Thoái hóa cột sống thắt lưng nguy hiểm thế nào, cách điều trị ra sao?

Cập nhật 24/05/2023

1.2K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Thoái hóa cột sống thắt lưng (Spondylosis hoặc Oteoarthritis of lumbar spine) là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống (L1 đến L5) phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch gây đau nhức vùng thắt lưng – hông, hạn chế vận động.

Trước đây, bệnh lý này thường gặp ở đối tượng trung niên và người cao tuổi nhưng gần đây tỷ lệ bệnh ở người trẻ cũng đang tăng “vọt”. Vậy nguyên nhân do đâu? Phòng bệnh như thế nào? Tham khảo bài viết của chuyên gia cơ xương khớp MEDIPLUS dưới đây!

Tổng quan bệnh thoái hóa đốt sống lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Thống kê cho thấy, có đến 85,5% trường hợp ở độ tuổi 45-64 biểu hiện gai xương ở cột sống thắt lưng. Những đặc điểm thoái hóa có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi không có tiền sử chấn thương.

Ở Hoa Kỳ, có 3% người trong độ tuổi 20-29 và 80% người trên 40 tuổi bị thoái hóa đốt sống thắt lưng. Chính vì thế, thoái hóa cột sống thắt lưng là một vấn đề y tế công cộng, xã hội, kinh tế quan trọng ảnh hưởng đến dân số toàn cầu.

Thoái hóa cột sống thắt lưng đang càng trở nên phổ biến ngay cả ở người trẻ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng đang càng trở nên phổ biến ngay cả ở người trẻ.

Nguyên nhân bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Việt – Giám đốc chuyên môn MEDIPLUS cho biết, xương cột sống bị thoái hóa chủ yếu là do quá trình lão hóa và tình trạng tổn thương lặp lại tại chỗ. Do đó những đối tượng sau thường có khả năng mắc cao hơn:

  • Người bị thừa cân, béo phì, do trọng lượng cơ thể lớn có thể khiến sụn khớp, đĩa đệm, xương dưới sụn bị tổn thương.
  • Có lối sống tĩnh tại, ít tập thể dục.
  • Tiền sử gãy đốt sống hoặc phẫu thuật tại cột sống.
  • Các công việc đòi hỏi chuyển động lặp đi lặp lại hoặc chịu trọng lượng lên cột sống ví dụ như nhân viên văn phòng, công nhân bốc vác, tài xế lái xe ô tô…
  • Trung niên và lớn tuổi.
  • Hút thuốc lá.

Quá trình lão hóa tự nhiên

Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể là nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa cột sống thắt lưng. Tuổi càng cao, chức năng và cấu trúc hệ xương khớp ngày càng giảm, nguy cơ thoái hóa ngày càng cao.

Vận động sai tư thế

Đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế hoặc tính chất công việc phải thường xuyên mang vác nặng cũng gây áp lực lớn lên phần cột sống thắt lưng. Lâu dần phần sụn và xương dưới sụn bị tổn thương, đĩa đệm giảm tính đàn hồi và dây chằng quanh khớp bị xơ cứng.

Thừa cân, béo phì

Béo phì có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi sinh học làm tăng nguy cơ tổn thương cột sống, gây các bệnh lý thoái hóa đĩa đệm, hẹp ống sống, giảm chiều cao đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, phì đại đĩa đệm…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng cao hơn đáng kể ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân khi BMI dao động từ 23-24,9 và béo phì là >=25kg/m2 (đối với người châu Á).

Giới tính

Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng khác nhau ở nam và nữ. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ chỉ ra rằng bệnh lý này phổ biến hơn ở nữ giới. Phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng càng cao, nguyên nhân có thể là do sự vôi hóa và thay đổi hormon sinh dục.

Ngoài ra, chấn thương, dị tật bẩm sinh hoặc di truyền cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây thoái hóa cột sống.

Triệu chứng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Bác sĩ Việt cho biết thêm, hầu hết bệnh nhân đều trải qua các cơn đau nhức mạn tính trong một khoảng thời gian dài, dù có những lúc không biểu hiện triệu chứng nào. Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

  • Cứng khớp, hạn chế vận động: Cột sống cứng và kém linh hoạt, đặc biệt là sau thời gian dài không hoạt động hoặc nghỉ ngơi, ví dụ như mới thức dậy vào buổi sáng. Đặc biệt, người bệnh gặp khó khăn khi vặn mình hoặc cúi người.
  • Tê bì chân tay: Tê bì chân tay thường xuất hiện vào lúc giữa đêm hoặc sáng sớm sau một thời gian dài người bệnh không vận động hoặc thời tiết thay đổi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp nặng có thể gặp hiện tượng yếu cơ và teo chi dưới.
  • Đau nhức vùng lưng dưới, mông, sau đùi. Đau có xu hướng tăng khi bệnh nhân vận động, khi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ thuyên giảm. Trường hợp thoái hóa dẫn đến thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép dây thần kinh tọa, cơn đau sẽ lan từ mông xuống tận bắp chân và bàn chân.
  • Biến dạng cột sống có thể xảy ra như hiện tượng gù, còng lưng.

Thoái hóa đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Bệnh thoái hóa cột sống tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nếu như không được phát hiện, điều trị và kiểm soát kịp thời, chặt chẽ. Một số biến chứng phổ biến như:

Gai cột sống

Trong quá trình thoái hóa, sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn, cơ thể sẽ tự sửa chữa bằng cách lắng đọng và tích tụ canxi dần ở các khớp, hình thành nên các gai xương. Gai cột sống sẽ làm cho cột sống bị biến dạng, vận động khớp khó khăn, gây ra tổn thương mô mềm và dây thần kinh lân cận.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra qua một điểm yếu ở vỏ ngoài, do đó có thể chèn ép vào các rễ thần kinh và tủy sống. Khi đó bệnh nhân sẽ xuất hiện đau cột sống thắt lưng và đau thần kinh tọa ở một hoặc cả hai bên. Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.

Hình ảnh đĩa đệm thoát vị chèn ép dây thần kinh gây đau nhức.

Hình ảnh đĩa đệm thoát vị chèn ép dây thần kinh gây đau nhức.

Chèn ép rễ thần kinh

Một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là đĩa đệm thoát vị hoặc gai xương chèn ép vào rễ thần kinh, dẫn đến tê bì hoặc đau nhức lưng và chi dưới, gây liệt dây thần kinh tọa, hội chứng đuôi ngựa, nặng hơn có thể liệt vĩnh viễn, hậu quả là tàn phế.

Một số biến chứng khác

Một số biến chứng nghiêm trọng khác người bệnh có thể gặp như: vẹo cột sống ảnh hưởng đến tư thế dáng đi hay suy nhược mãn tính do hạn chế các hoạt động hàng ngày dẫn đến lo âu, mất ngủ…

Bệnh thoái hóa cột sống có di truyền không?

Có một số ý kiến cho rằng, bệnh thoái hóa cột sống có tính chất di truyền. Nếu trong gia đình có người bị thoái hóa cột sống, thì khả năng mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp mắc bệnh này mà không có yếu tố nguy cơ gia đình nào. Sự hiện diện của một số gen có thể liên quan đến con đường gây viêm và đẩy nhanh hơn sự tiến triển của thoái hóa cột sống hoặc làm tăng nguy cơ phá vỡ lớp sụn khớp cột sống ở người trẻ tuổi.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Khi một người than phiền về vấn đề tại cột sống và liên quan, bác sĩ sẽ đánh giá, chẩn đoán bệnh nhân dựa trên lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp. Các bước có thể được thực hiện như sau:

Kiểm tra sức khỏe tổng quát

Đầu tiên, Bác sĩ sẽ khai thác đầy đủ thông tin từ bệnh nhân về: cường độ, thời gian, vị trí… của triệu chứng, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng ra sao, đã can thiệp gì trước đây và tiền sử gia đình đã có ai mắc bệnh chưa… Sau đó, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng cụ thể:

  • Kiểm tra toàn bộ cột sống từ trên xuống để đánh giá sự biến dạng như vẹo cột sống, gù,..
  • Kiểm tra khu trú đoạn cột sống thắt lưng: mô mềm và các cơ xung quanh, điểm đau tại chỗ, tại vùng tổn thương.
  • Khám biên độ vận động của khớp cột sống.
  • Làm các nghiệm pháp khám thần kinh: Dấu hiệu lục khục khớp gối, nghiệm pháp Lasegue, dấu hiệu schober…
Nghiệm pháp Lasegue khám lân sàng hội chứng thắt lưng

Nghiệm pháp Lasegue khám lân sàng hội chứng thắt lưng

Chẩn đoán hình ảnh phát hiện sớm thoái hóa cột sống

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống bằng cách chỉ định thêm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp Xquang cột sống thẳng, nghiêng: Xuất hiện hình ảnh hẹp khe đĩa đệm, mâm đĩa đệm nhẵn, gai xương thân đốt sống, hẹp lỗ liên hợp đốt sống.
  • Chụp cộng hưởng từ: Giúp xác định chính xác tổn thương tại đĩa đệm và dây thần kinh bị chèn ép. Thường chỉ định khi nghi ngờ người bệnh có thoát vị đĩa đệm kèm theo.
  • Xét nghiệm máu, đo tốc độ máu lắng: Xác định tình trạng viêm nhiễm tại khớp, phân biệt đau do thoái hóa cột sống với các bệnh lý xương khớp khác.
Chụp x quang chẩn đoán các vấn đề cột sống thắt lưng một cách chính xác hơn.

Chụp x quang chẩn đoán các vấn đề cột sống thắt lưng một cách chính xác hơn.

Xét nghiệm chuyên sâu

Một số xét nghiệm chuyên sâu hơn có thể được chỉ định tùy thuộc vào nhận định lâm sàng của bác sĩ với tình trạng bệnh nhân như xét nghiệm điện cơ để đánh giá dẫn truyền thần kinh, hay xét nghiệm máu hoặc chọc dịch tủy sống để loại trừ một số vấn đề như lao cột sống, nhiễm trùng, bệnh lý cơ…

Các biện pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Mục tiêu điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng là giảm đau nhức và cải thiện chức năng vận động của người bệnh. Do đó, để đạt hiệu quả điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng tốt nhất, việc phối hợp nhiều biện pháp là rất cần thiết.

Điều trị không xâm lấn

Các phương pháp điều trị nội khoa thường được chỉ định trong điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng bao gồm:

Sử dụng thuốc theo chỉ định

Biện pháp điều trị bằng thuốc nhằm kiểm soát cơn đau, sưng phù nề do thoái hóa gây ra, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Một số thuốc thường được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol): Có tác dụng giảm đau nhẹ, thường được chỉ định trong những trường hợp thoái hóa giai đoạn đầu, thuốc ít tác dụng phụ, không có tác dụng giảm viêm.
  • Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): Giúp làm giảm các cơn đau nhẹ và vừa do thoái hóa đốt sống lưng, có tác dụng kháng viêm.
  • Thuốc giảm đau opioid: Chỉ được chỉ định cho bệnh nhân đau lưng cấp tính dữ dội, không đáp ứng với các thuốc giảm đau khác vì nhóm này có tính gây nghiện và nhiều tác dụng không mong muốn.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ dạng kem, gel, miếng dán hoặc xịt có tác dụng giảm đau nhanh nhưng không kéo dài.
  • Thuốc giãn cơ giúp giảm tình trạng co cứng cơ, tăng khả năng vận động khớp.
  • Piascledine 300mg: 1 viên/ngày.
  • Glucosamine sulfate và chondroitin sulphat, uống trước ăn 15 phút, dùng kéo dài trong nhiều năm.
  • Thuốc ức chế IL1: diacerhein 50mg (viên 50mg) 1-2 viên /ngày, dùng kéo dài trong nhiều năm.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison acetat, hoặc methyl prednisolon acetate trong trường hợp đau thần kinh tọa, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu.

*Lưu ý: Người bệnh cần sử dụng thuốc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ tránh các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tập các bài vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là liệu pháp cần thiết trong quá trình điều trị thoái hóa cột sống. Các bài tập tăng cơ lực quanh khớp, bài tập kéo giãn cột sống… nên được thực hiện thường xuyên đều đặn để đem lại hiệu quả nhanh chóng, cải thiện chức năng cột sống, chậm quá trình thoái hóa. Một số bài tập vật lý trị liệu người bệnh có thể tham khảo bao gồm:

  • Bài tập kéo giãn cơ lưng: Nằm ngửa trên mặt sàn, một chân duỗi thẳng, phần gót hướng xuống sàn. Co gối chân còn lại, đồng thời dùng tay kéo sát gối về phía ngực, hít thở sâu. Sau đó duỗi thẳng chân về tư thế ban đầu và thở ra nhẹ nhàng.
  • Bài tập nâng đầu gối ngang ngực: Nằm ngửa trên sàn, co đầu gối lại, 2 bàn chân song song với mặt sàn, lưng áp sát sàn và kéo cả 2 đầu gối lên ngang ngực, giữ trong 5 giây. Lặp đi lặp lại tư thế này 10 lần để đạt hiệu quả cao.
  • Bài tập di động cột sống: Nằm trên sàn, 2 tay đan sau gáy, lưng ấn sát xuống mặt sàn và nhấc mông khỏi sàn và thở ra. Sau đó giữ nguyên phần mông, từ từ cong lưng lên khỏi sàn và hít thở sâu.

Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến các chuyên gia để lựa chọn các bài tập vật lý trị liệu phù hợp, tránh tập sai làm cho bệnh nặng thêm.

Vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau do thoái hóa cột sống thắt lưng khá tốt.

Vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau do thoái hóa cột sống thắt lưng khá tốt.

Một số phương pháp khác hỗ trợ khác

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, bác sĩ có thể cân nhắc phối hợp thêm một số phương pháp hỗ trợ khác như tiêm nội khớp (corticoid, tế bào gốc…) kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS), châm cứu…

Phẫu thuật cột sống lưng

Phẫu thuật thường là phương pháp được chỉ định sau cùng khi người bệnh không đáp ứng được với các phương pháp điều trị ở trên. Các trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cột sống như:

  • Người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 3 tháng.
  • Hội chứng đuôi ngựa.
  • Đau thần kinh tọa có liệt.
  • Hẹp ống sống nghiêm trọng, điều trị nội khoa thất bại, không cho phép hoạt động sống hàng ngày hay triệu chứng thần kinh khu trú còn nhiều.

Các phương pháp phẫu thuật như cắt cung sau, cắt bỏ đĩa đệm thoát vị, giải phóng lỗ liên hợp, cố định cột sống… sẽ được bác sĩ cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị, khắc phục tại nhà

Bên cạnh phác đồ điều trị tại bệnh viện, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp tại nhà để cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày, giảm nhanh các cơn đau lưng do bệnh lý gây ra:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau cho người bệnh.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên cột sống.
  • Tập thể dục thường xuyên ví dụ như bài tập co giãn cơ lưng, bài tập xoay cổ, tập yoga…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với các thực phẩm như: thực phẩm giàu vitamin D, C, Canxi (cá thu, cá hồi, bơ, ngũ cốc…) uống đủ nước,.. và hạn chế các chất béo, thuốc lá, rượu bia…

Phòng ngừa thoái hóa đốt xương sống lưng

Lão hóa là hệ quả tất yếu theo thời gian của cơ thể con người nên không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa sớm, tăng hiệu quả điều trị và giảm phát sinh các biến chứng nguy hiểm:

  • Giữ tư thế lưng thẳng khi ngồi làm việc, học tập. Nếu tính chất công việc phải ngồi lâu thì sau mỗi 30-45 phút cần đứng dậy đi lại để vận động gân cốt.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và đúng giờ, hạn chế căng thẳng quá mức hoặc mang vác vật nặng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D giúp hệ cơ xương chắc khỏe.
  • Luyện tập thể dục thể thao, tăng cường độ dẻo dai cho cơ – xương – khớp.
  • Chủ động thăm khám cơ xương khớp định kỳ để phát hiện, chẩn đoán và điều trị từ sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Khi vận động hoặc mang vác vật năng cần chú ý tư thế tránh gây tổn thương cột sống.

Khi vận động hoặc mang vác vật năng cần chú ý tư thế tránh gây tổn thương cột sống.

Thoái hóa đốt sống lưng là bệnh xương khớp gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị sớm có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm liên quan đến vận động. Hãy chủ động thăm khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ để bảo vệ hệ xương khớp luôn khỏe mạnh.

Liên hệ Hotline: 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới Fanpage Facebook Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được tư vấn và đặt lịch thăm khám với các chuyên gia hàng đầu.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Trật khớp háng (hông) gây đau tổn thương khó di chuyển

    Trật khớp háng là một trong những chấn thương thường gặp ở mọi độ tuổi, do quá trình vận động không đúng cách, chấn thương…

    24 Th6, 2023
    636

    Tham vấn y khoa: TS. BSCKII Lê Quốc Việt

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Cách điều trị loãng xương như thế nào? Có chữa khỏi không?

    Loãng xương là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy tình trạng…

    01 Th2, 2024
    143

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Cách phòng ngừa loãng xương: Những điều bạn cần biết

    Loãng xương là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi tuy nhiên hiện nay còn xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi…

    29 Th2, 2024
    89

    Tham vấn y khoa: BS Hoàng Văn Sơn

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Loãng xương ở người trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

    Loãng xương là tình trạng xương bị mỏng dần, giòn hoặc xốp xương thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng…

    28 Th2, 2024
    148

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám