Bệnh sốt xuất huyết: Giai đoạn tiến triển và Hướng điều trị sớm

Cập nhật 12/05/2023

877

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sức khỏe

Bệnh sốt xuất huyết (DENG-gey) là căn bệnh khá phổ biến tại những vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới nói chung. Theo thống kê từ các địa phương, sốt xuất huyết đang ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng biến chứng nguy hiểm, nhất là ở đối tượng bệnh nhi nhỏ tuổi. Do đó, mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa và xử lý phù hợp.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 43.600 ca mắc và 22 ca tử vong vì sốt xuất huyết, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái (theo báo cáo của Bộ Y Tế).

Bệnh cảnh sốt và xuất huyết được ghi nhận ở nhiều nhóm bệnh do các tác nhân virus khác nhau gây nên như sốt Nephropathia Scandinavia, sốt virus Ebola, sốt xuất huyết Bolivia,… Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết chủ yếu do Virus Dengue gây ra. Đây là chủng virus thuộc nhóm B của Arbovirus trong chi Flavivirus.

Loài Dengue virus có 4 type huyết thanh phổ biến bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm một trong bốn chủng virus kể trên và có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, kháng thể này không đặc hiệu với 3 chủng virus còn lại. Vì vậy, một người có thể bị sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời, nhất là những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue.

Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh hiện tại chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến phức tạp và nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Ở giai đoạn nặng, bệnh để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đông máu, giảm huyết áp đột ngột,… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

Sốt xuất huyết là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam

Sốt xuất huyết là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam

Về phân loại, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chia bệnh sốt xuất huyết thành 2 nhóm chính: nhóm không biến chứng và nhóm biến chứng nặng:

  • Nhóm không biến chứng (hay sốt xuất huyết thể nhẹ): Đây là nhóm bệnh nhân nhiễm virus Dengue nhưng không chuyển biến sang giai đoạn nặng kèm theo các biến chứng nguy hiểm khác. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể tự điều trị tại nhà như bệnh sốt thông thường. Tuy nhiên, cần phải theo dõi diễn biến bệnh chặt chẽ để ngăn ngừa bệnh chuyển nặng do chăm sóc sai cách.
  • Nhóm biến chứng nặng (hay sốt xuất huyết thể nặng): Bệnh nhân có các biểu hiện nghiêm trọng như chảy máu, rò rỉ huyết tương, rối loạn chuyển hóa và chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Bệnh có thể diễn biến xấu và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đòi hỏi phải có các biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời. Nếu không, bệnh có thể gây tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, việc nắm vững nguyên nhân cũng như đường lây truyền bệnh sẽ là tiền đề để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả.

Sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Theo thống kê, số trẻ dưới 15 tuổi chiếm 65% tổng số ca bệnh trong cả nước. Trong đó, số ca nặng ở nhóm tuổi này chiếm khoảng 10-15% và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết được phát hiện là do virus Dengue thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae gây ra. Trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti. Loài muỗi này thường có màu đen, trên thân và chân có nhiều đốm trắng. Chúng hoạt động vào ban ngày, chủ yếu là vào sáng sớm và chiều tối, sinh sản mạnh vào mùa mưa trong các ao tù, nước đọng quanh nhà,…

Sau khi hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ ủ bệnh trong muỗi vằn cái khoảng từ 8-11 ngày rồi chuyển sang khu trú tại tuyến nước bọt của muỗi. Khi bị muỗi vằn đốt, virus theo tuyến nước bọt đi vào máu của người lành, “chu du” trong khoảng từ 2-7 ngày và bắt đầu khởi phát các triệu chứng của bệnh.

Bên cạnh trung gian muỗi vằn, người bệnh cũng có thể nhiễm sốt xuất huyết thông qua đường máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm với người bị bệnh. Đường lây truyền này ít phổ biến hơn những vẫn có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, bệnh có thể lây nhiễm chéo tại bệnh viện qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm vết thương,… hoặc lây truyền dọc từ mẹ sang con. Nếu mẹ nhiễm virus Dengue khoảng 10 ngày trước sinh thì nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm là rất cao.

Muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết biểu hiện

Triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến từ nhẹ đến nặng. Tùy vào từng mức độ của bệnh, có thể nhận diện các triệu chứng cụ thể như sau:

Triệu chứng nhẹ

Sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ thường gặp ở những người lần đầu mắc bệnh do chưa có miễn dịch đặc hiệu với loại virus này. Bệnh có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh:

  • Đau đầu
  • Đau cơ, xương hoặc khớp
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau sau mắt
  • Viêm tuyến
  • Phát ban

Khởi phát bệnh thường là sốt cao 40-41oC kéo dài trong 4-7 ngày tính từ thời điểm bị muỗi đốt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện như đau đầu nghiêm trọng, đau cơ, đau khớp, buồn nôn và ói mửa, đau phía sau mắt, phát ban,… Các ban xuất huyết thường xuất hiện trên cơ thể từ 3-4 ngày sau khi sốt, thuyên giảm sau 1-2 ngày và có thể nổi ban lại vào những ngày tiếp theo.

Biểu hiện trở nặng

Ở mức độ nặng, bên cạnh các triệu chứng của sốt xuất huyết thể nhẹ kể trên, bệnh nhân còn biểu hiện những tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết như chảy máu cam, chảy máu nướu hoặc chảy máu dưới da, gây nên các vết bầm tím:

  • Đau bụng dữ dội
  • Nôn mửa liên tục hoặc có lẫn máu
  • Chảy máu lợi hoặc mũi
  • Có máu trong nước tiểu, phân
  • Chảy máu dưới da, có thể trông giống như bầm tím
  • Khó thở hoặc thở nhanh, gấp
  • Mệt mỏi, khó chịu hoặc bồn chồn.

Bệnh ở cấp độ này có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời, khẩn cấp, tránh để bệnh diễn tiến quá nặng dẫn đến tử vong.

Sốc sốt xuất huyết Dengue

Hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue được xem là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh xuất hiện tất cả các triệu chứng của sốt xuất huyết thể nhẹ, kèm theo những biểu hiện chảy máu, thoát huyết tương khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc do hạ huyết áp,…

Cấp độ bệnh này thường xảy ra ở những bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết từ hai lần trở lên, khi người bệnh đã có miễn dịch với một loại kháng nguyên bất kỳ của virus. Miễn dịch này có thể là chủ động (do bệnh nhân đã từng mắc bệnh trước đó), hoặc thụ động (do mẹ truyền sang con).

Sốt xuất huyết Dengue thường diễn biến nặng đột ngột sau 2-5 ngày trong giai đoạn hạ sốt. Hiện tượng này phổ biến ở trẻ em, ít gặp ở người lớn. Bệnh chuyển nặng nhanh chóng gây suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên.

Cần theo dõi và phát hiện kịp thời các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Cần theo dõi và phát hiện kịp thời các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết tiến triển qua các giai đoạn

Sốt xuất huyết Dengue thường diễn ra qua 3 giai đoạn chính, gồm: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Mỗi giai đoạn đều có những biểu hiện đặc trưng nên cần được theo dõi chặt chẽ để kiểm soát quá trình của bệnh, tránh để bệnh chuyển nặng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

Giai đoạn sốt

Sau khi nhiễm virus Dengue qua vết đốt từ muỗi vằn, bệnh nhân sẽ trải qua quá trình ủ bệnh kéo dài từ 4-7 ngày, đôi khi có thể lên đến 14 ngày tùy cơ địa. Tiếp đó, người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục hoặc đột ngột từ 40-41oC và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Một vài triệu chứng khác đi kèm cần lưu ý như: đau họng, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, chảy máu, phát ban,…

Ở trẻ em, triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất là sốt cao kèm theo đau họng và đau bụng. Trẻ sẽ giảm sốt sau 3 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 8, trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết nhẹ như chảy máu mũi, chấm xuất huyết dưới da,… Các nốt phát ban này lúc đầu có thể nổi ở thân, sau đó lan dần sang mặt, các chi, lòng bàn tay và bàn chân gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ.

Giai đoạn nguy hiểm

Bệnh sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau 3-7 ngày kể từ ngày đầu tiên bị sốt. Lúc này, người bệnh có biểu hiện giảm sốt hoặc sốt nhẹ. Một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát sẽ có hiện tượng hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có hoặc không có biểu hiện xuất huyết. Một vài dấu hiệu nặng mà người bệnh có thể gặp phải như:

  • Tăng tính thấm thành mạch dẫn đến thoát huyết tương.
  • Tràn dịch màng phổi: Biểu hiện qua các triệu chứng đau ngực khi đổi tư thế, khó thở và căng tức ngực.
  • Tràn dịch màng bụng: Biểu hiện qua triệu chứng chướng bụng, bụng phình to nhanh.
  • Gan phình to khiến bệnh nhân bị đau tức hạ sườn phải và vùng thượng vị. Người bệnh vật vã, li bì, lạnh tay chân, tiểu ít, da lạnh toàn thân.
  • Xuất huyết dưới da: Có thể xuất hiện dưới dạng các nốt xuất huyết li ti hoặc mảng xuất huyết lớn.
  • Xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết phổi và não: Bệnh nhân có thể nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,… Đây là biểu hiện nguy hiểm, cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ ngay lập tức để điều trị kịp thời, tránh chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến tính mạng bệnh nhân.
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các biến chứng nặng khác như viêm gan nặng, viêm não, suy thận, viêm cơ tim,…

Một điều cần lưu ý là người bệnh dù không có biểu hiện thoát huyết tương hay bị sốc vẫn có thể xảy ra biến chứng nặng. Do đó, trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được chăm sóc thật tốt, theo dõi và quan sát kĩ biểu hiện của bệnh. Nếu phát hiện có các dấu hiệu bất thường phải đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Cần chăm sóc, theo dõi và quan sát biểu hiện bệnh ở giai đoạn nguy hiểm

Cần chăm sóc, theo dõi và quan sát biểu hiện bệnh ở giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn hồi phục diễn ra sau giai đoạn nguy hiểm từ 1-2 ngày. Lúc này, người bệnh hết sốt, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp duy trì ở trạng thái ổn định. Bệnh nhân có biểu hiện thèm ăn và tiểu nhiều. Đồng thời, các chỉ số xét nghiệm sinh hóa trở về mức bình thường.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân cần phải được chăm sóc cẩn thận và đúng cách. Nếu không, bệnh sẽ gây nên các biến chứng như phù phổi hoặc suy tim, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Đặc biệt, không được chủ quan, lơ là và phải báo ngay với bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở người bệnh.

Biến chứng do dịch sốt xuất huyết gây ra

Bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ em dưới 15 tuổi, thì hiện nay, bệnh có xu hướng mở rộng sang nhóm người lớn với tỷ lệ khá cao (35%), thậm chí là chuyển biến nặng. Người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khi không được chăm sóc và điều trị đúng cách, có thể kể đến như:

  • Giảm số lượng tiểu cầu: Biến chứng này không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó nhận biết, thường được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 với biểu hiện lâm sàng là xuất huyết trầm trọng, gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Máu bị cô đặc: Sự gia tăng tính thấm mao mạch khiến huyết tương thoát ra ngoài khoang dịch kẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng máu bị cô đặc. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức toàn thân, sốt cao, buồn nôn, đầu óc lơ mơ,…

Bên cạnh đó, một số biến chứng khác mà bệnh nhân có thể gặp phải như:

  • Sốc do mất máu và thoát huyết tương: Tình trạng này kéo dài có thể gây phù não, hôn mê và các hội chứng thần kinh nguy hiểm khác.
  • Viêm đường hô hấp, viêm phổi, phù phổi: Do lượng huyết tương thoát ra quá nhiều, tràn vào cơ quan hô hấp gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Xuất huyết não: Do mất máu và hạ huyết áp đột ngột do hiện tượng thoát huyết tương.
  • Suy tim, suy thận: Bệnh nhân bị xuất huyết kéo dài khiến máu chảy liên tục. Tim không đủ máu để bơm đi khắp cơ thể, kết hợp với việc huyết tương bị thoát ra ngoài khiến màng tim bị tràn dịch ứ đọng. Bên cạnh đó, thận phải làm việc hết công suất để bài tiết lượng huyết tương dư thừa. Về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn đến suy thận cấp.
  • Biến chứng trên mắt: Bệnh nhân có thể bị mù đột ngột do xuất huyết võng mạc làm thị lực giảm nghiêm trọng. Tệ hơn, xuất huyết dịch kính mắt có thể làm cho bệnh nhân có nguy cơ gần như bị mù hoàn toàn.
  • Biến chứng trên phụ nữ có thai: Phụ nữ có thai khi bị sốt xuất huyết có thể có các biểu hiện như sốt cao, tim thai đập nhanh,… Đặc biệt, nếu sản phụ mắc sốt xuất huyết trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ bị sảy thai.
Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết

Trước những biến chứng nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết như trên, việc chẩn đoán sớm tình trạng bệnh để có hướng điều trị kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dấu hiệu và triệu chứng của sốt xuất huyết khá tương đồng với các bệnh truyền nhiễm do virus khác như COVID-19, sốt rét, sốt thương hàn,… gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán.

Bên cạnh đó, hệ miễn dịch càng yếu, nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết kèm theo bệnh lý khác ngày càng tăng. Ở giai đoạn sốt, triệu chứng rất khó phân biệt với các loại sốt siêu vi khác cũng như loại trừ khả năng nhiễm đồng thời nhiều bệnh. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và thông qua kết quả xét nghiệm sinh hóa như:

  • Số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi: Ghi nhận hiện tượng giảm bạch cầu ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue. Do đó, việc tăng bạch cầu, nhất là bạch cầu trung tính là cơ sở để loại trừ sốt xuất huyết Dengue.
  • Số lượng tiểu cầu: Đây là xét nghiệm quan trọng bắt buộc cần thực hiện ở nhóm bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Dengue. Tiểu cầu càng giảm (<100.000/mm3) cho thấy nguy cơ xuất huyết càng cao.
  • Hematocrit: Giá trị hematocrit tăng trên 20% so với trị số bình thường là dấu hiệu của tình trạng cô đặc máu – tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Trong trường hợp không biết được giá trị hematocrit bình thường của bệnh nhân, có thể xem hematocrit >45% là mốc chẩn đoán.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm khác để đánh giá mức độ của bệnh như: điện giải đồ, men gan, khí máu, chức năng đông máu, chụp X-quang phổi để phát hiện các biến chứng tràn dịch màng phổi.

Đối với chẩn đoán nguyên nhân, có thể phát hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh thông qua phương pháp phân lập virus, xác định kháng nguyên virus bằng phương pháp miễn dịch, hoặc kỹ thuật khuếch đại chuỗi DNA (PCR) nhằm xác định chính xác bộ gen virus.

Các chẩn đoán huyết thanh học thông qua việc xác định IgM/IgG bằng kỹ thuật MAC – ELISA trong hai mẫu máu của bệnh nhân cách nhau 14 ngày cũng giúp ích nhiều cho việc kết luận. Ngoài ra, mẫu máu thứ nhất lấy vào ngày thứ 7 có thể dùng để phân lập virus bằng cách cấy vào tế bào muỗi A_albopictus. Sau đó, tiến hành định danh vi khuẩn thông qua xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang sử dụng kháng thể đơn dòng.

Việc chẩn đoán sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn

Việc chẩn đoán sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn

Điều trị bệnh sốt xuất huyết không được chủ quan

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 2 tuần theo dõi và điều trị tích cực tại nhà. Nguyên tắc điều trị được áp dụng chủ yếu là điều trị triệu chứng, bù dịch, nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và theo dõi sát sao diễn biến bệnh, hạn chế tối đa các chuyển biến nặng có thể xảy ra.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết cần phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế. Khi bệnh nhân được xác định dương tính với sốt xuất huyết, tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có thể được phân cấp điều trị như sau:

  • Nhóm bệnh nhân có thể điều trị tại nhà: Bao gồm tất cả bệnh nhân không có nhu cầu truyền dịch tĩnh mạch, bệnh nhân độ I (không có chảy máu tự phát) có thể bù dịch bằng đường uống hoặc bệnh nhân độ II (có chảy máu tự phát) nhưng không có dấu hiệu chảy máu nghiêm trọng.
  • Nhóm bệnh nhân cần nhập viện theo dõi trong thời gian ngắn (12-24 giờ): Gồm tất cả bệnh nhân cần bù dịch bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch, bệnh nhân độ I và II không thể bù dịch bằng đường uống, bệnh nhân độ I và II có biểu hiện đau tức gan và gan sưng to. Tất cả bệnh nhân độ III (có huyết áp không ổn định, chân tay lạnh, tinh thần lú lẫn) đều được xếp vào nhóm này.
  • Nhóm bệnh nhân cần nhập viện theo dõi thời gian dài (>24 giờ): Gồm nhóm bệnh nhân không đáp ứng điều trị bù dịch khi nhập viện thời gian ngắn, bệnh nhân độ I – độ II có kèm bệnh lý khác dễ chuyển nặng như hen phế quản, đái tháo đường, COPD, dị ứng,… bệnh nhân độ II – độ III có biểu hiện chảy máu nghiêm trọng. Tất cả bệnh nhân độ IV (có dấu hiệu sốc, mất mạch ngoại biên, huyết áp 0 mmHg) đều được xếp vào nhóm này.

Một số thuốc có thể kê đơn để điều trị tại nhà như thuốc hạ sốt Paracetamol (Tylenol, Panadol). Cần tránh những thuốc giảm đau có nguy cơ cao gây biến chứng chảy máu như aspirin, ibuprofen, naproxen sodium,…

Không được tự ý dùng kháng sinh khi điều trị tại nhà. Bởi lẽ, nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue, không phải vi khuẩn. Việc dùng kháng sinh trong trường hợp này gần như vô nghĩa, hơn nữa, còn làm tăng nguy cơ gây kháng kháng sinh hiện nay.

Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất xơ và vitamin C. Người bệnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh ăn đồ khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Duy trì liệu trình điều trị và theo dõi tích cực trong vòng 12-14 ngày. Bệnh nhân nên quay lại cơ sở y tế tái khám để kiểm tra xem có xảy ra biến chứng bất thường hay không.

*Lưu ý: Không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà khi chưa có hướng dẫn từ chuyên gia!

Tùy vào mức độ bệnh mà bệnh nhân sẽ được phân cấp và chữa trị phù hợp

Tùy vào mức độ bệnh mà bệnh nhân sẽ được phân cấp và chữa trị phù hợp

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có thể phòng ngừa bằng nhiều cách. Hiện nay, có 2 phương pháp chính để phòng bệnh là tiêm vaccine và ngăn ngừa muỗi đốt. Cụ thể như sau:

Tiêm vaccine phòng bệnh

Vaccine Dengvaxia là vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, được cấp phép lưu hành vào tháng 06/2016. Hiện nay, đã có nhiều quốc gia sử dụng loại vaccine này, có thể kể đến như Thái Lan, Singapore, Philippines,…

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa cấp phép loại vaccine này do tính miễn dịch chưa cao và còn nhiều lo ngại về tính an toàn, hiệu quả khi triển khai tiêm chủng cho toàn dân.

Ngăn ngừa muỗi đốt

Tiêu diệt tận gốc muỗi vằn và phòng ngừa muỗi đốt có vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ bùng phát dịch một cách đáng kể.

Người dân có thể diệt bọ gậy, loăng quăng, muỗi thông qua việc làm sạch ao tù, nước đọng quanh nhà. Thay rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần. Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, phát quang bụi rậm, cây cối. Tiến hành phun thuốc diệt muỗi ít nhất 2 tháng/lần.

Duy trì thói quen sinh hoạt, ngủ trong màn kể cả ban ngày. Vào mùa mưa nên hạn chế ra ngoài vào chiều tối, không đến những nơi um tùm, nhiều cây cối, ẩm thấp bởi đây là nơi trú ngụ của muỗi. Đặc biệt, ba mẹ nên thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi cho trẻ để tránh bị muỗi đốt. Cho bé mặc quần áo dài tay, màu sắc tươi sáng nhằm tránh thu hút muỗi.

Phun thuốc diệt muỗi định kỳ trong cộng đồng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi

Phun thuốc diệt muỗi định kỳ trong cộng đồng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi

Ngoài ra, cần nâng cao ý thức của cộng đồng về nguy cơ, dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết cũng như các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm. Đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng định kỳ hàng tuần/hàng tháng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi, nhất là ở các vùng có lưu hành dịch sốt xuất huyết hiện nay.

Nhìn chung, bệnh sốt xuất huyết có thể chữa khỏi và hồi phục hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi người dân trong cộng đồng cần phải chủ động, tự giác phòng bệnh và loại trừ muỗi xung quanh gia đình để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm một cách hiệu quả nhất. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của MEDIPLUS!

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán và phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Lao cột sống bệnh lý nhiễm khuẩn xương khớp nguy hiểm

    Lao là bệnh lý phổ biến, không chỉ gây tổn thương cho phổi, vi khuẩn lao còn có thể gây ra lao cột sống –…

    13 Th6, 2023
    701

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Huyệt vân môn: Vị trí và những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe

    Huyệt Vân Môn là huyệt đạo nằm trong hệ thống 108 huyệt quan trọng của con người, có tác dụng điều trị các bệnh liên…

    05 Th9, 2023
    1.7K

    Tham vấn y khoa: TS. BSCKII Lê Quốc Việt

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Thai trứng bán phần là gì? Có nguy hiểm hay không?

    Thai trứng bán phần hay bệnh lý thai trứng nói chung là một bệnh lý rất hay gặp ở các mẹ bầu trong quá trình…

    16 Th8, 2023
    1.6K

    Tham vấn y khoa: ThS.BS Trương Quang Hải

    Chuyên mục: Sức khỏe, Sản khoa

    Hạ canxi máu (tụt canxi) là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

    Canxi đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, 99% canxi tập trung ở răng với xương, chỉ còn lại 1%canxi nằm trong máu.…

    02 Th6, 2023
    901

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám