Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Cập nhật 17/08/2023

1.1K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Phụ khoa

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Hiện nay, số lượng phụ nữ mắc chứng bệnh này ngày càng gia tăng và đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Mỗi ngày trôi qua, Việt Nam ghi nhận khoảng 9 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, qua thống kê có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 2.000 ca tử vong vì căn bệnh này.

Có thể nói, ung thư cổ tử cung (Cervical Cancer) là một bệnh lý ác tính của tế bào gai hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, hình thành khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung. Các tế bào này liên tục nhân lên một cách vô kiểm soát sau đó xâm lấn các khu vực xung quanh, thậm chí có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

>>> Xem thêm:

Cần chú ý về vấn đề quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HPV

Cần chú ý về vấn đề quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HPV

Các đối tượng dễ mắc ung thư cổ tử cung

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, tỷ lệ bị mắc bệnh sẽ cao hơn ở các nhóm đối tượng dưới đây:

  • Người quan hệ tình dục quá sớm, nhất là tuổi vị thành niên: Khi tuổi còn quá trẻ, bạn nữ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh nếu quan hệ tình dục. Chính vì thế, bạn chỉ nên bước vào trạng thái quan hệ khi đã chuẩn bị sẵn sàng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
  • Những người mang thai sớm hoặc mang thai quá nhiều lần: Khi còn trẻ cơ quan sinh dục lẫn chức năng sinh sản đều chưa hoàn thiện, do đó nếu mang thai quá sớm (dưới 17 tuổi) sẽ gây sức ép lên cổ tử cung, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng những ai mang thai quá nhiều lần ( lớn hơn 4) sẽ dễ mắc bệnh hơn so với những phụ nữ mang thai từ 1 đến 2 lần.
  • Người hút thuốc quá nhiều: Vì trong thuốc lá có chứa chất nicotine, đây là một chất làm suy yếu dần hệ miễn dịch, gây mất cân bằng ở các gen và là tác nhân gây ra ung thư.
  • Người bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục: Các bệnh như chlamydia, giang mai, HIV/AIDS khi lây nhiễm qua đường tình dục sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Người có vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch: Ở giai đoạn đầu khi mắc HPV, vì lượng virus khá ít và còn yếu nên sẽ tự động bị đào thải nhờ hoạt động của hệ miễn dịch. Do đó, nếu hệ miễn dịch yếu đi, lượng HPV trong cơ thể ngày càng cao, làm cho nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng lớn.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung nhận biết sớm

Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng mắc bệnh? Nếu xuất hiện một trong những triệu chứng dưới đây, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa.
  • Dịch âm đạo bất thường, tiết nhiều dịch hơn, thậm chí có mùi hôi tanh và màu sắc khác.
  • Đau rát khi có quan hệ.
  • Đau vùng chậu.
  • Khó chịu khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, khó kiểm soát.
  • Kinh nguyệt nhiều và kéo dài hơn so với bình thường.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau chân.
Ra nhiều khí hư bất thường, có màu, mùi là dấu hiệu cảnh báo

Ra nhiều khí hư bất thường, có màu, mùi là dấu hiệu cảnh báo

Gặp vấn đề khi đi tiểu tiện cảnh báo sớm ung thử cổ tử cung

Gặp vấn đề khi đi tiểu tiện cảnh báo sớm ung thử cổ tử cung

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Theo thông tin từ ThS. BSCKI Vũ Thị Thanh Vân, chuyên gia sản phụ khoa MEDIPLUS cho biết, tác nhân chủ yếu gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là Virus Human Papillomavirus (gọi tắt là HPV), tỷ lệ gần 99% bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung nhiễm HPV.

Virus HPV có hơn 100 týp, khoảng 15 týp có nguy cơ cao gây u ác tính ở cổ tử cung. Đặc biệt, virus HPV týp 16 và týp 18 chiếm hơn 70% nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, dạng virus này có thể lây từ người này qua người khác khi có tiếp xúc trực tiếp da với da, hoặc qua quan hệ tình dục qua cả âm đạo hay hậu môn, kể cả quan hệ tình dục thông qua miệng và tay. Chỉ có một tỷ lệ rất ít người mắc bệnh khi chưa quan hệ tình dục.

Virus HPV là tác nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung

Virus HPV là tác nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung

Thông thường người bệnh nhiễm virus HPV sẽ không có các triệu chứng rõ ràng. Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể tự khỏi trong vài tháng do cơ thể tự kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh nhiễm týp HPV 16 hay 18, chúng có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người, gây biến đổi gen ở cổ tử cung, thay đổi mô và dần dần tạo thành ung thư.

>>> Bạn cần biết: Tiêm phòng HPV ung thư cổ tử cung: Những ai NÊN và KHÔNG NÊN?

Các dạng ung thư cổ tử cung và giai đoạn phát triển

Ung thư cổ tử cung được phát hiện theo nhiều dạng khác nhau, cụ thể như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gai (Squamous cell carcinoma): Là dạng ung thư bắt nguồn từ những tế bào mỏng, phẳng ở phần bên ngoài của cổ tử cung. Theo các thống kê, đây là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 80 đến 85% tổng số các trường hợp, chủ yếu do nhiễm virus HPV.
  • Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): Là dạng ung thư xảy ra ở các tế bào tuyến dòng tại phần trên của cổ tử cung, chiếm tỷ lệ từ 10 đến 20% trên tổng số  trường hợp mắc bệnh.
  • Các dạng ung thư cổ tử cung khác có thể kể đến như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tuyến – tế bào gai, ung thư hắc tố, ung thư mô liên kết – tuyến ung thư lympho,… thường không liên quan đến virus HPV.

Theo kết quả của những nghiên cứu mới nhất, ung thư cổ tử cung sẽ tiến triển lần lượt theo 5 giai đoạn:

Giai đoạn 0 (hay còn gọi là tiền ung thư)

Vì đây là giai đoạn đầu tiên, do đó bệnh nhân sẽ không có triệu chứng rõ rệt. Dấu hiệu thường thấy của tiền ung thư cổ tử cung là những tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện ở lớp lót của bề mặt cổ tử cung, chúng chưa kịp ăn sâu vào mô chính đồng thời cũng chưa lan ra những bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư giai đoạn I

Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ mới bắt đầu xâm lấn mô chính của cổ tử cung, ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định cắt một phần hay toàn bộ tử cung, hoặc xạ trị. Nếu cắt bỏ quá nhiều mô, người bệnh có thể mất cơ hội mang thai do các mô sẹo có thể gây hẹp cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau.

Giai đoạn II

Ung thư đã phát triển vượt ra ngoài cổ tử cung lẫn tử cung, nhưng vẫn chưa lan đến các thành khung chậu hay phần dưới của âm đạo. Chúng cũng chưa lan đến những hạch bạch huyết lân cận.

Giai đoạn III

Lúc này, ung thư đã lan sang phần dưới của âm đạo hay thành của khung chậu. Ung thư có thể làm tắc niệu quản (là ống đảm nhiệm chức năng dẫn nước tiểu từ thận sang đến bàng quang). Nó có thể hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

Giai đoạn IV

Khối u đã bắt đầu lan ra ngoài vùng chậu và xâm lấn các bộ phận lân cận như bàng quang và trực tràng, hoặc sẽ di căn vào phổi, xương… Lúc này, phương pháp điều trị chủ yếu là áp dụng các biện pháp giúp kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng cho người bệnh.

Biến chứng nguy hiểm do ung thư cổ tử cung gây ra

Bệnh ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm thì bệnh có thể tự khỏi hoàn toàn Tuy nhiên, nếu bị phát hiện quá trễ và chuyển sang giai đoạn nặng hơn thì sẽ gây các biến chứng khó lường đối với người bệnh. Các biến chứng điển hình nhất có thể gặp phải khi bị ung thư cổ tử cung đã được các bác sĩ chỉ ra như sau:

Biến chứng vô sinh

Cổ tử cung có vai trò sản xuất dịch nhầy tạo điều kiện cho tinh trùng dễ dàng di chuyển vào bên trong gặp trứng. Chính vì thế, khi xuất hiện các khối u trong cổ tử cung, quá trình tinh trùng đến gặp trứng bị cản trở, tăng nguy cơ vô sinh cho nữ giới…

Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể bị cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn tử cung để duy trì sự sống. Tuy nhiên, khi tử cung bị ảnh hưởng đồng nghĩa với việc thiên chức làm mẹ cũng sẽ bị tác động.

Suy thận

Trong một số trường hợp, các khối u ở cổ tử cung sẽ chèn vào niệu quản gây tình trạng tích tụ nước tiểu trong thận. Đây chính là nguyên nhân khiến thận ngày càng trở nên suy yếu. Có thể xuất hiện hiện tượng chảy máu.

Khi các khối u đã xâm lấn sang các bộ phận lân cận như: âm đạo, bàng quang hoặc di căn sang ruột có thể gây hiện tượng chảy máu. Một số trường hợp xuất hiện tình trạng đi tiểu ra máu.

Nếu những tổn thương ở cổ tử cung không được sàng lọc và điều trị kịp thời thì trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ tăng thêm 25% so với hiện tại. Chính vì vậy, việc sàng lọc, phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chị em phụ nữ.

Chẩn đoán ung thư cô tử cung sớm

Hiện nay, với trình độ phát triển vượt bậc của y học đã có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung chính xác: Xét nghiệm PAP, soi cổ tử cung, sinh thiết, siêu âm, chụp CT, các xét nghiệm cận lâm sàng khác…. Để chẩn đoán một người có mắc bệnh hay không, các bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng dưới đây:

Triệu chứng cơ năng

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có dấu hiệu đặc biệt hoặc chỉ thấy vết loét rất nông khi bác sĩ thực hiện kỹ thuật soi cổ tử cung. Người bệnh có thể xuất hiện khí hư có hoặc không lẫn máu ở âm đạo, dịch rất hôi nếu có tổn thương do hoại tử nhiều.

Tại giai đoạn phát triển hay giai đoạn muộn, người bệnh sẽ có triệu chứng đau tiểu khung hay có những bất thường liên quan đến hệ tiết niệu và trực tràng. Chỉ cần khám lâm sàng đã có thể bước đầu chẩn đoán được bệnh lý này.

Bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau ở giai đoạn muộn

Bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau ở giai đoạn muộn

Triệu chứng thực thể

  • Giai đoạn đầu: Ung thư cổ tử cung thường không có dấu hiệu đặc biệt.
  • Giai đoạn phát triển: Thông qua khám mỏ vịt, bác sĩ sẽ thấy các khối u với những hình thái, độ lớn khác nhau tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh. Các hình thái có thể tồn tại ở dạng sùi, loét hoặc dạng ống.

Sau khi thăm khám lâm sàng nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm tế bào có giá trị chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cổ tử cung bình thường trên lâm sàng nhưng lại bị tổn thương trên vi thể hay ung thư nội ống cổ tử cung.

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung được điều trị theo nhiều cách khác nhau, dựa trên mức độ tiến triển của bệnh theo từng giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn đầu, các tế bào chưa ăn sâu vào mô chính và lan ra các bộ phận khác, do đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Để điều trị bệnh ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định một trong các phương pháp điều trị tại chỗ như: cắt một phần của cổ tử cung theo hình nón hoặc laser, cũng có thể phẫu thuật bằng vòng cắt đốt. Đây là giai đoạn tốt nhất để tiến hành điều trị ung thư cho nên các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện tầm soát ung thử cổ tử cung định kỳ để phát hiện mầm bệnh sớm nhất.

Giai đoạn I

Bệnh nhân nếu mong muốn bảo đảm khả năng sinh sản thông thường sẽ được chỉ định làm phẫu thuật khoét chóp để tiến hành loại bỏ khối u ung thư, sau đó điều trị bằng xạ trị để tiêu diệt tế bào còn sót. Nếu không, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung và tử cung để loại bỏ khối u cũng như các tế bào ung thư đang tiến triển.

Giai đoạn II-III

Ở giai đoạn này, thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu kết hợp phương pháp xạ trị và hóa trị. Trong trường hợp khối u chưa lan đến vùng chậu thì để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên được phẫu thuật để loại bỏ cổ tử cung và nạo vét hạch.

Nếu tế bào ung thư đã xâm lấn nghiêm trọng đến các vùng lân cận, bệnh nhân cần được áp dụng kết hợp phác đồ hóa – xạ trị cả trong lẫn ngoài cơ thể. Người bệnh cần chú ý rằng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Bệnh nhân ung thư sẽ được bác sĩ chỉ định hóa-xạ trị kết hợp

Bệnh nhân ung thư sẽ được bác sĩ chỉ định hóa-xạ trị kết hợp

Giai đoạn IV

Ở giai đoạn này tình trạng bệnh đang chuyển biến rất xấu. Do đó, việc phẫu thuật cắt bỏ lẫn phác đồ hóa xạ trị kết hợp cũng chỉ có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, không thể khỏi hoàn toàn do các tế bào ung thư đã di căn. Một điểm sáng ở giai đoạn này chính là liệu pháp trúng đích hay liệu pháp miễn dịch bởi vì có thể giảm bớt đau đớn cho người bệnh.

Để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị, người bệnh cần được khám lâm sàng để tầm soát bệnh sớm nhất, kịp thời phối hợp với bác sĩ để làm giảm sự tiến triển của bệnh.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung từ sớm

Theo các chuyên gia sản phụ khoa MEDIPLUS, người bệnh nếu được phát hiện kịp thời vẫn có khả năng chữa khỏi bệnh. Do đó, để phát hiện sớm ung thư, chị em phụ nữ nên tầm soát ung thư định kỳ để nắm bắt cơ hội chữa trị khi không may mắc bệnh. Càng về những giai đoạn sau, ung thư chuyển biến ngày càng nặng thì việc chữa trị sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Virus HPV chính là tác nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung. Do đó, tiêm vắc xin phòng HPV là cách phòng ngừa hiệu quả và tối ưu nhất. Ngoài ra, chị em cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ nhất là trong và sau kỳ kinh nguyệt kết hợp chế độ ăn uống luyện tập khoa học để giảm thiểu cơ hội gây bệnh của virus HPV.

Nếu có quan hệ tình dục, cần đảm bảo bạn tình của mình không bị mắc virus HPV cũng như cần chung thủy với một người để tránh sự cố đáng tiếc.

Người bệnh ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện kịp thời thì vẫn có thể chữa khỏi bệnh. Do đó, để phát hiện sớm ung thư, chị em phụ nữ nên được đưa đến các cơ sở y tế để được tầm soát ung thư sớm nhất, nắm bắt cơ hội chữa trị khi không may mắc bệnh. Càng về những giai đoạn sau, ung thư chuyển biến ngày càng nặng thì việc chữa trị sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Tầm soát ung thư cổ tử cung phát hiện sớm bệnh lý

Theo số liệu được thống kê bởi WHO, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 ca mắc mới, gần 250.000 ca tử vong, và dự tính đến 2030 số ca tử vong sẽ tăng hơn 400.000 người. Do đó, cách tối ưu nhất để làm giảm những con số đang ngày một gia tăng là tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm. Hiện nay, có 3 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được ứng dụng nhiều với độ chính xác rất cao, bao gồm:

Xét nghiệm PAP smear

Xét nghiệm Pap Smear (gọi tắt là Pap) là xét nghiệm tế bào học giúp xác định các tế bào bất thường ở cổ tử cung do virus HPV gây ra. Phương pháp này giúp phân tích tế bào của cổ tử cung, phát hiện sớm ung thư. Quá trình này sẽ chỉ kéo dài khoảng một vài phút và đặc biệt là không gây đau.

Xét nghiệm Thinprep

Đây là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, có nhiều ưu điểm hơn xét nghiệm Pap Smear. Các tế bào ở cổ tử cung sau khi thu thập được sẽ được rửa trong một chất lỏng định hình đựng trong lọ Thinprep, sau đó làm tiêu bản hoàn toàn tự động bằng máy Thinprep.

Xét nghiệm HPV

Đây là phương pháp giúp xác định trong cơ thể người bệnh có tồn tại virus HPV hay không. Phương pháp này không đưa ra kết luận hoàn toàn chính xác rằng một người có mắc hay không mắc ung thư cổ tử cung, nhưng giúp bác sĩ có những hướng điều trị kịp thời nếu tồn tại HPV.

Xét nghiệm HPV là giúp tầm soát ung thư

Xét nghiệm HPV là giúp tầm soát ung thư

Hy vọng thông qua bài viết này, mỗi chị em sẽ có nhận thức đúng đắn về ung thư cổ tử cung. Từ đó có hướng phòng ngừa và điều trị hợp lý để bệnh ngày càng thuyên giảm. Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào về tình trạng bệnh lý, sức khỏe phụ khoa… khách hàng vui lòng liên hệ đến Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ chuyên gia Sản phụ khoa nhanh nhất.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế phác đồ điều trị!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Nữ xuất tinh có bình thường không? Cơ chế xuất tinh ở phụ nữ

    Nữ xuất tinh luôn là một chủ đề gây tò mò và tranh cãi trong lĩnh vực tình dục và sức khỏe. Mọi người thường cho…

    11 Th8, 2023
    5.3K

    Chuyên mục: Phụ khoa

    U vú lành tính có biến chứng ung thư và có nguy hiểm không?

    U vú lành tính là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ. Việc nhận biết…

    07 Th8, 2023
    523

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Chu Việt Anh

    Chuyên mục: Phụ khoa

    Cách đặt viên phụ khoa tại nhà đúng cách an toàn hiệu quả

    Cách đặt viên phụ khoa như thế nào mới đúng là thắc mắc chung của nhiều chị em phụ nữ. Hiện nay nhiều phụ nữ…

    18 Th8, 2023
    1.8K

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Chu Việt Anh

    Chuyên mục: Phụ khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám