Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) – Cách chữa dân gian tại nhà

Cập nhật 18/05/2023

1.8K

TS. BS Phạm Bình Nguyên

Tham vấn y khoa:TS. BS Phạm Bình Nguyên

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Tiêu hóa

Theo thống kê, hiện nay nước ta có đến 7 triệu người được xác định mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Đây là con số đáng báo động thức tỉnh mọi người phải quan tâm hơn đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Việc nắm rõ những dấu hiệu ban đầu cũng như nguyên nhân  gây trào ngược là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý đường tiêu hóa rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bình thường, thức ăn sau khi nuốt xuống thực quản thì các cơ thực quản sẽ mở ra để thức ăn xuống dạ dày. Khi thức ăn đã xuống hết dạ dày thì cơ vòng thực quản sẽ đóng lại để tránh hiện tượng thức ăn trào ngược lại thực quản khi dạ dày co bóp. Tuy nhiên khi hàm lượng axit trong dạ dày tiết ra quá nhiều hoặc lượng thức ăn đi xuống dạ dày quá lớn sẽ gây tăng áp lực làm giãn cơ vòng thực quản. Lúc này thức ăn và axit sẽ đổ ngược trở lại thực quản gây triệu chứng khó chịu cho cơ thể.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn y khoa Tiến sĩ Bác sĩ Phạm Bình Nguyên – Bác sĩ khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai, Bác sĩ nội soi tiêu hóa MEDIPLUS cho biết, Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây trào ngược dạ dày bao gồm:

Nguyên nhân tại thực quản

Suy thắt cơ vòng thực quản: Thông thường sau khi thức ăn từ thực quản xuống dạ dày cơ thắt thực quản sẽ đóng lại để ngăn thức ăn, dịch vị trào ngược trở lại. Tuy nhiên cơ vòng thực quản dễ bị giãn ra, suy yếu khi nhu động ruột bị rối loạn, thói quen ăn uống không lành mạnh, giảm tiết nước bọt,… Lúc này thức ăn và dịch dạ dày sẽ trào lên thực quản.

Thoát vị hoành: Cơ hoành là khối cơ phân chia ranh giới giữa khoang bụng và khoang ngực. Cơ hoành co lại sẽ ngăn chặn cơ vòng thực quản giãn ra, giữ cho thức ăn ở yên bên trong dạ dày. Thoát vị hoành khiến một phần dạ dày bị đẩy lên trên, khi đó cơ vòng thực quản sẽ giãn ra, gây hiện tượng trào ngược dạ dày.

Nguyên nhân tại dạ dày

Thức ăn ứ đọng trong dạ dày: Viêm loét dạ dày, hẹp môn vị, ung thư là những nguyên nhân khiến cho một phần thức ăn bị kẹt lại bên trong dạ dày, không xuống được ruột gây tăng áp lực, hẹp dạ dày.

Tăng áp lực tại ổ bụng khi gắng sức, hắt hơi, ho cũng là những yếu tố nguy cơ gây  trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài ra các kết quả thăm khám và chẩn đoán từ các bác sĩ còn chỉ ra các nguyên nhân khác có khả năng gây trào ngược:

  • Béo phì, thừa cân tạo áp lực lên hệ thống tiêu hóa, dạ dày bị đẩy lên, cơ co thắt thực quản giãn ra làm dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Cơ vòng thực quản yếu bẩm sinh , thoát vị hoành, sa dạ dày khiến trẻ nhỏ bị trào ngược từ rất sớm với triệu chứng thường gặp là nôn trớ.
  • Stress, căng thẳng khiến cơ thể tăng tiết cortisol – hormone có tác dụng kích thích sản xuất axit dạ dày, tăng trương lực co bóp đẩy thức ăn và dịch vị trào lên thực quản.
  • Ăn muộn, ăn quá no, ăn nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ khiến dạ dày phải co bóp quá mức, cơ thắt thực quản bị suy yếu, giãn ra, từ đó dịch vị dễ dàng bị đẩy lên thực quản khi dạ dày co bóp.

Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Tiến sĩ Bình Nguyên cho biết thêm, người bệnh có thể tự nhận biết sớm bệnh lý trào ngược thông qua các triệu chứng sau:

  • Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: Ợ hơi xuất hiện khi đói, ợ nóng gây cảm giác nóng rát vùng ngực cổ hay ợ chua sau khi đánh răng buổi sáng là những triệu chứng đầu tiên cảnh báo trào ngược dạ dày thực quản.
  • Buồn nôn, nôn: Thường gặp sau khi ăn no hoặc nằm ngay sau mỗi bữa ăn khiến thức ăn trào ngược khỏi dạ dày qua cơ vòng thực quản.
  • Đau tức ngực: Ngực có cảm giác đau thắt như bị vật nặng đè lên, cảm giác đau lan sang cả sau lưng và hai bên cánh tay. Cảm giác này xuất hiện là do lượng axit tăng lên trong bệnh lý trào ngược gây kích thích các sợi thần kinh tại niêm mạc thực quản, tạo thành các cơn đau tức ngực.
  • Khó nuốt: Khi tần suất trào ngược diễn ra thường xuyên sẽ khiến cho cổ họng bị viêm trở nên sưng đỏ. Điều này khiến cho người bệnh có cảm giác khó nuốt như có vật gì vướng ở cổ.
  • Khản tiếng, ho: Axit trào ngược lên từ dạ dày lên thực quản kéo dài sẽ khiến thanh quản dần trở nên viêm, sưng gây khản giọng, mất tiếng, ho.
  • Miệng tăng tiết nước bọt: Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi xuất hiện ợ chua thường xuyên. Việc tiết nước bọt giúp trung hòa axit trào ngược từ dạ dày.
  • Miệng đắng: Nếu dịch vị trào ngược từ dạ dày thực quản có kèm theo dịch mật thì người bệnh sẽ cảm nhận được vị đắng trong miệng. Dịch mật xuất hiện bên trong dạ dày là do tình trạng rối loạn dây thần kinh dạ dày kích thích mở van môn vị khiến dịch mật rò vào dạ dày.
Axit trào ngược lên thực quản gây cảm giác nóng rát, tức ngực

Axit trào ngược lên thực quản gây cảm giác nóng rát, tức ngực

Biến chứng do trào ngược dạ dày gây ra

Hỏi về mức độ nguy hiểm cũng như ảnh hưởng do trào ngược dạ dày thực quản, Bác sĩ Nguyên đánh giá đây là một dạng bệnh khá phổ biến, khi không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe như:

  • Viêm thực quản: Dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây tổn thương các tế bào, mô dẫn đến viêm, loét, chảy máu thực quản. Viêm thực quản gây cảm giác khó chịu, khó nuốt nếu không được điều trị, khắc phục sớm.
  • Hẹp thực quản: Thực quản bị viêm, loét do axit tăng cao khi lành lại có thể tạo thành các mô sẹo, làm hẹp đường đi của thức ăn xuống dạ dày khiến người bệnh có cảm giác khó nuốt, đau tức ngực khi ăn.
  • Barrett thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài sẽ kích thích niêm mạc lòng thực quản gây tổn thương lớp niêm mạc. Những tổn thương dưới lớp mô lát thực quản do axit gây ra nếu không được phát hiện và khắc phục sớm sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản: Đây được xem là hậu quả nghiêm trọng nhất do trào ngược thực quản dạ dày gây ra. Giai đoạn đầu của ung thư thực quản thường không được phát hiện do triệu chứng không điển hình. Ở giai đoạn tiến triển thì người bệnh thường có biểu hiện khó nuốt, khàn tiếng, tức ngực, chán ăn, gầy sút cân, thậm chí còn sờ thấy hạch nổi ở cổ.
Trào ngược dạ dày tiến triển thành ung thư thực quản nếu không được điều trị sớm

Trào ngược dạ dày tiến triển thành ung thư thực quản nếu không được điều trị sớm

Chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng cách nào?

Hiện nay, việc thăm khám và chẩn đoán tình trạng trào ngược dạ dày tương đối dễ dàng áp dụng các công nghệ hiện đại cho kết quả chính xác cũng như mức độ tổn thương niêm mạc thực quản.

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ tiến hành khảo sát tiền sử bệnh lý thông qua bộ câu hỏi GerdQ liên quan đến tần suất xuất hiện của các triệu chứng trào ngược bao gồm ợ chua/trớ thức ăn, ợ nóng, buồn nôn, đau giữa vùng bụng trên, khó ngủ về đêm do ợ nóng/trớ, cần uống thêm thuốc khác ngoài thuốc kê đơn vì triệu chứng ợ nóng/ trớ với từng thang điểm cụ thể để đánh giá tình trạng, mức độ trào ngược.

Nội soi dạ dày thực quản

Phương pháp nội soi dạ dày thực quản sử dụng một ống mềm có gắn đèn led và camera ở đầu ống luồn vào cổ họng, xuống thực quản, dạ dày của người bệnh, thu lấy hình ảnh bên trong hệ tiêu hóa. Hình ảnh nội soi giúp quan sát các tổn thương, viêm loét tại thực quản, dạ dày để sớm điều trị, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nội soi giúp xác định biến chứng do trào ngược dạ dày thực quản gây ra

Nội soi giúp xác định biến chứng do trào ngược dạ dày thực quản gây ra

Xét nghiệm nhân trắc thực quản

Xét nghiệm nhân trắc thực quản là phương pháp sử dụng một ống mềm có gắn cảm biến luồn vào thực quản để đo áp lực, sự co giãn của cơ vòng thực quản khi người bệnh nuốt thức ăn. Từ đó xác định được sức mạnh cơ vòng, áp lực bên trong thực quản để tìm ra nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng trào ngược, ợ chua,…

Theo dõi pH thực quản

Theo dõi pH thực quản là phương pháp sử dụng một ống mềm ở đầu có gắn camera luồn vào mũi xuống đến thực quản. Phương pháp này có tác dụng theo dõi thời điểm và khoảng thời gian axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Từ đó giúp xác định lượng axit bên trong dạ dày.

Chụp thực quản dạ dày có cản quang

Chụp X quang thực quản với thuốc cản quang là phương pháp sử dụng tia X chiếu vào cơ thể để thu lấy hình ảnh đường tiêu hóa trên. Thay bằng việc chỉ chụp X-quang thông thường, người bệnh được sử dụng thêm các chất cản quang để làm nổi bật rõ hơn hình ảnh thực quản, dạ dày. Từ đó hỗ trợ bác sĩ xác định chính xác tình trạng hiện tại của hệ thống tiêu hóa, làm căn cứ chẩn đoán người bệnh có mắc trào ngược dạ dày thực quản hay không.

Điều trị trào ngược dạ dày dứt điểm tránh biến chứng

Tùy vào tình trạng trào ngược mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc chỉ cần thay đổi lối sống, sinh hoạt để giảm thiểu mức độ, tần suất trào ngược.

Điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc

Khi bị trào ngược, người bệnh thường được chỉ định sử dụng một trong các nhóm thuốc sau:

Thuốc kháng Axit

Thuốc kháng axit có tác dụng làm giảm hàm lượng axit bằng cách sử dụng các hợp chất có tính kiềm để trung hòa bớt axit dư thừa trong dạ dày, hạn chế axit trào ngược lên thực quản. Các thuốc kháng axit được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị trào ngược dạ dày là nhôm hydroxit, Magie trisilicat, magie cacbonat,…

Với các thuốc kháng axit chứa nhôm thường gây tình trạng táo bón còn các thuốc chứa magie lại có tác dụng nhuận tràng, gây tiêu chảy khi dùng dài ngày. Do đó, không dùng thuốc trong thời gian dài cũng như không dùng đồng thời với các thuốc khác để hạn chế gặp phải những tương tác bất lợi.

Thuốc kháng thụ thể H2

Thuốc kháng thụ thể histamin H2 là nhóm thuốc giúp làm giảm lượng axit bài tiết trong dạ dày. Các thuốc chẹn H2 có tác dụng ức chế giải phóng Histamin – hoạt chất có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết axit. Từ đó giúp ổn định lượng axit dạ dày, ngăn ngừa viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản.

Cimetidine, Nizatidine, Famotidine là những thuốc chẹn H2 hay được chỉ định cho những bệnh nhân viêm loét, trào ngược dạ dày. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài có thể dẫn đến tiêu chảy, táo bón và gây nhiều tác dụng phụ trên bệnh nhân suy gan, suy thận. Chính vì thế cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thời gian điều trị bệnh.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

PPI là nhóm thuốc ức chế mạnh bơm H+ – K+ – ATPase làm giảm quá trình bài tiết axit trong dạ dày. Từ đó rút ngắn thời gian làm lành vết thương, giảm các triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra. Các thuốc PPI hay được chỉ định là: Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole.

Thuốc hỗ trợ kích thích nhu động (Prokinetics)

Thuốc hỗ trợ kích thích nhu động là các thuốc giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn, hạn chế tình trạng chướng bụng, khó tiêu. Các thuốc hỗ trợ kích thích nhu động hay dùng là Domperidone, Metoclopramide, Cisapride,… Thông thường các thuốc điều hòa nhu động ruột thường được chỉ định kết hợp với các thuốc kháng axit để nâng cao hiệu quả điều trị trào ngược.

*Lưu ý: Không tự ý mua thuốc và điều trị khi chưa có sự chỉ định từ các Bác sĩ chuyên khoa, tránh tác dụng không mong muốn!

Điều trị nội soi can thiệp

Sau khi dùng thuốc và thay đổi lối sống mà triệu chứng bệnh không thuyên giảm thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội soi can thiệp. Đây là phương pháp sử dụng một ống mềm, đầu có gắn đèn, camera đưa vào thực quản giúp bác sĩ quan sát những tổn thương ở hệ thống tiêu hóa. Từ đó tiến hành can thiệp khắc phục tình trạng hẹp cơ thực quản, viêm thực quản hoặc phối hợp trong phẫu thuật điều trị mỡ cơ thực quản tâm vị.

Nội soi điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Nội soi điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Điều trị ngoại khoa phẫu thuật

Ngoài điều trị nội soi can thiệp, bác sĩ cũng có thể chỉ định các biện pháp điều trị ngoại khoa khác như:

  • Nhân vốn: Bác sĩ sẽ tiến hành quấn phần đầu dạ dày người bệnh xung quanh cơ vòng thực quản dưới để ngăn cho khối cơ này mở ra khi dạ dày co bóp, hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Sử dụng thiết bị LINX: Là phương pháp cấy ghép các hạt từ tính xung quanh cơ thắt thực quản – dạ dày. Lực hút giữa các hạt này sẽ giúp cơ vòng thực quản không bị giãn ra, giữ cho thức ăn và dịch vị không bị trào ngược.
  • Tạo quỹ không rạch qua đường mổ (TIF): Là phương pháp sử dụng một dây buộc bằng Polypropylene quấn quanh đoạn nối thực quản – dạ dày để ngăn chặn axit trào ngược lên. Thủ thuật này được thực hiện qua phương pháp nội soi, không cần can thiệp xâm lấn nên rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.

Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt

Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh tác động rất lớn đến hiệu quả điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Nhóm thực phẩm tốt cho người bị trào ngược dạ dày thực quản mọi người có thể tham khảo them vào trong bữa ăn:

  • Bánh mì, ngũ cốc, yến mạch làm giảm lượng axit dư thừa bên trong dạ dày, từ đó cải thiện hiệu quả triệu chứng bệnh.
  • Sữa chua: Bổ sung thêm nhiều lợi khuẩn cho đường tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng giúp dạ dày nhanh chóng được hồi phục, khỏe mạnh trở lại.
  • Trái cây có hàm lượng axit thấp như chuối, táo, lê giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Bổ sung các loại đạm dễ tiêu hóa như thịt ngan, thịt thăn,… giúp trung hòa bớt axit trong dạ dày, từ đó làm giảm tần suất trào ngược.
  • Chế biến các món canh, luộc thay vì các món chiên rán để hạn chế kích ứng dạ dày.

Bên cạnh đó cũng cần xây dựng thói quen ăn uống tốt cho người bị trào ngược dạ dày:

  • Không nằm ngay sau khi ăn, không ăn tối muộn.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, không ăn quá no, bởi vì khi thức ăn đẩy vào dạ dày quá nhiều sẽ dễ trào ngược lên thực quản khi co bóp.
  • Ăn khi thức ăn đã nguội bớt để tránh gây kích ứng dạ dày.

Mẹo chữa trào ngược dạ dày theo dân gian

Để làm tăng hiệu quả điều trị, người bệnh có thể phối hợp thêm các phương pháp điều trị theo dân gian, dưới đây là kinh nghiệm chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng các bài thuốc tự nhiên, mọi người tham khảo:

GỪNG TƯƠI

Một số người cho rằng, gừng có tính nóng nên khiến cho bệnh lý trào ngược dạ dày tiến triển nặng hơn. Trên thực tế, trong gừng tươi có chứa methadone, tecpen là những chất có khả năng trung hòa axit trong dạ dày,  hạn chế viêm loét và trào ngược axit. Tuy nhiên việc dùng  quá thường xuyên với hàm lượng lớn rất dễ gây nóng trong. Do đó cần tuân thủ đúng liều lượng hướng dẫn để phát huy hiệu quả tốt nhất.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng gừng tươi

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng gừng tươi

Cách điều trị trào ngược bằng gừng tươi như sau: Lấy 2-3 củ gừng tươi, rửa sạch, gọt vỏ, thái thành những lát mỏng rồi đem ngâm với mật ong trong khoảng 1 tuần. Mỗi bữa ăn khoảng 2-3 lát gừng ngâm mật ong, sau 2 tuần bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ được cải thiện rõ rệt.

MẬT ONG

Mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa nên rất hiệu quả trong điều trị viêm nhiễm, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Bên cạnh đó, mật ong còn giúp cân bằng độ pH giúp giảm nhanh triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Mật ong điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Mật ong điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Kiên trì uống uống 2 thìa mật ong pha với 200ml nước ấm mỗi buổi sáng trước khi ăn, sau một tháng sẽ thấy tình trạng trào ngược giảm đi rõ rệt. Ngoài ra, có thể dùng mật ong cùng với nghệ hoặc tỏi để làm tăng hiệu quả điều trị trào ngược.

NGHỆ TƯƠI

Trong nghệ tươi có chứa Curcumin là hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm rất tốt giúp bảo vệ dạ dày khỏi viêm loét, tổn thương. Chính vì thế, những người bị đau dạ dày thường hay hãm nghệ uống để làm giảm cơn đau.

Điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả bằng nghệ tươi

Điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả bằng nghệ tươi

Để điều trị trào ngược bằng nghệ cần chuẩn bị: 1 củ nghệ tươi; 1 thìa mật ong.

Cách tiến hành: Nghệ tươi rửa sạch, cạo bỏ, giã hoặc bỏ vào máy xay nhuyễn. Sau đó cho phần nghệ xay được vào khoảng 100ml nước ấm, thêm 1 thìa mật ong, khuấy đều. Mỗi ngày uống một cốc hỗn hợp nghệ, mật ong trước bữa ăn, tình trạng trào ngược sẽ mau chóng được cải thiện.

CHUỐI XANH

Chuối xanh có vị chát, chứa nhiều vitamin, khoáng chất cùng hàm lượng chất xơ dồi dào giúp kích thích tiêu hóa, làm đầy lớp niêm mạc dạ dày, phòng ngừa, hạn chế những tổn thương tại dạ dày.

Mẹo hay chữa trào ngược dạ dày tại nhà bằng chuối xanh

Mẹo hay chữa trào ngược dạ dày tại nhà bằng chuối xanh

Bài thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng chuối xanh được thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 2 quả chuối xanh, gọt vỏ rồi ngâm trong nước muối để loại bỏ phần nhựa bên trong quả chuối.
  • Vớt chuối ra, rửa sạch, để ráo nước sau đó cắt thành những lát mỏng.
  • Đem chuối đã cắt lát tiếp tục ngâm trong nước muối khoảng 15 phút sau đó vớt ra.
  • Dùng chuối đã sơ chế ăn kèm với cơm khoảng 3-4 lần/tuần sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng trào ngược.

TRẦU KHÔNG

Tanin trong trầu không giúp cân bằng axit dịch vị, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại bên trong dạ dày giúp  giảm viêm loét, trào ngược hiệu quả.

Sử dụng lá trầu không trong điều trị trào ngược dạ dày

Sử dụng lá trầu không trong điều trị trào ngược dạ dày

Để giảm trào ngược dạ dày thực quản bằng lá trầu không, cần chuẩn bị khoảng 10 lá trầu tươi, rửa sạch, ngâm với nước muối 15 phút. Cho lá trầu đã rửa sạch vào nồi nước sôi, đun nhỏ lửa trong khoảng 15 phút. Sau đó vớt bỏ phần bã trầu, chắt lấy phần nước uống hàng ngày trước bữa ăn trưa khoảng 1 giờ.

LÁ MƠ LÔNG

Lá mơ lông là bài thuốc chữa trào ngược còn khá xa lạ với nhiều người tuy nhiên lại có tác dụng kiểm soát rất hiệu quả triệu chứng bệnh. Trong y học cổ truyền, lá mơ lông có tính mát, vị đắng, giúp sát khuẩn, trung hòa axit dạ dày giảm thiểu nhanh triệu chứng trào ngược.

Sử dụng lá mơ lông giúp điều trị trào ngược dạ dày thực quản khá tốt

Sử dụng lá mơ lông giúp điều trị trào ngược dạ dày thực quản khá tốt

Bài thuốc giảm trào ngược từ lá mơ lông thực hiện như sau: Hái khoảng 200-300g lá mơ lông tươi đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó vò hoặc cho vào máy xay nhuyễn. Dùng rây lọc lấy phần nước cốt uống 2 lần mỗi ngày. Nếu cảm thấy khó uống thì có thể lấy nước cốt lá mơ lông hấp cách thủy uống hàng ngày.

*LƯU Ý: Các phương pháp dân gian chỉ mang tính tham khảo và chưa có sự kiểm chứng y khoa!

Phòng ngừa và giảm nguy cơ trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản có thể phòng ngừa sớm bằng cách thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng như sau:

  • Giữ cân nặng luôn duy trì ở mức ổn định.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress để giảm tiết axit dạ dày.
  • Hạn chế sử dụng các loại thức uống có gas do khí CO2 trong các loại đồ uống gây ợ hơi thường xuyên khiến axit và thức ăn dễ thoát lên trên thực quản.
  • Hạn chế uống những loại nước có độ axit cao như cam, chanh do có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Ngủ nghiêng người sang trái để giữ dạ dày ở vị trí thấp hơn so với thực quản giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng trào ngược.
  • Mặc quần áo rộng rãi thoáng mát để tránh gây áp lực lên cơ vòng thực quản.
  • Hạn chế ăn nhiều đồ ăn chiên rán, cay nóng gây tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
  • Hạn chế rượu bia, cà phê gây kích ứng dạ dày.

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản nên được phát hiện và điều trị sớm để tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của MEDIPLUS!

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán và điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Tầm soát ung thư dạ dày bao nhiêu tiền? [Chi phí 2024]

    Tầm soát ung thư dạ dày bao nhiêu tiền đang là vấn đề được nhiều người quan tâm trước khi thực hiện dịch vụ này.…

    11 Th12, 2023
    473

    Tham vấn y khoa: BS Hoàng Văn Sơn

    Chuyên mục: Kiến thức về bệnh, Tiêu hóa

    Tầm soát ung thư đại tràng ở đâu uy tín tại Hà Nội?

    Tầm soát ung thư đại tràng ở đâu cũng là câu hỏi được tìm kiếm rất nhiều. Ngày nay ung thư đại tràng cũng là…

    15 Th12, 2023
    226

    Tham vấn y khoa: BS Hoàng Văn Sơn

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đau bụng đi ngoài nhiều lần là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

    Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng đi ngoài nhiều lần thì có thể cơ thể bạn đang báo hiệu mắc các bệnh lý liên…

    01 Th8, 2023
    827

    Tham vấn y khoa: TS. BS Phạm Bình Nguyên

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Thuốc thụt hậu môn là gì? Lưu ý sử dụng để tránh tác dụng phụ

    Thuốc thụt hậu môn là giải pháp tuyệt vời cho những người gặp khó khăn trong việc đi đại tiện. Tuy nhiên, không ít người…

    16 Th8, 2023
    811

    Tham vấn y khoa: TS. BS Phạm Bình Nguyên

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám