Các bước chuẩn bị nội soi đại tràng mà bạn NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT

Cập nhật 24/06/2023

2.9K

TS. BS Phạm Bình Nguyên

Tham vấn y khoa:TS. BS Phạm Bình Nguyên

Tác giả:Nguyễn Thị Lan Anh

Chuyên mục:Nội soi tiêu hóa

Nắm rõ các bước chuẩn bị nội soi đại tràng và thực hiện tốt trước khi tiến hành nội soi sẽ giúp người bệnh an tâm hơn, đảm bảo cho quá trình nội soi diễn ra chính xác và thuận lợi. Hãy cùng Tổ hợp y tế MEDIPLUS tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

>>> Xem thêm:

1. Vì sao cần chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng ống nội soi mềm có gắn camera ở đầu ống, đi từ hậu môn đến hết đại tràng để đánh giá tình trạng bên trong đại tràng.

Phương pháp này giúp bác sĩ dễ dàng quan sát bên trong lòng đại tràng của bệnh nhân. Nhờ đó bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời các tổn thương đại tràng như viêm nhiễm, loét, chảy máu, polyp, khối u… đồng thời giúp tầm soát ung thư hiệu quả.

Tuy nhiên hiệu quả và độ chính xác của phương pháp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là quá trình chuẩn bị và làm sạch đại tràng trước khi tiến hành nội soi.

Làm sạch đại tràng (tình trạng người bệnh đã đi tiêu ra nước trong) giúp bác sĩ có thể quan sát kỹ toàn bộ đại tràng, từ đó chẩn đoán được chính xác các tổn thương.

Nếu bước chuẩn bị không được tốt, đại tràng không được làm sạch (phân vẫn còn trong đại tràng) dẫn tới:

  • Bác sĩ không quan sát được đại tràng hoặc không thể nội soi được.
  • Dễ bỏ sót các tổn thương, đặc biệt là các polyp nhỏ.
  • Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hơn.
  • Qúa trình nội soi kéo dài và khó khăn hơn, có thể cần làm sạch lại.
Làm sạch ruột trước khi nội soi là cần thiết để cải thiện chất lượng nội soi

Làm sạch ruột trước khi nội soi là cần thiết để cải thiện chất lượng nội soi

Mức độ làm sạch đại tràng được đánh giá theo thang điểm Boston

Thang điểm Boston (BBPS) sử dụng thang 10 điểm (0-9) là tổng điểm để đánh giá mức độ sạch ở 3 vị trí: Đại tràng phải- Đại tràng ngang- Đại tràng trái. Trong đó:

  • Điểm 0: Hoàn toàn không sạch, còn nhiều phân rắn, không thể quan sát được niêm mạc đại tràng.
  • Điểm 1: Còn bẩn, chỉ quan sát được một phần, phần khác khó quan sát vì vẫn còn phân và dịch đục bám vào niêm mạc.
  • Điểm 2: Khá sạch, chỉ còn lượng phân nhỏ hoặc lượng dịch trong đục bám vào nhưng vẫn cho phép quan sát niêm mạc tốt.
  • Điểm 3: Rất sạch, không còn các vệt phân bám dính niêm mạc, chỉ còn lại ít dịch trong; có thể quan sát niêm mạc dễ dàng.

Thang điểm Boston là thang điểm có giá trị và đáng tin cậy, đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để đánh giá mức độ làm sạch đại tràng. Việc đánh giá và ghi lại mức độ làm sạch đại tràng là rất cần thiết trong tờ kết quả nội soi.

Thang điểm Boston được sử dụng để đánh giá mức độ làm sạch đại tràng hiện nay

Thang điểm Boston được sử dụng để đánh giá mức độ làm sạch đại tràng hiện nay

2. Các bước chuẩn bị nội soi đại tràng

Để cuộc nội soi được tối ưu hiệu quả và thuận lợi nhất, bạn nên chuẩn bị tốt theo các bước sau:

Bước 1: Cân nhắc tình trạng sức khoẻ

Thông thường nội soi đại tràng được chỉ định bởi bác sĩ khi bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường liên quan tới đại tràng, số khác là tự chủ động để tầm soát ung thư. Thực tế, tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh và các bệnh lý kèm theo, bác sĩ sẽ cân nhắc bệnh nhân có nên nội soi hay không.

Nếu bệnh nhân nằm trong các đối tượng sau đây thì không nên nội soi đại tràng:

  • Người có bệnh lý về phổi hoặc tim mạch hoặc chức năng tim, phổi kém.
  • Người mới thực hiện phẫu thuật đường ruột, người vừa sử dụng phóng xạ vùng khoang chậu và vùng ổ bụng.
  • Nghi ngờ thủng ruột, tắc ruột,..
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu.
  • Nhiễm độc tiêu hóa như kiết, lỵ.

Ngoài ra, bệnh nhân nên chủ động xét nghiệm máu tổng quát hoặc xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ trước khi nội soi để phát hiện và tầm soát các nguy cơ bệnh lý. Đây là bước cần thiết trong mọi quá trình chuẩn bị nội soi đại tràng, đặc biệt để kiểm tra hiện tượng đông máu trong thủ thuật cắt polyp.

Xét nghiệm máu  kiểm tra tình trạng sức khỏe là cần thiết trước khi nội soi

Xét nghiệm máu  kiểm tra tình trạng sức khỏe là cần thiết trước khi nội soi

Bệnh nhân cần có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên môn để đánh giá xem tình trạng sức khỏe có nên nội soi không và thời điểm nào là phù hợp trước khi lựa chọn nội soi đại tràng.

Bước 2: Chú ý các loại thuốc đang sử dụng

Bệnh nhân cần thông báo lại với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng như thuốc huyết áp, tim mạch…( đặc biệt là thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu, các loại thuốc chứa sắt), kể cả các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin đang sử dụng.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân được dùng tiếp hay không để đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả cuộc nội soi.

  • Thông thường đối với thuốc cao huyết áp và một số thuốc khác vẫn có thể dùng trong quá trình nội soi.
  • Các thuốc chứa sắt được yêu cầu dừng trước 7 ngày trước khi nội soi.
Không uống các loại thuốc chứa sắt 7 ngày trước khi nội soi

Không uống các loại thuốc chứa sắt 7 ngày trước khi nội soi

Bước 3: Đặt lịch

Sau khi thăm khám, nhận tư vấn về thời gian nội soi phù hợp, người bệnh sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm máu và được bác sĩ kê thuốc để tự làm sạch đại tràng ở nhà hoặc ngay tại cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, người bệnh nên đặt lịch khám trước với bác sĩ để tiết kiệm thời gian.

Hiện nay, có 2 phương pháp nội soi đại tràng phổ biến bệnh nhân có thể lựa chọn:

  • Nội soi không tiền mê: Phương pháp này dùng ống nội soi mềm có gắn camera, đi từ hậu môn tới hết đại tràng cho phép quan sát bên trong lòng đại tràng. Bệnh nhân thường cảm thấy đau và căng tức khi nội soi.
  • Nội soi tiền mê (không đau): Phương pháp căn bản giống như nội soi thông thường nhưng có thêm thuốc tiền mê. Phương pháp này không gây đau đớn cho bệnh nhân, bệnh nhân cần người nhà đi cùng để đưa về sau khi nội soi.

Bước 4: Điều chỉnh chế độ ăn uống

Để thực hiện nội soi thì đại tràng của bạn phải trống, do đó việc thay đổi chế độ ăn là cần thiết.

Khoảng 3-4 ngày trước nội soi:

  • Nên ăn thức dễ tiêu hóa (cháo, súp…) ít chất xơ như thịt nạc, cơm, bánh mì… chỉ sử dụng các loại nước trắng như nước lọc, nước trái cây không màu… giúp đại tràng được sạch sẽ hơn.
  • Nên tránh ăn đồ ăn chiên rán, nhiều chất xơ như măng, dưa muối, kim chi, trái cây có hạt, rau sống…; các loại nước có màu… khiến bác sĩ sẽ khó quan sát khi nội soi hoặc nhầm sang bệnh lý khác.
  • Bạn cũng nên dừng sử dụng vitamin và các chất bổ sung khác trong thời gian này.

Một ngày trước khi nội soi đại tràng: Nên ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước để tránh mất nước trong quá trình nội soi.Tránh ăn thức ăn cứng, rắn khó tiêu như thịt, rau,… các loại nước có ga, nước màu vì sẽ khó quan sát tổn thương do đại tràng bị tối.

Trong 2 giờ trước khi nội soi: Đây là bước quan trọng. Bạn không ăn hay uống bất cứ thứ gì, kể cả nước lọc để tránh sặc nước lên phổi gây nguy hiểm.

Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh các thực phẩm giàu chất xơ

Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh các thực phẩm giàu chất xơ

Bước 5: Làm sạch đại tràng

Làm sạch đại tràng là yếu tố quyết định cho hiệu quả và độ chính xác của cuộc nội soi. Đại tràng được làm sạch giúp bác sĩ có thể quan sát kỹ được toàn bộ đại tràng, chẩn đoán chính xác, tránh bỏ sót các tổn thương như các polyp nhỏ.

Có 2 phương pháp để làm sạch đại tràng phổ biến hiện nay

Làm sạch đại tràng bằng thuốc nhuận tràng mạnh (thuốc xổ)

  • Thuốc nhuận tràng thúc đẩy đào thải phân và các chất cặn bã khiến đại tràng được tháo rỗng và sạch sẽ, mang lại kết quả chẩn đoán chính xác khi nội soi.
  • Sau khi uống thuốc thì phải tiến hành nội soi trong vòng 3 – 8 giờ nếu không dịch tiêu hóa và dịch mật sẽ làm bẩn đại tràng trở lại. Vì vậy, nên uống thuốc vào đêm trước ngày nội soi hoặc uống vào buổi sáng khi tiến hành nội soi trong ngày.
  • Đây là một phương pháp làm sạch được sử dụng rộng rãi vì rất an toàn, đa phần bệnh nhân dung nạp tốt và dễ chấp nhận.

Làm sạch bằng thụt rửa 

  • Thụt rửa là phương pháp làm sạch tự nhiên, nước được đưa vào đại tràng qua hậu môn để làm mềm lỏng những cục phân cứng, kích thích nhu động đại tràng. Đại tràng khi bị kích thích sẽ co bóp và đẩy phân ra ngoài.
  • Thụt rửa đại tràng nên thực hiện 3 lần trước khi nội soi vào các buổi chiều hôm trước và buổi sáng hôm nội soi.
  • Phương pháp này tương đối bất tiện vì phải thực hiện tại bệnh viện. Được chỉ định khi bệnh nhân không dùng được các loại thuốc nhuận tràng ở trên nhưng cần thiết phải nội soi như: bệnh nhân bị tai biến mạch não, xuất huyết tiêu hóa dưới cần cấp cứu nội soi…
  • Ngoài ra thụt rửa có thể gây đau, bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn nhiều ngày trước đó khiến cơ thể bị kiệt sức. Vì vậy hiện nay rất ít được sử dụng.

Mỗi cơ sở y tế có phương pháp làm sạch đại tràng khác nhau: Làm sạch bằng thuốc xổ hay thụt nước kết hợp với thụt thuốc qua hậu môn, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân không nên thực hiện tự ý mua thuốc để làm sạch, cần có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ để chọn phương pháp phù hợp.

Làm sạch đại tràng là bước quan trọng mang hiệu quả tối ưu cho cuộc nội soi

Làm sạch đại tràng là bước quan trọng mang hiệu quả tối ưu cho cuộc nội soi

Bệnh nhân sau khi làm sạch đại tràng cần chú ý:

  • Uống thuốc nhuận tràng khiến bệnh đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày dẫn tới cơ thể cảm thấy mệt mỏi và đói (điều này là hoàn toàn bình thường và không có gì đáng ngại).
  • Ngoài ra cũng cần lưu ý, kể từ khi dùng thuốc nhuận tràng cho tới khi nội soi cần nhịn ăn hoàn toàn để đại tràng được trống, có thể uống một lượng nhỏ nước.

Làm sạch đại tràng cho tới khi không còn phân hay chất nhầy, bệnh nhân đã đi tiêu ra nước trong thì có thể tiến hành nội soi.

3. Những tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình chuẩn bị nội soi đại tràng

Trong quá trình chuẩn bị nội soi đại tràng, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, đây chỉ là những tác dụng phụ nhỏ không gây nguy hiểm tới sức khỏe.

Chế độ ăn, thời gian sinh hoạt thay đổi: Trước khi chuẩn bị nội soi bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu trước đó. Điều này khiến cơ thể bị khó chịu vì phải thay đổi thói quen và chế độ ăn.

Khi uống thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột, người bệnh sẽ đi tiêu phân lỏng nhiều hơn, cơ thể sẽ có cảm giác mệt, đói. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: nôn, buồn nôn, đầy hơi, chuột rút, chóng mặt… Các biểu hiện này là hoàn toàn bình thường, vì vậy bệnh nhân không nên quá lo lắng.

Nếu các biểu hiện này nghiêm trọng hơn thì cần liên hệ bác sĩ ngay để được điều trị.

Uống thuốc nhuận tràng làm sạch ruột khiến bệnh nhân đi tiêu phân lỏng nhiều hơn

Uống thuốc nhuận tràng làm sạch ruột khiến bệnh nhân đi tiêu phân lỏng nhiều hơn

Như vậy, để quá trình nội soi đại tràng được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả nhất, bạn nên tìm hiểu kỹ và thực hiện theo các bước chuẩn bị ở trên, đặc biệt là quá trình làm sạch đại tràng ở nhà. Nên tuân theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân trước khi tiến hành nội soi.

Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ số Hotline 19003366 để được hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng.

*Bạn đọc lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐĂNG KÝ NỘI SOI

    Đặt lịch nội soi tiêu hóa với Tiến sĩ Bác sĩ BV Bạch Mai tại MEDIPLUS



    Bài viết liên quan

    Nội soi tiêu hóa: Quy trình, kỹ thuật, bảng giá mới nhất 2023

    Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán các bệnh liên quan đến tiêu hóa hiện đại nhất. Chính vì vậy, các vấn đề…

    28 Th8, 2023
    3.2K

    Tham vấn y khoa: TS. BS Phạm Bình Nguyên

    Chuyên mục: Nội soi tiêu hóa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám