Ngứa hậu môn – Cảnh giác với nấm và các bệnh lý

Cập nhật 09/05/2023

3.2K

ThS. BS Lê Văn Vinh

Tham vấn y khoa:ThS. BS Lê Văn Vinh

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Tiêu hóa

Ngứa hậu môn là một triệu chứng thường gặp và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mặc dù tình trạng này không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, nhưng lại gây ra sự khó chịu và không ít phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân gây ngứa hậu môn là gì? Làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Bị ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn là tình trạng vùng da phía trong hoặc xung quanh hậu môn bị kích ứng, gây triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. Hiện tượng này thường giới hạn ở khu vực hậu môn nhưng đôi khi có thể lây lan sang các cơ quan khác như cơ quan sinh dục. Điều này khiến người bệnh luôn trong trạng thái không thoải mái, tự ti trong giao tiếp và hoạt động hàng ngày gặp nhiều khó khăn.

Ngứa hậu môn gây ra sự khó chịu, tự ti

Ngứa hậu môn gây ra sự khó chịu, tự ti

Tùy vào từng nguyên nhân mà mức độ ngứa hậu môn sẽ khác nhau, thường sẽ có xu hướng tăng khi vùng da có tổn thương, bị ẩm ướt, cọ xát do quần áo, khi ngồi hay sau khi đi đại tiện. Một điều cần chú ý, mọi người thường có thói quen gãi tại khu vực ngứa làm cho vùng da hậu môn ngày càng tổn thương thêm, kích ứng và tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, khi gặp triệu chứng này, mọi người nên chăm sóc vùng da hậu môn thật cẩn thận, nếu tình trạng diễn biến nặng hơn cần đi khám và điều trị sớm.

Cảnh giác khi bị ngứa hậu môn

Mỗi chúng ta cần cảnh giác với tình trạng ngứa hậu môn, bởi đây là dấu hiệu chỉ điểm nhiều bệnh lý nguy hiểm tại hậu môn… Do đó, xác định chính xác căn nguyên gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp là rất quan trọng.

Ngứa hậu môn do thói quen

Các thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học là những nguyên nhân phổ biến gây ngứa hậu môn. Nếu không thay đổi những thói quen này, tình trạng ngứa hậu môn sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Thói quen vệ sinh sau khi đi đại tiện không sạch sẽ

Ngứa hậu môn do thói quen vệ sinh không sạch sẽ

Ngứa hậu môn do thói quen vệ sinh không sạch sẽ

Nhiều trường hợp ngứa hậu môn là do sau khi đi đại tiện vệ sinh không sạch sẽ, chất bẩn hoặc xà phòng còn sót lại trên hậu môn có thể gây ngứa và rát. Ngược lại, nếu vệ sinh “quá sạch” bằng cách lau quá mạnh và nhiều lần cũng có thể làm tổn thương da vùng hậu môn, gây ngứa. Nguyên nhân là do làn da hậu môn rất nhạy cảm, hàng rào bảo vệ dễ bị phá hủy dẫn đến kích ứng.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm làm sạch cũng rất quan trọng vì những loại xà phòng chứa nhiều hóa chất, giấy vệ sinh chứa thành phần chất tạo mùi cũng có thể trở thành lý do gây ngứa hậu môn.

Chế độ ăn uống

Cà phê, nước ngọt là những chất có khả năng làm lỏng cơ hậu môn khiến phân bị rò rỉ ra ngoài và gây ngứa. Ngoài ra, một số loại thức ăn, đồ uống khác cũng gây kích ứng tương tự gồm:

  • Trà, Socola.
  • Bia, rượu, đồ uống có cồn.
  • Trái cây chua, cà chua.
  • Thức ăn cay.
  • Các sản phẩm từ sữa.

Thói quen mặc quần áo chật

Nếu mặc quần hoặc quần lót quá chật thường sẽ gây bí vùng hậu môn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm, kích ứng da, gây ngứa. Không những thế, mặc quần chật có thể làm tăng sự cọ xát gây tổn thương vùng da hậu môn, làm tình trạng ngứa nặng thêm.

Ngứa hậu môn do bệnh lý

Ngứa hậu môn có thể là triệu chứng của một bệnh lý hệ tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Do đó, khi triệu chứng này kéo dài, không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân bệnh lý có thể mắc phải. Một số bệnh lý thường gặp gây ngứa hậu môn cần kể đến như:

Bệnh trĩ

Trĩ là bệnh có các búi tĩnh mạch giãn vùng trực tràng, hậu môn. Triệu chứng thường gặp là đại tiện ra máu tươi ở các mức độ khác nhau, máu chảy thành tia, nhỏ giọt hay chỉ dính phân, giấy vệ sinh. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sa búi trĩ khi đi đại tiện hoặc khi gắng sức, búi trĩ sa tự co lên hoặc phải dùng tay đẩy mới lên được. Khi ở mức độ nặng, trĩ sa thường xuyên kèm biểu hiện xuất tiết, gây viêm ngứa khó chịu vùng hậu môn.

Trĩ là một nguyên nhân gây ngứa hậu môn khá thường gặp

Trĩ là một nguyên nhân gây ngứa hậu môn khá thường gặp

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng có vết rách ở niêm mạc ống hậu môn, gây đau rát, ngứa hậu môn và chảy máu khi đi đại tiện. Triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn là đại tiện rất đau, cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ sau khi đại tiện, có những trường hợp đau cả ngày. Vì thế mà nhiều người bị nứt kẽ hậu môn thường sợ đau, không dám đi đại tiện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do táo bón, phải rặn nhiều và phân quá cứng, hay cũng có thể do tiêu chảy kéo dài gây viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng.

Rò hậu môn

Rò hậu môn là bệnh lý do nhiễm trùng các tuyến hậu môn, hình thành các ổ áp xe và vỡ ra ngoài da tạo thành những lỗ rò quanh hậu môn hay vỡ vào trong lòng ống hậu môn trực tràng. Ở giai đoạn áp xe, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội liên tục vùng hậu môn, gây mất ngủ, và đau không tăng lên khi đại tiện. Khi ổ áp xe vỡ, chảy mủ thì đỡ đau hơn nhưng việc chất mủ rò ra ngoài sẽ gây kích ứng da dẫn đến tình trạng ngứa và khó chịu vùng hậu môn.

Bệnh vảy nến

Đây là một bệnh viêm da mãn tính phổ biến thường có xuất hiện những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Tuy nhiên, tùy vị trí xuất hiện mà các tổn thương này có những đặc điểm khác nhau. Ở hậu môn, tổn thương hay gặp là vùng da ửng đỏ nhưng không có vảy, gây hiện tượng ngứa hậu môn dữ dội, kèm cảm giác đau rát khi đại tiện. Tình trạng này gây ra nhiều phiền toái và bất tiện cho người bệnh.

Nhiễm nấm candida

Nấm Candida thường có thể tồn tại trên các bề mặt da, trong đường tiêu hóa hoặc cơ quan sinh dục. Nấm Candida thường lành tính tuy nhiên khi gặp môi trường thuận lợi chúng sẽ phát triển nhanh chóng và gây nhiễm trùng tại nhiều vị trí trong đó bao gồm cả hậu môn. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị nấm Candida ở hậu môn như:

  • Vệ sinh chưa đảm bảo sạch sẽ, đúng cách. Môi trường ẩm ướt tại hậu môn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh nhanh chóng.
  • Hay mặc quần áo quá bó sát.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều.
  • Người có hệ miễn dịch kém, thường xuyên hút thuốc lá.
  • Người dùng thuốc kháng sinh hay corticoid điều trị dài ngày.
  • Người đang mắc các bệnh lý tiểu đường, béo phì, HIV/AIDS…
  • Phụ nữ đang mang thai.

Hậu môn bị nhiễm nấm Candida sẽ có triệu chứng ngứa ngáy dữ dội, kéo dài nhiều ngày, có thể kèm theo cảm giác nóng rát, chảy dịch. Thậm chí có khả năng lây lan sang các vị trí xung quanh nếu như không được điều trị kịp thời.

Nhiễm giun kim

Bệnh giun kim là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Giun kim xâm nhập vào đường tiêu hóa thông qua nguồn thực phẩm bẩn hoặc đồ dùng không đảm bảo vệ sinh. Giun kim có đặc điểm chỉ đẻ trứng vào ban đêm ở các nếp gấp của hậu môn gây hiện tượng ngứa quanh hậu môn… Ở trẻ em sẽ thường biểu hiện quấy khóc về đêm do ngứa hậu môn và xuất hiện ấu trùng giun kim trong phân khi đi đại tiện.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa với nguyên nhân có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc virus từ thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Khi bị tiêu chảy, tình trạng đi ngoài nhiều lần với phân lỏng không những gây mất nước mà còn làm cho da vùng hậu môn dễ bị tổn thương và kích ứng, gây nóng rát, ngứa hậu môn. Vì vậy, ngoài việc bù nước và điện giải đầy đủ, người bị tiêu chảy cần vệ sinh, chăm sóc cẩn thận vùng hậu môn và xung quanh hậu môn.

Ngứa hậu môn do bị tiêu chảy kéo dài

Ngứa hậu môn do bị tiêu chảy kéo dài

Xử lý dứt điểm tình trạng ngứa hậu môn

Tùy vào nguyên nhân, mức độ ngứa hậu môn mà chúng ta sẽ có những phương án điều trị thích hợp nhất. Trước hết, để làm hạn chế tình trạng ngứa hậu môn, chúng ta nên xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh… hàng ngày một cách hợp lý và lành mạnh. Cụ thể như sau:

  • Vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng, sạch sẽ, nhất là sau khi đi đại tiện bằng nước sạch, sử dụng giấy vệ sinh chứa thành phần tự nhiên, lành tính, không mùi. Tránh sử dụng xà phòng và chất khử mùi mạnh.
  • Sử dụng quần, đồ lót vừa vặn, có độ thấm hút tốt, thay thường xuyên… giúp vùng hậu môn luôn khô thoáng, tránh ẩm ướt, gây kích ứng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, các loại đồ uống chứa cồn không có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều chất xơ thông qua bữa ăn hàng ngày như trái cây, rau xanh,… để ngăn ngừa  táo bón.

Tuy nhiên, sau khi thay đổi cách chăm sóc và vệ sinh đúng cách mà tình trạng ngứa hậu môn không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phác đồ điều trị sao cho hợp lý. Bác sĩ thường kê một số thuốc bôi ngoài da có chứa các thành phần như:

  • Hydrocortisone: chống viêm hiệu quả với những trường hợp ngứa hậu môn do kích ứng
  • Thuốc kháng sinh, chống nấm (Gentamicin, Clotrimazol,…): Hiệu quả với những người bị ngứa hậu môn do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm Candida.
  • Lidocaine, Oxit kẽm: có tác dụng giảm ngứa, đau rát hậu môn.
  • Propylparaben, Methylparaben: giúp giảm ngứa, sưng đau vùng hậu môn do bệnh trĩ.

*Lưu ý: Không tự ý mua thuốc và điều trị khi chưa có sự chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa, tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe!

Ngứa hậu môn là triệu chứng không quá nguy hiểm nhưng người bệnh không được chủ quan. Việc xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử trí dứt điểm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh một cách hiệu quả.

*Bài viết tham khảo, không thay thế việc thăm khám và chẩn đoán y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    [Gợi ý] 14 cách chữa co thắt đại tràng tại nhà 

    Co thắt đại tràng, còn gọi là viêm đại tràng, gây đau quặn bụng từng cơn và các triệu chứng như sốt, buồn nôn, tiêu…

    13 Th9, 2024
    203

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đau dạ dày có ăn được củ cải không? 7 lợi ích và 4 lưu ý 

    Củ cải là một loại rau củ giàu dưỡng chất, cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng người bị đau dạ dày có…

    14 Th9, 2024
    286

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Viêm dạ dày ruột cấp nguyên nhân do đâu? Gợi ý 2 cách điều trị 

    Viêm dạ dày ruột cấp là tình trạng khá phổ biến hiện nay, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Những triệu chứng cụ…

    16 Th9, 2024
    148

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Polyp dạ dày có nguy hiểm không? 4 loại và 3 cách chữa

    Polyp trong dạ dày không gây ra triệu chứng nghiêm trọng, nhưng chúng có thể tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành ung thư. Vậy…

    24 Th9, 2024
    205

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám