Viêm tiểu phế quản ở trẻ: Trời lạnh cha mẹ cần lưu ý

Cập nhật 11/05/2023

873

BSCKI Phạm Thị Thu Hà

Tham vấn y khoa:BSCKI Phạm Thị Thu Hà

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Trẻ càng nhỏ càng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện để chống lại virus và vi khuẩn. Trong đó, viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một trong những bệnh về hô hấp rất dễ gặp phải, nhất là ở trẻ em dưới 2 tuổi… Vậy viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh lý gì? Các biểu hiện lâm sàng và cách điều trị như thế nào, những lưu ý cha mẹ cần biết khi thời tiết giao mùa? Hãy cùng chuyên gia y tế của  MEDIPLUS tìm hiểu thông qua  bài viết dưới đây.

Bệnh viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý nhiễm trùng ở phổi, phát sinh do virus, thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây viêm và tắc nghẽn phế quản có đường kính nhỏ hơn 2mm. Bệnh thường có các triệu chứng ban đầu tương tự cảm lạnh nhưng sau đó chuyển biến nặng hơn gây ho, thở khò khè, đôi khi khó thở và nôn mửa.

Hầu hết những trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ phát sinh bởi virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể do các loại virus khác, bao gồm virus gây cúm và cảm lạnh thông thường. Đặc biệt, trẻ sơ sinh có thể bị tái nhiễm RSV vì có ít nhất hai chủng gây bệnh ở loại virus này.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV)

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV)

Khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản của trẻ, nó sẽ làm tiểu phế quản bị sưng và viêm, tăng lượng chất nhầy trong các đường dẫn khí ở đây làm không khí không thể tự do lưu thông gây ho và khó thở.

Bệnh lý này rất dễ lây lan trong trong không khí qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị lây viêm tiểu phế quản khi chạm vào đồ vật có dính virus như các loại đồ dùng, khăn, đồ chơi và dụi tay vào mắt, mũi hoặc miệng.

Biểu hiện sớm khi trẻ bị viêm tiểu phế quản?

Biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản trong vài ngày đầu khởi phát bệnh có các triệu chứng khá giống cảm lạnh bao gồm: Ho, Sổ mũi, nghẹt mũi, Sốt nhẹ (tùy trường hợp).

Khoảng một hoặc vài tuần sau, trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ xuất hiện các triệu chứng khác như khó thở hoặc thở khò khè. Một vài trẻ sơ sinh có nguy cơ viêm tai giữa khi mắc viêm tiểu phế quản.

Một số trẻ có thể có các dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn khi bị viêm tiểu phế quản, điển hình là:

  • Nôn, mửa.
  • Thở khò khè, khó thở, xương sườn co rút mạnh khi trẻ hít vào.
  • Nhịp thở nhanh và nông hơn (60 nhịp/ phút).
  • Trẻ bị chậm chạp, thờ ơ, giảm vận động.
  • Gặp khó khăn khi ăn uống.
  • Da tím tái, dễ nhận thấy ở môi và móng tay.

Nếu trẻ chán ăn hoặc khó thở, phải gắng sức để thở, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuần tuổi và có nhiều nguy cơ viêm tiểu phế quản khác như sinh non, có tiền sử bệnh tim, phổi bẩm sinh,…

Đối với những dấu hiệu và triệu chứng khác, nếu trẻ lần đầu xuất hiện thì bố mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để có phác đồ điều trị hợp lý, tránh các biến chứng nguy hiểm.

>>> Xem thêm bài viết:

Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có biểu hiện sốt nhẹ

Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có biểu hiện sốt nhẹ

Điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ như thế nào?

Sau khi thực hiện chẩn đoán tình trạng viêm tiểu phế quản bằng những kỹ thuật y học, các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, mức độ bệnh, tuổi và sức khỏe tổng thể của trẻ để đưa ra các hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Các kỹ thuật chẩn đoán viêm tiểu phế quản

Dựa vào việc thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có những nhận định chính xác về tình trạng hiện tại của trẻ. Các xét nghiệm cận lâm sàng thường được Bác sĩ chỉ định:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, định lượng CRP.
  • Chụp X-quang tim phổi thẳng.
  • Kiểm tra khí máu động mạch.
  • Test PCR để tìm virus hợp bào hô hấp và Adenovirus từ mẫu bệnh phẩm hầu họng.

Tùy vào mức độ bệnh, tuổi tác và thể trạng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể cho trẻ viêm tiểu phế quản. Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm tiểu phế quản không nên điều trị bằng thuốc kháng sinh vì bệnh chủ yếu do virus gây ra, trừ trường hợp trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Trong quá trình điều trị, việc tập trung điều trị các triệu chứng, cung cấp đủ nước, oxy và chất điện giải cho trẻ đóng vai trò thiết yếu.

Bố mẹ nên cho trẻ thăm khám sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm

Bố mẹ nên cho trẻ thăm khám sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm

Điều trị ngoại trú

Trẻ bị viêm tiểu phế quản sau khi được các bác sĩ thăm khám và kê đơn cần được ba mẹ chăm sóc theo các hướng dẫn, cụ thể là:

  • Khi trẻ bị sốt trên 38,5oC, cho trẻ uống Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg, hai lần uống cách nhau từ 4 đến 6 tiếng.
  • Khi trẻ ho, sử dụng các loại thuốc giảm ho an toàn, thường là các dạng siro ho, thuốc ho thảo dược dùng cho trẻ em. Không dùng các thuốc giảm ho như dextromethorphan, thuốc kháng histamin, thuốc co mạch, long đờm,… và các thuốc giãn phế quản, corticoid. Đặc biệt, không chỉ định kháng sinh cho trẻ.
  • Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở cho trẻ.
  •  Duy trì chế độ ăn, uống và bú sữa của trẻ, chia thức ăn và sữa thành nhiều bữa nhỏ, cho trẻ uống nhiều nước.
  • Tiến hành đưa trẻ đi tái khám sau 1-2 ngày. Trong trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay.

Điều trị nội trú

Trẻ bị viêm tiểu phế quản nặng cần được nhập viện sớm nhanh chóng để các bác sĩ điều trị tích cực. Quá trình điều trị nội trú bao gồm:

Điều trị hỗ trợ

Điều trị hỗ trợ bao gồm hỗ trợ hô hấp và hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng, nước và điện giải.

Đối với điều trị hỗ trợ hô hấp, các bé sẽ được các y bác sĩ giúp thông thoáng đường thở bằng cách cho nằm đầu cao và hút đờm thường xuyên. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý , các bé sẽ được chỉ định thở oxy, thở máy không xâm lấn và xâm lấn, CPAP,… Ngoài ra, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc giãn phế quản Salbutamol theo đúng chỉ định y khoa để hỗ trợ hô hấp cho trẻ hoặc nước muối ưu trương 3% cho trẻ bị khò khè lần đầu và không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.

Đồng thời việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, nước và điện giải cũng sẽ được chú trọng. Theo đó, tùy vào tình trạng của từng trẻ mà các y bác sĩ sẽ chia sữa và thức ăn thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Những kỹ thuật nuôi ăn sonde dạ dày hoặc nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch sẽ được thực hiện dựa theo tình hình và các chỉ số của trẻ để đảm bảo trẻ được cung cấp chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

Điều trị biến chứng

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao đột ngột, kéo dài, các triệu chứng diễn biến xấu trong thời gian ngắn, từ 24-48 tiếng, các kết quả xét nghiệm máu có lượng bạch cầu tăng, CRP>20 mg/l, X-quang có dấu hiệu thâm nhiễm đông đặc phổi, cấy đờm và cấy máu (+), các bác sĩ sẽ tiến hành dùng kháng sinh và thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 7-10 ngày.

Trong quá trình điều trị nội trú, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh niệu bao gồm thân nhiệt, nhịp thở, mạch, SpO2,… trong 1-2 giờ/ lần trong 6 giờ đầu tiên. Nếu trẻ có cải thiện, các y bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi trong 4-6 giờ/ lần. Việc theo dõi này giúp các bác sĩ nhi khoa sớm phát hiện những biến chứng về suy hô hấp và dấu hiệu bội nhiễm để có phác đồ điều trị kịp thời và tích cực cho trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi

Ngoài việc chăm sóc trẻ đúng cách từ lúc mới sinh như cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi để có hàng rào miễn dịch vững chãi, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, các mẹ cần đề cao việc phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ khi thời tiết thay đổi. Một số lưu ý quan trọng bao gồm:

  • Mặc áo quần đầy đủ và thích hợp cho trẻ khi thời tiết chuyển giao nóng hoặc lạnh đột ngột.
  • Giữ môi trường sống xung quanh trẻ vệ sinh, thoáng mát, tránh tiếp xúc nhiều với khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
  • Bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc trẻ thường xuyên hoặc trong quá trình chăm sóc trẻ.
  • Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để hạn chế nhiễm khuẩn.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với những trẻ hoặc người lớn đang mắc các bệnh về hô hấp để tránh lây nhiễm.

Viêm tiểu phế quản cũng như các bệnh về đường hô hấp khác rất đáng lo ngại cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi vì hệ miễn dịch còn yếu. Vì vậy các bố mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới Fanpage Facebook để nhận được tư vấn từ các chuyên gia y tế MEDIPLUS.

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám