Bệnh gút có nguy hiểm không? [Bác sĩ GIẢI ĐÁP]

Cập nhật 10/05/2023

1.1K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Bệnh gút (hay còn gọi là bệnh thống phong) là một dạng viêm khớp mạn tính phổ biến, biểu hiện điển hình với các đợt sưng đỏ, đau dữ dội các khớp. Nhiều người thắc mắc rằng bệnh gút có nguy hiểm không? Theo dõi ngay chia sẻ của chuyên gia MEDIPLUS qua bài viết dưới đây!

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Bệnh gút là bệnh khớp vi tinh thể do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric máu. Khi nồng độ acid uric vượt quá giới hạn tối đa (nam trên 7mg/dl, nữ trên 6mg/dl), sẽ hình thành các tinh thể urat và lắng đọng ở các mô.

Tỷ lệ mắc bệnh gút có xu hướng gia tăng trong những năm qua với tỷ lệ 1-4%, một số thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới và tăng dần theo độ tuổi.

Bệnh gút là bệnh viêm khớp do lắng đọng vi tinh thể urat

Bệnh gút là bệnh viêm khớp do lắng đọng vi tinh thể urat

Tùy vị trí tinh thể urat bị tích lũy ở các mô mà người bệnh có các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Người bệnh xuất hiện tình trạng viêm khớp đột ngột dữ dội, thường gặp ở chi dưới trong các đợt cấp và có thể tự khỏi sau 3-10 ngày.

Giữa các đợt cấp, người bệnh không xuất hiện triệu chứng dữ dội nhưng quá trình lắng đọng tinh thể urat vẫn diễn ra và nếu không được điều trị, các cơn gút cấp có thể lại xuất hiện.

Lâu dần bệnh gút trở thành mạn tính với những tổn thương và biến chứng ở các cơ quan như bệnh khớp mạn tính, bệnh thận… do sự tích lũy tinh thể urat ở các mô.

Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc điều trị gút cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như dị ứng, viêm loét dạ dày, bệnh lý tim mạch,…

Như vậy, bệnh gút có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào từng giai đoạn, mức độ bệnh cũng như việc tuân thủ điều trị bệnh. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể được kiểm soát tốt và tránh được các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Các biến chứng nguy hiểm do bệnh gút gây ra

Bệnh gout tuy phổ biến nhưng người bệnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tổn thương xương khớp

Sự lắng đọng các vi tinh thể urat cạnh khớp, trong mô sụn, màng hoạt dịch và mô xương gây khởi động quá trình viêm và tổn thương xương khớp không hồi phục. Tình trạng viêm khớp xuất hiện trong các đợt cấp khiến các khớp sưng đỏ, đau nhức dữ dội.

Nếu không điều trị triệt để, tình trạng này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến các khớp sưng, biến dạng kèm theo cứng khớp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động.

Ban đầu, tổn thương xương khớp trong bệnh gút thường gặp các khớp ở chi dưới như ngón chân cái, bàn ngón, cổ chân, gối. Sau đó, có thể lan sang các khớp ở chi trên như khớp khuỷu, cổ tay, các khớp ở bàn tay, tuy nhiên các vị trí này hiếm gặp và không gặp ở khớp vai, khớp háng, cột sống.

Đặc biệt, hạt tophi cũng là một nguyên nhân gây biến dạng và hạn chế vận động của các khớp. Nguồn gốc của hạt là sự tích lũy muối urat trong mô liên kết ở cạnh các khớp tổn thương, ở bàn chân, bàn tay, cổ tay, mỏm khuỷu. Các muối này kết tủa tăng dần, sau nhiều năm tạo thành khối nổi lên dưới da.

Trong các đợt gút cấp, các hạt tophi có nguy cơ vỡ gây ra tình trạng viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn, làm nặng lên tổn thương khớp, thậm chí có nguy cơ hoại tử khớp và tàn phế.

Các khớp sưng đỏ, đau dữ dội trong các đợt gút cấp

Các khớp sưng đỏ, đau dữ dội trong các đợt gút cấp

Tổn thương thận

Thận là cơ quan đào thải acid uric ra ngoài cơ thể, do đó dễ bị lắng đọng các tinh thể urat khi nồng độ acid uric cao. Bệnh gút gây ra 3 loại tổn thương thận:

  • Sỏi urat: các tinh thể urat lắng đọng tại thận hình thành các sỏi urat trong thận, sỏi có thể đi xuống niệu quản gây ra cơn đau quặn thặn hoặc đái máu, có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, thường gặp cả 2 bên.
  • Viêm thận kẽ: biến chứng này ít gặp, có thể độc lập, không kết hợp với sỏi thận. Người bệnh thường có biểu hiện đái máu, thường kèm theo tăng huyết áp, xét nghiệm có thể có protein trong nước tiểu.
  • Suy thận: Trước kia tỷ lệ người bệnh gút tử vong do bệnh thận khá cao nhưng ngày nay tỷ lệ này đã giảm đi nhiều: Tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm độc chì mạn tính và xơ vữa động mạch là những yếu tố quan trọng góp phần gây ra biến chứng này.
Lắng đọng các tinh thể urat gây ra những tổn thương ở thận

Lắng đọng các tinh thể urat gây ra những tổn thương ở thận

Ảnh hưởng đến tim mạch

Bệnh gút có thể gây ra các biến chứng tim mạch, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Các tinh thể urat có thể lắng đọng ở các tĩnh mạch, động mạch, các mạch máu tại tim, gây ra tình trạng tăng huyết áp hoặc viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, làm ảnh hưởng đến chức năng tim và có thể dẫn đến suy tim.

Thậm chí, tinh thể urat lắng đọng gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, hình thành các huyết khối, từ đó có thể dẫn đến tắc mạch gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và tử vong.

Bệnh gút có thể gây biến chứng nhồi máu cơ tim

Bệnh gút có thể gây biến chứng nhồi máu cơ tim

Tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não cũng là một biến cố tim mạch trong bệnh gút, xảy ra do tình trạng lắng đọng tinh thể urat làm tổn thương các mạch máu và hình thành huyết khối, dẫn đến biến chứng tắc mạch não, đặc biệt ở những người có bệnh lý tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh tăng huyết áp với tăng acid uric sẽ có nguy cơ tai biến mạch máu não gấp 3-5 lần so với người không tăng acid uric.

Tai biến mạch máu não cũng là một biến cố tim mạch trong bệnh gút

Tai biến mạch máu não cũng là một biến cố tim mạch trong bệnh gút

Các biến chứng khác

Trong điều trị bệnh gút, người bệnh được chỉ định sử dụng các thuốc với mục đích là điều trị triệu chứng trong các đợt gút cấp, kiểm soát nồng độ acid uric máu và dự phòng tái phát cơn gút cấp. Do đó, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn của các thuốc như:

  • Colchicin: thuốc có tác dụng giảm đau nhanh nhưng có thể gây ra tác dụng phụ là tiêu chảy, nôn, đau bụng.
  • Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAIDs): có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan,…
  • Corticoid: có tác dụng chống viêm mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ trên nhiều cơ quan nếu dùng kéo dài: tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương, trầm cảm,…
  • Allopurinol: là thuốc có tác dụng giảm acid uric máu, nhưng có nguy cơ dị ứng thuốc cao.

Do đó, khi sử dụng thuốc người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn.

Ngoài ra, các biến chứng của bệnh gút tại các cơ quan khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

>>> Xem thêm bài viết khác:

Bệnh gút sống được bao lâu?

Chắc hẳn đây là nỗi băn khoăn của nhiều người mắc bệnh gút, khiến người bệnh lo lắng, bất an. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tài liệu nghiên cứu nào đưa ra câu trả lời và chỉ ra thời gian cụ thể. Tiên lượng của bệnh gút phụ thuộc vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe, tuân thủ điều trị và đáp ứng điều trị của người bệnh.

Nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh gút thường do các biến chứng thận, tim mạch hoặc do tình trạng nặng lên của các bệnh lý nền. Mà các biến chứng này thường xảy ra do người bệnh không tuân thủ chế độ ăn thích hợp, điều trị không đúng hoặc không điều trị, dẫn đến không kiểm soát được nồng độ acid uric máu.

Tuy nhiên, người mắc bệnh gút hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng bệnh và kéo dài sự sống nếu được điều trị đúng, kịp thời cũng như thay đổi chế độ sinh hoạt. Người bệnh cần tái khám, kiểm tra định kỳ và trong các đợt gút cấp, kiểm soát nồng độ acid uric với các thuốc hạ acid uric máu, tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh gút, nhằm mục tiêu điều trị, dự phòng tái phát các cơn gút cấp và phòng tránh các biến chứng. Ngoài ra, điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý nền cũng là yếu tố tiên lượng quan trọng đối với người bệnh gút.

Bệnh gút có chữa dứt điểm được không?

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bệnh gút có thể chữa khỏi được hay không. Nguyên nhân thứ phát gặp ở người bệnh bị suy thận mạn, Leucemie, u lympho, bệnh vẩy nến hay người bệnh dùng một số thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư làm tăng acid uric máu và gây ra bệnh gút. Trong những trường hợp này, khi các bệnh lý trên được điều trị, kiểm soát tốt hay dừng dùng các thuốc làm tăng acid máu thì nồng độ acid máu sẽ dần trở về bình thường.

Với nguyên nhân nguyên phát (vô căn), bệnh thường có tính chất gia đình, khởi phát do ăn thức ăn có chứa nhiều purin và uống quá nhiều rượu làm tăng nồng độ acid uric. Trong trường hợp này, mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn những bệnh gút có thể được kiểm soát tốt, duy trì nồng độ acid uric trong giới hạn cho phép bằng các thuốc điều trị và áp dụng các biện pháp phòng tái phát cơn gút cấp cũng như phòng chuyển giai đoạn mạn tính, bào gồm:

  • Chế độ ăn giảm đạm, đặc biệt loại có chứa nhiều purin.
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh thức uống có cồn.
  • Thuốc hạ acid uric nếu cần.
  • Điều chỉnh cân nặng ở mức phù hợp.
  • Tránh các thuốc có thể làm tăng acid uric máu.
  • Tránh lao động quá mức và các yếu tố có thể khởi phát cơn gút như chấn thương, stress, nhiễm khuẩn.

Hy vọng thông qua bài viết này đã giải đáp cho bạn thắc mắc bệnh gút có nguy hiểm không? Mặc dù, bệnh gút có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nhưng nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thì bệnh gút có thể được kiểm soát tốt và tránh được các biến chứng. Do vậy, khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh gút, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và tư vấn điều trị cụ thể.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Nguyên nhân của tình trạng bị đau cổ tay nhưng không sưng

    Một vấn đề phổ biến mà chúng ta hay gặp phải đó là tình trạng bị đau cổ tay nhưng không sưng. Đôi khi, đau…

    25 Th1, 2024
    155

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đo loãng xương ở đâu tốt nhất? Top 5 địa chỉ đo loãng xương uy tín

    Đo loãng xương ở đâu là câu hỏi của nhiều người bị loãng xương hoặc có nguy cơ mắc bệnh. Bài viết này sẽ giới…

    23 Th2, 2024
    259

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Củ ráy chữa bệnh xương khớp – Cách dùng hiệu quả

    Củ ráy là loại củ rất quen thuộc với người dân miền quê Việt Nam. Mặc dù loại củ này ăn vào không gây hại…

    08 Th3, 2024
    81.8K

    Tham vấn y khoa: TS. BSCKII Lê Quốc Việt

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Hội chứng cổ vai cánh tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

    Hội chứng cổ vai cánh tay là một nhóm những triệu chứng lâm sàng xảy ra do các bệnh lý ở vùng cột sống cổ…

    03 Th1, 2024
    306

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám