Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày Mẹ cần làm gì?

Cập nhật 11/05/2023

1.1K

ThS. BSNT Nguyễn Thị Hà

Tham vấn y khoa:ThS. BSNT Nguyễn Thị Hà

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải, mệt mỏi và ngủ li bì. Theo báo cáo của Quỹ Tài trợ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tiêu chảy được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới (chiếm 11%), nhất là tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, những cha mẹ có con nhỏ không được phép lơ là, chủ quan khi thấy có dấu hiệu tiêu chảy cấp và mãn tính.

Trẻ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày

Trẻ bị tiêu chảy tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc kèm theo nước với tần suất nhiều hơn 3 lần một ngày. Bệnh lý này có thể kèm theo những biểu hiện như biếng ăn, giảm cân cấp tính, đau bụng, sốt, nôn mửa, hoặc đi ngoài phân có lẫn máu,… Trường hợp tiêu chảy nặng và kéo dài có thể dẫn đến mất nước, sụt cân hoặc không tăng cân.

Tiêu chảy là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi 

Tiêu chảy là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Đây là nguyên nhân khiến cho khoảng 1,5 triệu người tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Còn theo UNICEF, tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai (chỉ xếp sau viêm phổi) ở trẻ dưới 5 tuổi, với 11% ca tử vong mỗi năm.

Có thể chia tiêu chảy thành 4 loại cơ chế bệnh sinh như sau:

  • Tiêu chảy xâm nhập: Các tác nhân gây bệnh như Shigella, E.Coli, Salmonella, Campylobacter jejuni, Entamoeba histolytica,… xâm nhập vào trong tế bào liên bào ruột non, ruột già. Chúng nhân lên và phá hủy tế bào, tạo phản ứng viêm. Sản phẩm của quá trình này bài tiết vào trong lòng ruột gây tiêu chảy.
  • Tiêu chảy xuất tiết: Các tác nhân như vi khuẩn tả, ETEC,… tiết ra độc tố ruột. Những độc tố này tác động lên hẻm liên bào nhung mao ruột làm ruột gia tăng tình trạng xuất tiết. Những tác nhân này không làm tổn thương tế bào ruột như cơ chế xâm nhập.
  • Tiêu chảy do bám dính: Tác nhân gây bệnh (EPEC, EAEC, Rotavirus, Cryptosporidium, Giardia lamblia,…) bám vào niêm mạc ruột non gây tổn thương bờ bàn chải, làm cản trở quá trình hấp thu nước và các chất điện giải.
  • Tiêu chảy do thẩm thấu: Hiện tượng này xảy ra do ăn hoặc uống một số chất có độ hấp thu kém hoặc khả năng thẩm thấu cao như: uống nước quá mặn, quá ngọt (bù ORESOL quá đậm đặc).

Nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài

Tiêu chảy có thể chia thành 2 loại cấp tính (kéo dài dưới 2 tuần) và mãn tính (kéo dài trên 2 tuần). Hầu hết các trường hợp tiêu chảy ở trẻ thường là cấp tính. Mỗi đợt tiêu chảy được tính từ ngày đầu tiên trẻ đi ngoài phân lỏng đến lúc phân của trẻ bình thường trong 2 ngày. Nếu sau 2 ngày mà trẻ tiêu chảy trở lại thì được xem như bắt đầu một đợt tiêu chảy mới.

Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng với tần suất nhiều hơn 3 lần một ngày, thường kéo dài trong 1-2 tuần. Nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp là do thức ăn không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn thực phẩm. Trong đó, Rotavirus được xem là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.

Rotavirus được xem là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng ở trẻ em dưới 2 tuổi

Rotavirus được xem là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng ở trẻ em dưới 2 tuổi

Trong khi đó, tiêu chảy mạn tính là tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2-4 tuần. Lúc này, bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ, nhất là trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân của tiêu chảy mạn có thể đến từ các yếu tố dinh dưỡng, nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng xâm nhập, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh Celiac, bất thường về giải phẫu ảnh hưởng tới sự hấp thu hoặc tiêu hóa,…

Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy. Tiêu chảy do kháng sinh có thể xảy ra sau 5-10 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, đôi khi có thể xuất hiện sau khi hoàn tất điều trị bằng kháng sinh.

>>> Xem thêm bài viết: Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì uống gì để nhanh lại sức?

Dấu hiệu nhận biết bé đang bị tiêu chảy

Để xác định trẻ bị tiêu chảy hay không, cần xem xét đầy đủ các yếu tố sau:

  • Số lần trẻ đi ngoài trong ngày.
  • Tăng đột ngột số lần đi ngoài của trẻ.
  • Sự thay đổi về độ đặc, rắn của phân cũng như tăng lượng dịch trong phân.
  • Sự thay đổi về màu sắc, tính chất phân (phân có máu hoặc có nhầy).

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng, tần suất đi  trung bình từ 3-10 lần trong ngày hoặc hơn. Phân của trẻ hơi sệt, lỏng, đôi khi có màu vàng, xanh hoặc nâu. Trẻ bú sữa mẹ có thể đi ngoài nhiều lần hơn, đồng thời, phân có nhiều nước hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên thường đi khoảng 1-2 lần/ngày.

Do những đặc điểm sinh lý trên, trẻ dưới 1 tuổi bị tiêu chảy khi số lần đi nặng gấp đôi so với bình thường. Còn đối với trẻ trên 1 tuổi, chỉ nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy khi tần suất đi tiêu phân lỏng nước nhiều hơn 3 lần/ngày.

Có thể nhận biết bé đang bị tiêu chảy dựa vào tần suất trẻ đi tiêu và tình trạng phân

Có thể nhận biết bé đang bị tiêu chảy dựa vào tần suất trẻ đi tiêu và tình trạng phân

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng tiêu chảy ở trẻ bố mẹ cần lưu ý bao gồm:

  • Trẻ đi ngoài phân lỏng, phân nát hoặc có nhiều nước, mùi tanh, có bọt, màu xanh hoặc vàng, đôi khi có lẫn máu.
  • Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, bỏ bú hoặc chán ăn.
  • Có thể kèm theo biểu hiện nôn ói vài lần hoặc liên tục.
  • Trẻ bị đau và hay gãi hậu môn, sút cân, chậm tăng cân.
  • Dấu hiệu mất nước ở trẻ: Dựa theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, tình trạng mất nước được chia thành 3 loại chính gồm: Mất nước nhẹ (mất nước độ 1), mất nước trung bình (mất nước độ 2) và mất nước nặng (mất nước độ 3). Đánh giá mức độ mất nước căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng như sau:
Dấu hiệu lâm sàng Mất nước độ 1 Mất nước độ 2 Mất nước độ 3
Khát nước Ít Vừa Nhiều
Tình trạng da Bình thường Da khô Da nhăn nheo, mất đàn hồi, mắt trũng
Mạch <100 lần/phút Mạch nhỏ và nhanh (100-120 lần/phút) Mạch rất nhanh, khó bắt (>120 lần/phút)
Huyết áp Bình thường <90mmHg Rất thấp, đôi khi không đo được
Nước tiểu Nước tiểu ít Thiểu niệu (nước tiểu rất ít) Vô niệu (không có nước tiểu)
Tay chân lạnh Bình thường Lạnh tay chân Lạnh toàn thân
Lượng nước mất 5-6% trọng lượng cơ thể 7-9% trọng lượng cơ thể Từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên

Cha mẹ xử trí thế nào khi trẻ bị đi ngoài nhiều lần

Nguyên tắc điều trị khi trẻ bị tiêu chảy là giải quyết căn nguyên gây nên tình trạng này (ví dụ cho trẻ ăn chế độ không chứa gluten đối với trẻ bị bệnh Celiac). Điều trị thông thường tập trung vào việc bù nước qua đường uống (hiếm khi truyền dịch qua đường tĩnh mạch), xem xét dùng thuốc điều trị tiêu chảy (nếu không nghi ngờ nhiễm C.difficileE.coli), một số trường hợp cụ thể sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh.

Bổ sung nước điện giải

Hậu quả nghiêm trọng của việc tiêu chảy kéo dài đó là tình trạng mất nước và chất điện giải. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong trong các trường hợp tiêu chảy cấp. Vì vậy, khi xác định trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần tìm cách bổ sung nước và các chất điện giải cho trẻ thông qua dung dịch Oresol.

Oresol cần đáp ứng các tiêu chí về thành phần và hàm lượng: Chứa phức hợp Carbohydrat 2% hoặc glucose và Natri 50-90mEq/l. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nên ưu tiên lựa chọn gói ORS giảm thẩm thấu.

Cha mẹ pha một gói Oresol (ORS) với 1 lít nước (cần đong đo chính xác để cho dung dịch có nồng độ phù hợp), cho trẻ uống trong ngày theo hướng dẫn như sau:

  • Nếu trẻ nôn, dùng bắt đầu với lượng nhỏ 5 ml trong 5 phút, có thể tăng dần theo khả năng dung nạp.
  • Nếu trẻ không nôn, hạn chế lượng ORS ban đầu.
  • Cho trẻ uống 50 ml/kg trong 4 giờ đối với trường hợp mất nước nhẹ, 100ml/kg trong 4 giờ với trẻ bị mất nước mức độ trung bình. Mỗi lần tiêu chảy bù 10ml/kg (có thể lên đến 240ml).
  • Sau 4 giờ, đánh giá lại tình trạng của trẻ. Nếu trẻ vẫn còn dấu hiệu mất nước, tiếp tục lặp lại quy trình ORS như trên cho trẻ.

Bên cạnh đó, nếu không có sẵn ORS, cha mẹ có thể tự pha cháo bù nước cho trẻ tại nhà theo công thức: 50gram gạo + 3,5gam muối + 6 bát nước, đun sôi trong 15 phút cho đến khi hạt gạo nở bung ra, sau đó chắt ra một lít nước cháo cho trẻ uống. Nước cháo đã pha chỉ được dùng trong ngày, tốt nhất là trong vòng 6 giờ.

Nếu trẻ có những dấu hiệu mất nước nặng như ngủ li bì, quấy khóc nhiều, khóc không có nước mắt, tiểu ít hoặc vô niệu, nôn nhiều, da khô,… cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám và theo dõi kịp thời.

Cho trẻ uống oresol để bù nước và chất điện giải

Cho trẻ uống oresol để bù nước và chất điện giải

Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ

Trẻ bị tiêu chảy cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, ngay cả khi trẻ được bù nước và không nôn. Nên cho trẻ ăn đồ lỏng (súp, cháo,…) để dễ phục hồi niêm mạc đường ruột, tăng cường chất béo và chất xơ, hạn chế lượng nước đưa vào (đặc biệt là nước ép trái cây).

Cha mẹ cần chú ý không được để trẻ bỏ bữa hoặc dùng sữa thay cho các bữa ăn. Nếu trẻ có biểu hiện chán ăn hoặc nôn ói nhiều, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ. Điều quan trọng là phải chọn lựa được món ăn và thực phẩm phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.

Phương pháp dân gian giảm tiêu chảy cho trẻ

Bên cạnh việc dùng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp dân gian giúp làm giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ như sau:

Uống nước gạo lứt rang

Rang 100g gạo lứt cho đến vàng rồi đổ 2 lít nước vào. Đun sôi cho tới khi gạo chín thì tắt bếp. Chắt lấy nước chia thành nhiều lần uống trong ngày. Bên cạnh việc bù nước và điện giải, nước gạo lứt rang còn giúp trẻ đào thải độc tố, giải nhiệt cho trẻ hiệu quả.

Nước hồng xiêm

Cắt 1 quả hồng xiêm xanh thành lát mỏng, đem phơi khô rồi sao vàng. Có thể dùng 10 lát hồng xiêm như trên sắc lấy nước cho trẻ uống, mỗi ngày 2 lần.

Súp cà rốt

Gọt vỏ và rửa sạch 500g cà rốt, thái lát mỏng, đun nhỏ lửa cùng 2 lít nước. Đun cạn đến khi còn 1 lít nước, vớt cà rốt ra nghiền nát, lọc qua rây, bỏ bã, thêm 3g muối đun sôi cho trẻ ăn mỗi ngày. Khi vào ruột, pectin trong cà rốt sẽ trương nở thành dạng keo làm dịu nhu động ruột. Nhờ đó, hạn chế tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

Uống nước cỏ sữa

Cho 50g đậu đen xanh lòng, 2 nắm cỏ sữa, 5 tai nấm mèo lên bếp và sao vàng. Đổ vào nồi 3 bát nước nhỏ, sắc cho tới còn nửa bát nước thì chắt ra cho trẻ uống trong ngày.

Nước búp ổi non

Lấy 20g gừng tươi, 20g búp ổi non, 10g vỏ quýt khô sắc với 2 lít nước. Đun cho đến khi còn 500ml thì chắt ra cho trẻ uống 2 lần/ngày.

Ăn lá mơ

Lấy 100g lá mơ tía đem rửa sạch, ngâm với nước muối loãng 5 phút rồi vớt ra để ráo, giã nhỏ. Trộn đều lá với 1 quả trứng gà, 1 chút muối. Cho một ít dầu vào chảo, đợi dầu nóng thì cho hỗn hợp trên vào. Trở đều hai mặt cho chín rồi lấy ra cho trẻ ăn 2 lần/ngày.

*Lưu ý: Các cách trên chỉ mang tính tham khảo thêm, chưa có kiểm chứng y khoa về công dụng chính xác!

Có thể áp dụng một số phương pháp dân gian để giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ

Có thể áp dụng một số phương pháp dân gian để giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ

Trẻ có những triệu chứng sau nên đưa đi khám ngay

Nếu tình trạng tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế hoặc phòng khám nhi gần nhất để được thăm khám và điều trị. Bởi lẽ, vấn đề tiêu chảy ở độ tuổi này rất dễ gây mất nước trầm trọng và khiến bệnh chuyển biến nặng hơn mà người nhà khó có thể nhận biết.

Đối với những trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể theo dõi trẻ tại nhà. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có các biểu hiện sau:

  • Có dấu hiệu mất nước: Môi khô, mắt trũng sâu, khóc không có nước mắt, lõm thóp (thường gặp ở trẻ dưới 18 tháng), đòi uống nước thường xuyên, không đi tiểu trong vòng 4-6 giờ,…
  • Trẻ sốt cao không giảm, kèm theo biểu hiện đau bụng nhiều, li bì, co giật, mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục.
  • Trẻ đi ngoài có máu hoặc tiêu chảy dạng kiết lỵ.
  • Nôn ói nhiều, dịch nôn ói có màu xanh lá cây, ăn kém và bú kém.
Cần đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng 

Cần đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng

Trên đây là một vài thông tin lưu ý dành cho bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày. Nhìn chung, việc bị đi ngoài khá thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900 3366 hoặc Fanpage để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia.

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám