốc chuyên môn Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – hơn 30 năm kinh nghiệm.
  • TS. BS Lê Thị Liễu – Phó giám đốc trung tâm Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai; Cố vấn chuyên môn Cơ xương khớp tại Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – hơn 20 năm kinh nghiệm.
  • ThS. BS Nguyễn Anh Dũng – Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bạch Mai – Cố vấn chuyên môn Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – hơn 10 năm kinh nghiệm.

Là một Tổ hợp y tế tiên phong công nghệ trong khám chữa bệnh, MEDIPLUS đảm bảo mang đến cho khách hàng những trải nghiệm khám bệnh đạt chuẩn “Singapore” trong từng dịch vụ.

Thông tin đặt lịch khám và điều trị, quý khách có thể thực hiện qua các cách sau:

Bệnh Gout là bệnh lý viêm khớp dễ nhận biết và chẩn đoán, tuy nhiên có thể gây ra những tổn thương khớp không hồi phục nếu không được điều trị sớm và dự phòng đúng. Do đó, khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh Gout, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao, cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm hiệu quả.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Đo loãng xương bao nhiêu tiền? Cập nhật chi phí mới nhất 2024

    Đo loãng xương bao nhiêu tiền là vấn đề được nhiều bệnh nhân mắc loãng xương quan tâm. Đo loãng xương là một xét nghiệm…

    19 Th2, 2024
    1.5K

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Hiểu rõ về loãng xương ở trẻ em và cách phòng ngừa

    Loãng xương ở trẻ em là một tình trạng xương yếu, dễ gãy, ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển của bé. Bài viết…

    01 Th2, 2024
    334

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đau khớp cổ tay là triệu chứng của bệnh gì?

    Đau khớp cổ tay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như quá tải, chấn thương, viêm khớp và các bệnh lý khác. Bài…

    03 Th1, 2024
    390

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Bị đau cánh tay trái, cảnh báo bệnh gì? Mách bạn cách điều trị hiệu quả

    Đau cánh tay trái có thể nguy hiểm nếu là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng và đi kèm một số triệu chứng…

    22 Th1, 2024
    669

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám