Đau nửa đầu sau gáy đừng chủ quan có thể là bệnh nguy hiểm

Cập nhật 18/07/2023

4.3K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nội thần kinh

Đau nửa đầu sau gáy là một loại bệnh lý thần kinh hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Việc điều trị bệnh đa phần là điều trị triệu chứng, chăm sóc cải thiện sức khoẻ và ngăn ngừa cơn đau tái phát thường xuyên. Đau nửa đầu thường lành tính, tuy nhiên đó cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm tại hệ thần kinh. Về tình trạng này thường sẽ được kê thêm thuốc để hỗ trợ điều trị hoặc giảm các triệu chứng đau, tuy nhiên tất cả cần được tư vấn và kê toa theo bác sĩ chuyên khoa.

Đau nửa đầu sau gáy là như thế nào?

Thông thường cơn đau nửa đầu thường xuất hiện ở một bên, bên trái hoặc bên phải. Ngoài ra có thể bắt gặp các cơn đau xuất hiện phía sau của đầu(vùng chẩm) dọc từ gáy trở lên. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể xảy ra ở cả hai bên đầu và ảnh hưởng đến mặt hoặc cổ của bạn.

Đau nửa đầu sau gáy gây mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh

Đau nửa đầu sau gáy gây mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh

Cơn đau thường là cảm giác nhói, nặng, mức độ từ vừa phải hoặc dữ dội, trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển và cản trở bạn thực hiện các hoạt động bình thường.

  • Đau như rung động, máy rung trong đầu.
  • Đau nhói.
  • Đau như có dùi đục lỗ.
  • Đau như đập mạnh.
  • Đau nặng mệt, tê bì cả da đầu, nắm tóc nhấc lên có thể đỡ hơn, cơ thể suy nhược,…

Các cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Ban đầu có thể diễn biến nhẹ nhưng nếu không điều trị tình trạng bệnh có thể trở nên trung bình đến nặng.

Những đối tượng dễ bị đau nửa đầu sau gáy

Bất cứ ai cũng có thể gặp các triệu chứng đau nửa đầu hoặc đau nửa đầu sau gáy. Tuy nhiên theo thống kê những đối tượng sau hay gặp đau nửa đầu hơn, đó là:

Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh: Thời kì này hormone (nội tiết tố) trong cơ thể người phụ nữ thay đổi đáng kể, chúng gây ra rất nhiều các triệu chứng và các dấu hiệu khác nhau trong đó có các cơn đau nửa đầu vô căn.

Nhân viên văn phòng: Người làm việc trí não căng thẳng, thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính ở các tư thế không đúng và kéo dài dễ gặp các bệnh lý đau mỏi vai gáy, thoái hoá cột sống cổ, đau nửa đầu,…

Công nhân lao động nặng: Họ là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố môi trường khắc nghiệt, máy móc, tiếng ồn, mang các vật liệu nặng trên vai gáy 1 bên kéo dài,… có thể dẫn đến các biểu hiện đau nửa đầu, đau nửa đầu sau.

Đau nửa đầu sau gáy cảnh bảo bệnh gì?

Đau nửa đầu là một bệnh lý, nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý thần kinh khác. Nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu vẫn chưa được biết rõ, mặc dù chúng được cho là kết quả của những thay đổi tạm thời trong các chất hóa sinh học, các kích thích thần kinh và mạch máu trong não.

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đau đầu sau kéo dài

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đau đầu sau kéo dài cần đặc biệt lưu ý

Nguyên nhân gây đau nửa đầu sau

Khoảng một nửa số người trải qua chứng đau nửa đầu nói rằng họ có họ người thân trong gia đình có tình trạng bệnh tương tự, cho thấy rằng gen có thể đóng một vai trò nhất định.

Một số người nhận thấy các cơn đau nửa đầu có liên quan đến một số tác nhân gây ra, có thể bao gồm:

Bản thân người bệnh

  • Bắt đầu kỳ kinh nguyệt.
  • Căng thẳng, mệt mỏi.
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) nhịn ăn, ăn kiêng quá độ,…
  • Tập thể dục vất vả quá gắng sức, nếu bạn không quen.

Sử dụng một số loại thực phẩm, đồ uống, chất kích thích

  • Chứa cafein, hoặc bóng cười, chất gây nghiện, ma tuý,…
  • Thực phẩm có chứa chất Tyramine bao gồm: thịt đông lạnh, chất chiết xuất từ nấm men, cá trích muối, cá hun khói (như cá hồi hun khói) và một số loại pho mát (chẳng hạn như cheddar, stilton và camembert).
  • Sử dụng rượu, bia, rượu ngâm động vật,…
  • Hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, cỏ thơm,…

Một số loại kích thích nhất định từ môi trường

  • Tiếng ồn chói tai, tiếng máy dập, máy khoan máy rung công nghiệp, còi xe, ánh đèn chiếu mạnh,…
  • Màn hình nhấp nháy, màn hình ti vi hoặc máy tính.
  • Sau khi tiếp xúc phấn hoa, mạt bụi nhà,…
  • Ngửi mùi khói thuốc, khói xe, khói đám cháy nilon, khói đốt giấy vệ sinh, mùi xăng dầu, chất tẩy rửa, hóa chất…
  • Thay đổi khí hậu, thay đổi độ ẩm, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc ngủ, thuốc tránh thai kết hợp,…

Yếu tố sinh hoạt và thói quen

  • Làm việc mệt mỏi liên tục.
  • Giấc ngủ kém chất lượng.
  • Ca làm việc kéo dài.
  • Tư thế làm việc kém: Màn hình máy tính để quá thấp hoặc quá cao, góc nhìn nghiêng cổ, xoay cổ.
  • Căng cổ vai gáy cục bộ khi thực hiện các động tác đột ngột quá biên độ.

Đau nửa đầu sau cảnh báo của nhiều bệnh lý

Thiếu máu não, rối loạn lưu thông máu: Khi có tắc nghẽn các mạch máu não, thiếu máu não có thể gây ra các trạng thái đau nửa đầu như mô tả. Tuy nhiên, trong các trường hợp nặng hoặc thiếu máu não cục bộ thường phối hợp với các biểu hiện tổn thương thực thể khác tại não như: Liệt, nôn, nhìn mờ, hôn mê, đau đầu dữ dội,…

✜ Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: tình trạng chèn ép tuỷ sống đoạn cổ do các thoát vị đĩa đệm vùng cột sống cổ gây ra có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu đau tai nửa đầu hoặc sau gáy, do các dây thần kinh chi phối vận động và cảm giác vùng đầu mặt cổ bị kích thích liên tục hoặc chèn ép.

✜ Thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hoá đốt sống cổ có thể gây ra hẹp các lỗ mỏm ngang đốt sống cổ, nơi có các động mạch cấp 1 phần máu cho não đi qua. Từ đó gây thiếu máu não và gây ra các biểu hiện đau nửa đầu.

Thoái hóa đốt sống cổ cũng là nguyên nhân khiến bị đau đầu sau ở nhiều người

Thoái hóa đốt sống cổ cũng là nguyên nhân khiến bị đau đầu sau ở nhiều người

✜ Viêm, thoái hóa khớp vai: Viêm khớp vai, thoái hoá khớp vai thường ít khi gây ra các dấu hiệu đau nửa đầu mà chúng thường là các triệu chứng đi kèm nhau. Hoặc khi bệnh nhân có đau vai 1 bên, bên còn lại hoạt động quá mức trong các hoạt động hàng ngày gây ra các dấu hiệu mệt mỏi căng cơ, đau nửa đầu kéo theo

✜ Bệnh đau nửa đầu Migraine: Đây là bệnh lý đau nửa đầu đã được nêu ra bởi các chuyên gia về thần kinh. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Đau đầu Quốc tế, để được chẩn đoán mắc bệnh đau nửa đầu, bệnh nhân phải có ít nhất 5 cơn đau đầu kéo dài 4-72 giờ và các cơn phải có ít nhất 2 trong số các đặc điểm sau:

  • Vị trí đau thường riêng 1 vùng.
  • Đau kèm nhịp đập của mạch.
  • Cường độ đau vừa phải hoặc nặng.
  • Trầm trọng hơn do hoặc gây ra việc tránh hoạt động thể chất thông thường.

✜ Viêm màng não, U não: đây là các bệnh lý rất nguy hiểm của não bộ và hệ thần kinh trung ương mà đau đầu toàn thể thường bị nhầm lẫn với đau nửa đầu. Hoặc vị trí đau lệch về bên tổn thương làm người bệnh nhầm lẫn, chủ quan trong điều trị. Khi phát hiện ra thường đã để lại các tổn thương nặng nề tại não không hồi phục.

✜ Lao xương khớp: lao xương có thể tiến triển và dẫn tới tới lao màng não,… hoặc ổ áp xe trong não. Tương tự như u não hoặc viêm màng não, đây không chỉ là các dấu hiệu đau nửa đầu thông thường, nếu chủ quan bỏ sót có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, nặng nhất là tử vong

✜ Bệnh tim mạch: Với bệnh lý xơ vữa mạch máu, các mảng xơ vữa bong ra, theo dòng máu lên não gây ra tắc mạch máu não. Hoặc đột ngột vỡ các phình mạch não (gần đây đã gia tăng tỉ lệ bắt gặp ở người trẻ tuổi)… với dấu hiệu sớm của chúng cũng là những cơn đau đầu, đau nửa đầu kéo dài.

Tình trạng đau thế nào thì cần gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ đa khoa nếu bạn có các triệu chứng đau nửa đầu thường xuyên hoặc nghiêm trọng.

Thuốc giảm đau đơn giản, chẳng hạn như Paracetamol hoặc Ibuprofen, có thể có hiệu quả đối với chứng đau nửa đầu. Nhưng không nên lạm dụng. Khi sử dụng thuốc giảm đau mà sau một thời gian hết tác dụng của thuốc cơn đau quay trở lại thì bạn nên đi khám bác sĩ. Cố gắng không sử dụng liều lượng tối đa của thuốc giảm đau một cách thường xuyên vì điều này có thể khiến việc điều trị đau đầu trở nên khó khăn hơn theo thời gian.

Bạn cũng nên hẹn gặp bác sĩ đa khoa nếu bạn bị đau nửa đầu thường xuyên (hơn 5 ngày một tháng), ngay cả khi chúng có thể được kiểm soát bằng thuốc, bạn có thể được lợi từ việc điều trị phòng ngừa.

Bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức khi xuất hiện các dấu hiệu:

  • Liệt hoặc yếu ở một hoặc cả hai cánh tay, nửa người hoặc một bên mặt.
  • Nói lắp bắp, nói khó hoặc không tròn tiếng như ý muốn.
  • Một cơn đau đầu dữ dội đột ngột không giống như bất cứ điều gì đã trải qua trước đây.
  • Đau nhức đầu kèm theo nhiệt độ cao (sốt), cứng ở gáy cổ, rối loạn tâm thần, co giật, nhìn mờ, nhìn đôi hoặc phát ban.
Nên đi gặp bác sĩ ngay cả khi tình trạng đau đầu đã được kiểm soát

Nên đi gặp bác sĩ ngay cả khi tình trạng đau đầu đã được kiểm soát

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: đột quỵ hoặc viêm màng não. Chúng cần được bác sĩ đánh giá càng sớm càng tốt.

Điều trị sớm đau nửa đầu sau

Điều trị đau đầu sau cấp tính

Người bệnh cũng không nên quá lo lắng khi bắt gặp các triệu chứng đau nửa đầu sau mới xuất hiện. Đa phần các trường hợp đau nửa đầu, đau nửa đầu sau mức độ trung bình sẽ tự hết sau khi người bệnh nghỉ ngơi và chăm sóc cơ thể một cách hợp lý. Bạn có thể áp dụng một trong các cách sau để cải thiện tình trạng đau nửa đầu của mình:

  • Giữ cơ thể thoải mái, tránh các kích thích quá mức đến các giác quan mắt, mũi, tai,…
  • Mát xa da đầu, mát xa vùng cổ vai gáy, chải tóc, gội đầu,…
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý giữa các ca làm hoặc sau những khoảng thời gian làm việc liên tục cần có khoảng thư giãn ngắn 5-10 phút.
  • Có thể thử bắt đầu với các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như Paracetamol hoặc Ibuprofen nhưng vẫn cần thận trọng về liều lượng. Hỏi kĩ bác sĩ của bạn trước khi sử dụng.
  • Giữ chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, khoa học, đều đặn.
  • Nếu bạn đang ăn kiêng quá “khắc nghiệt”, hãy xem xét lại ngay chế độ ăn của bản thân và hỏi bác sĩ của bạn.
  • Chú ý tới những thời điểm thay đổi hormone trong cơ thể như chuẩn bị kinh nguyệt,… Giữ tinh thần thoải mái và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Đắp khăn mát lên trán, hoặc nửa đầu đau. Không để đá lạnh trực tiếp lên đầu hoặc sử dụng các dụng cụ chườm nóng với nhiệt độ cao quá mức.
  • Các nghiệm pháp xoa bóp bấm huyệt đơn giản, các bài tập Yoga thư giãn cơ xương khớp có thế có hiệu quả tương đối tốt. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy chúng trên Internet, hãy thử áp dụng theo các hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Trong mọi trường hợp, việc gặp bác sĩ luôn là cần thiết. kể cả khi triệu chứng của bạn có thuyên giảm hay không. Đặc biệt với các đối tượng ít gặp đau nửa đầu như trẻ nhỏ, người vị thành niên,… càng không nên chủ quan với các triệu chứng gặp phải.

Điều trị đau đầu sau mạn tính

Đau nửa đầu sau mạn tính những cơn đau kéo dài 15 ngày trở lên. Việc bạn cần làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Tại đó bạn sẽ được bác sĩ khám lâm sàng và có thể chỉ định các phương pháp xét nghiệm như: Điện não đồ, chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp x-quang cột sống cổ, xét nghiệm sinh hoá máu,…

Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá chính xác được nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu của bạn, để có phương án điều trị chính xác nhất.

Nếu bạn nghi ngờ một nguyên nhân cụ thể nào đó đang gây ra chứng đau nửa đầu thì cần tránh tác nhân kích thích này đồng thời tiến hành thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời việc duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm: tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống khoa học, hạn chế tối thiểu việc sử dụng các chất kích thích cũng góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các cơn đau nửa đầu và tránh tái phát.

Hãy luôn thật sự cẩn trọng và không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nhỏ nhất nào của các cơn đau đầu, đau nửa đầu sau… đó luôn là lời khuyên đầu tiên đến từ các bác sĩ chuyên khoa thần kinh giàu kinh nghiệm.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám