Nội soi dạ dày có tác dụng gì?

Cập nhật 17/08/2023

1.2K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:Nguyễn Thị Lan Anh

Chuyên mục:Nội soi tiêu hóa

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nội soi là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất để chẩn đoán bệnh lý dạ dày. Vậy, nội soi dạ dày có tác dụng gì? Câu trả lời cụ thể sẽ được chuyên gia Tổ hợp y tế MEDIPLUS giải đáp trong bài viết dưới đây.

Hình ảnh dạ dày do máy nội soi Fujifilm BL700 với công nghệ nhuộm màu ánh sáng mang lại giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý với độ chính xác cao

Hình ảnh dạ dày do máy nội soi Fujifilm BL700 với công nghệ nhuộm màu ánh sáng mang lại giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý với độ chính xác cao

Ống tiêu hóa là cơ quan khó chẩn đoán qua ảnh cắt lát, vì vậy, các bác sĩ thường không ưu tiên lựa chọn chụp CT, chụp cộng hưởng từ. Bởi vì phương pháp này có chi phí đắt đỏ nhưng hiệu quả không cao. Do đó can thiệp trực tiếp như nội soi sẽ thích hợp hơn, bác sĩ có thể phóng to vị trí bất thường và phát hiện tổn thương chỉ vài milimet. Từ đó chẩn đoán các bệnh lý dạ dày và tiêu hóa, cụ thể như:

1. Nội soi dạ dày có tác dụng chẩn đoán các bệnh lý về dạ dày

Nội soi dạ dày với công nghệ hiện đại kết hợp ánh sáng đơn sắc sẽ đưa về hình ảnh rõ ràng, giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương rất nhỏ là biểu hiện của các bệnh dạ dày như:

1.1 Bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm của niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến các tổn thương của niêm mạc dạ dày do vi khuẩn Hp, sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid thường xuyên, uống rượu, bia quá mức,… Bệnh thường có các biểu hiện sau:

  • Thường xuyên xuất hiện cơn đau nóng rát ở vùng thượng vị
  • Buồn nôn và nôn
  • Có cảm giác đầy hơi, căng tức ở vùng thượng vị
  • Khó tiêu
Nội soi dễ dàng phát hiện viêm dạ dày qua các vết sưng đỏ, trợt lở

Nội soi dễ dàng phát hiện viêm dạ dày qua các vết sưng đỏ, trợt lở

1.2 Bệnh loét dạ dày

Loét dạ dày là tình trạng xuất hiện các vết loét, ổ loét ăn sâu vào dưới niêm mạc, nếu kéo dài có thể ăn mòn xuống lớp cơ dạ dày và sẽ dẫn đến thủng dạ dày. Các biểu hiện dưới đây của bệnh sẽ tăng dần theo thời gian:

  • Thường xuyên đau vùng thượng vị và có thể lan ra các vị trí khác
  • Dễ bị đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn
  • Ợ nóng, ợ chua, trào ngược dạ dày
  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy,…

Vết loét rất dễ dàng phát hiện dựa vào thủ thuật nội soi, bởi vì chúng ăn sâu dưới niêm mạc, làm thay đổi màu sắc, hình dạng, bề mặt vùng loét và có thể dẫn đến xuất huyết.

Các vết loét ăn sâu dưới niêm mạc người bệnh, làm thay đổi màu sắc vùng loét

Các vết loét ăn sâu dưới niêm mạc người bệnh, làm thay đổi màu sắc vùng loét

1.3 Phát hiện Hp

Tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn Hp ở Việt Nam hiện nay khá cao, lên đến 60 – 70% dân số, tuy nhiên chỉ khi vi khuẩn sinh sôi đủ nhiều thì mới xuất hiện triệu chứng. Chúng tiết ra chất độc ăn mòn niêm mạc dạ dày, là một trong những nguyên nhân chính gây loét, xuất huyết thậm chí là ung thư dạ dày, các triệu chứng thường gặp khi nhiễm khuẩn Hp là:

  • Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và nôn
  • Ợ nóng, ợ hơi thường xuyên
Vi khuẩn Hp tiết ra chất độc gây hại cho niêm mạc người bệnh, lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày

Vi khuẩn Hp tiết ra chất độc gây hại cho niêm mạc người bệnh, lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày

1.4 Polyp dạ dày

Nội soi dạ dày là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện polyp dạ dày, bác sĩ có thể sẽ kết hợp cắt polyp và sinh thiết mô để tầm soát ung thư dạ dày.

Bác sĩ thường kết hợp cắt polyp kèm sinh thiết mô khi nội soi nếu khối polyp lớn và có nguy cơ phát triển thành ung thư

Bác sĩ thường kết hợp cắt polyp kèm sinh thiết mô khi nội soi nếu khối polyp lớn và có nguy cơ phát triển thành ung thư

1.5 Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Bệnh thường gây khó chịu thông qua các triệu chứng như:

  • Thường xuyên bị ợ nóng, ợ chua, đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Đau tức vùng thượng vị
  • Khàn giọng, ho, khó nuốt khi ăn
Nội soi giúp phát hiện bệnh trào người dạ dày

Nội soi giúp phát hiện bệnh trào người dạ dày

1.6 Xuất huyết đường tiêu hóa trên

Xuất huyết đường tiêu hóa trên là hiện tượng chảy máu tại niêm mạc thực quản, dạ dày. Đây có thể là biểu hiện của bệnh loét, vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày, dị sản mạch, ung thư hay hội chứng Mallory weiss . Người bệnh nhanh chóng liên hệ với bác sĩ nếu có các biểu hiện như:

  • Đau bụng quặn thắt, dữ dội và liên tục
  • Nôn ra máu đỏ tươi hoặc màu nâu sẫm, lẫn với dịch nhầy loãng
  • Thở nhanh và nông
  •  Ngất xỉu, vã mồ hôi lạnh, run rẩy tay chân

Xuất huyết đường tiêu hóa trên là một bệnh cấp cứu nội ngoại khoa và cần được thăm khám nhanh chóng bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng người bệnh để chỉ định thực hiện can thiệp nội soi nhằm nhanh chóng cầm máu và hồi sức.

Xuất huyết dạ dày là một bệnh cấp cứu nội khoa và bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nội soi để cầm máu

Xuất huyết dạ dày là một bệnh cấp cứu nội khoa và bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nội soi để cầm máu

1.7 Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là các tế bào của dạ dày phát triển mất kiểm soát, tạo thành các khối u ở dạ dày, có thể lan ra xung quanh và các cơ quan xa hơn (di căn xa). Đây là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu, vì giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện tương tự các bệnh dạ dày khác như:

  • Đau bụng từng đợt, kéo dài và ngày càng trầm trọng
  • Đầy hơi, chán ăn
  • Đi ngoài phân đen
  • Sụt cân mất kiểm soát
Nội soi có thể tầm soát ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm để tránh tình trạng khối u ác tính di căn

Nội soi có thể tầm soát ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm để tránh tình trạng khối u ác tính di căn

1.8 Phát hiện dị vật lạ trong dạ dày

Đôi khi có thể do sự cố hoặc vấn đề tâm thần mà người bệnh nuốt phải một số vật. Chúng có thể gây đau, chán ăn, có nguy cơ xuất huyết hay thủng thực quản, dạ dày gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Khi kiểm tra, thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ phát hiện các dị vật. Đồng thời căn cứ tình trạng người bệnh mà chỉ định lấy dị vật qua đường nội soi hay thực hiện phẫu thuật.

Hình ảnh bác sĩ lấy viên thuốc ra khỏi dạ dày thông qua nội soi

Hình ảnh bác sĩ lấy viên thuốc ra khỏi dạ dày thông qua nội soi

Trên đây là các bệnh dạ dày có thể được phát hiện nhờ vào nội soi. Bên cạnh đó, nội soi còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa khác, các cách điều trị này sẽ được đề cập ở phần tiếp theo.

2. Điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa

Nội soi giúp điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Một số cách điều trị nhờ vào thủ thuật nội soi là:

  • Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản
  • Cắt bỏ polyp
  • Loại bỏ dị vật: Bác sĩ có thể tìm kiếm dị vật thông qua hình ảnh nội soi và tiến hành gắp ra.
  • Cầm máu bên trong dạ dàyi
  • Điều trị barrett thực quản

Như vậy, nội soi có thể hỗ trợ phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý đường tiêu hóa nêu trên. Vậy đối với trường hợp bệnh thường gặp là loét, nhiễm khuẩn trong dạ dày thì nội soi có thể điều trị không? Câu trả lời là có và sẽ được đề cập ở phần tiếp theo.

3. Theo dõi quá trình điều trị các tổn thương loét, điều trị nhiễm khuẩn

Nội soi theo dõi là bắt buộc ở bệnh nhân loét dạ dày hoặc loét tá tràng phức tạp có nhiễm HP sau kết thúc điều trị 4 tuần. Nếu có sẹo loét dạ dày nên thực hiện sinh thiết ít nhất một lần để không bỏ sót ung thư.

Trong trường hợp loét tá tràng do Helicobacter không biến chứng , nội soi theo dõi sau khi đã được chứng minh tiệt trừ Helicobacter thành công là không cần thiết .

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nội soi định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nội soi định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh

Đối với các trường hợp viêm dạ dày thông thường có nhiễm vi khuẩn HP sau khi kết thúc điều trị không cần thực hiện nội soi lại và có thể kiểm tra kết quả điều trị HP qua test hơi thở.

4. Nội soi kết hợp với siêu âm để kiểm tra các vùng khó tiếp cận

Nội soi kết hợp với siêu âm là phương pháp hiện đại, sử dụng dây nội soi có gắn đầu dò siêu âm để can thiệp tổn thương ở các vùng khó tiếp cận như mật, tụy. Đồng thời, kỹ thuật này giúp khảo sát tổn thương trong và ngoài ống tiêu hóa, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện ung thư sớm.

Các dạng đầu dò được thiết kế nhằm kết hợp siêu âm và nội soi giúp kiểm tra các vùng khó tiếp cận.

Các dạng đầu dò được thiết kế nhằm kết hợp siêu âm và nội soi giúp kiểm tra các vùng khó tiếp cận

Nhờ vào ứng dụng siêu âm và các thiết kế đầu dò ống nội soi dưới đây, bác sĩ có thể quan sát tình hình ở các vùng khó tiếp cận như tuyến mật, tuyến tụy.

  • Đầu dò radial: Thiết bị cho phép quan sát 360 độ xung quanh đầu dò, cho ra cùng lúc hình ảnh nội soi và hình ảnh siêu âm. Nhờ đó dễ dàng khảo sát toàn bộ tổn thương ở ống tiêu hóa và các vùng mật, tụy.
  • Đầu dò linear: Thiết bị gửi về hình ảnh theo hình quạt, cho phép kết hợp lấy sinh thiết mô ở các vùng nghi ngờ bằng kim nhỏ.
  • Đầu dò miniprobe: Thiết bị có tần số cao, lên đến 20 – 30 MH, giúp thu được hình ảnh rõ nét của thành ống tiêu hóa, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện ung thư sớm.

Nội soi dạ dày có nhiều tác dụng trong công tác khám và chữa bệnh về dạ dày nói riêng và bệnh về đường tiêu hóa nói chung. Đối với những người bệnh đã được chỉ định nội soi thì nên trao đổi kỹ với bác sĩ và ghi nhớ những lưu ý quan trọng để đảm bảo nội soi hiệu quả và an toàn.

Nếu bạn còn phân vân hoặc có những câu hỏi khác về nội soi dạ dày thì hãy liên hệ ngay tới Hotline 1900 3366 để các chuyên gia MEDIPLUS tư vấn nhanh và chính xác nhất.

*** Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết

    ĐĂNG KÝ NỘI SOI

    Đặt lịch nội soi tiêu hóa với Tiến sĩ Bác sĩ BV Bạch Mai tại MEDIPLUS



    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám