Viêm khớp dạng thấp (thấp khớp) triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Cập nhật 26/06/2023

1.7K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, thường gây tổn thương nhiều khớp cùng lúc. Nếu người bệnh chủ quan không điều trị triệt để có thể gây đau, cứng khớp kéo dài, thậm chí biến dạng khớp gây tàn phế sau này. Vậy cần làm gì để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh lý viêm khớp RA gây ra? Theo dõi ngay chia sẻ của chuyên gia cơ xương khớp MEDIPLUS qua bài viết dưới đây để có hướng chăm sóc và điều trị hiệu quả.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là bệnh lý xương khớp mạn tính phổ biến ở Việt Nam cũng như tại các nước khác. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,5 – 1% dân số ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ, tại miền Bắc Việt Nam là 0,28%. Bệnh thường gặp hơn ở phụ nữ và khởi phát nhiều nhất trong độ tuổi 50.

Viêm khớp dạng thấp có tổn thương tại nhiều vị trí khớp cùng một lúc

Viêm khớp dạng thấp có tổn thương tại nhiều vị trí khớp cùng một lúc.

Bệnh lý viêm khớp RA gây tổn thương tại màng hoạt dịch của các khớp do cơ chế tự miễn trong cơ thể gây ra. Bình thường, hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công các tác nhân lạ. Nhưng khi mắc bệnh lý tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô lành trong chính cơ thể, gây ra các tổn thương.

Cụ thể hơn, hệ thống miễn dịch tấn công vào màng hoạt, dẫn đến tình trạng viêm và làm màng hoạt dịch dày lên, cuối cùng có thể phá hủy phần sụn và xương, khiến bệnh có tỷ lệ tàn phế cao. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh viêm khớp dạng thấp rất quan trọng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

2. Các đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Mặc dù, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng một số nghiên cứu và khảo săt từ những bệnh nhân mác bệnh đã chỉ ra nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:

  • Vấn đề về giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp khoảng 2 lần so với nam giới, có liên quan đến cơ chế tác động kích thích của hormon nữ (estrogen) lên hệ thống miễn dịch.
  • Về tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát ở tuổi trung niên. Và so với phụ nữ, nam giới thường khởi phát bệnh muộn hơn.
  • Di truyền: Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu trong gia đình có thành viên mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh lý về xương khớp.
  • Hút thuốc lá: Mọt yếu tố khách quan nhưng cũng `là yếu tố nguy cơ cao, không những làm tăng khả năng mắc bệnh mà còn khiến bệnh trầm trọng hơn.
  • Thừa cân: Những người thừa cân, béo phì, đặc biệt là phụ nữ dưới 55 tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do khớp phải chịu tải trọng lớn trong thời gian dài.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không? TS BSCKII Lê Quốc Việt chia sẻ.

3. Các triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

Tham vấn y khoa Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Việt – Nguyên giám đốc trung tâm cơ xương khớp Bệnh viện E, Giám đốc chuyên môn Tổ hợp y tế MEDIPLUS cho biết, với cơ chế tự miễn, gây tổn thương tại màng hoạt dịch, bệnh viêm khớp dạng thấp biểu hiện bởi tình trạng khớp viêm mạn tính có xen kẽ các đợt tiến triển. Một số dấu hiệu điển hình có thể nhận thấy:

3.1 Sưng đau khớp

Trong các đợt tiến triển, người bệnh xuất hiện các triệu chứng sưng, đau nhưng ít khi đỏ. Người bệnh thường thấy đau xuất hiện vào giữa đêm, nhất là về gần sáng, cơn đau không thuyên giảm kể cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh mệt mỏi, thậm chí mất ngủ.

Vị trí khớp tổn thương thường gặp là các khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, các khớp viêm thường đối xứng hai bên.

3.2 Cứng khớp

Người bệnh thường gặp tình trạng cứng khớp, khó cử động các khớp sau một khoảng thời gian không vận động, đặc biệt là vào buổi sáng. Triệu chứng này có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp và thường hết sau 30 phút, trong khi đó cứng khớp buổi sáng ở bệnh viêm khớp dạng thấp thường kéo dài trên 1 giờ, phụ thuộc vào mức độ viêm.

3.3 Mệt mỏi suy nhược

Trong các đợt cấp, bên cạnh các triệu chứng tại khớp, người bệnh có thể khởi phát với biểu hiện sốt, mệt mỏi, kèm theo chán ăn. Tình trạng này có thể kéo dài khiến người bệnh thường xuyên trong trạng thái thiếu năng lượng, thậm chí giảm cân.

3.4 Triệu chứng không liên quan

Vì cơ chế gây bệnh là do rối loạn hệ thống miễn dịch nên ở người bệnh viêm khớp dạng thấp, các cơ quan khác ngoài khớp cũng có thể bị tổn thương kèm theo như: phổi, viêm màng phổi, cơ tim, van tim, màng ngoài tim,… Tuy nhiên, các biểu hiện này hiếm gặp và thường xuất hiện trong các đợt tiến triển.

Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau và cứng các khớp.

Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau và cứng các khớp.

4. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp do đâu?

Vậy nguyên nhân bệnh lý là do đâu thưa Bác sĩ? Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết rõ, hiện bệnh được coi như một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn hoặc di truyền.

Bình thường, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công vi khuẩn hay vi rút, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nhưng trong bệnh lý viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch gửi nhầm các kháng thể đến màng hoạt dịch khớp, gây ra tình trạng viêm làm dày màng hoạt dịch, đồng thời giải phóng ra các chất trung gian hóa học tác động lên các mô xung quanh gây phá hủy sụn, xương, gân, dây chằng.

Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ kéo dài và tiến triển ngày càng nặng khiến khớp bị biến dạng, cuối cùng có thể phá hủy khớp hoàn toàn.

5. Biến chứng nguy hiểm do viêm đa khớp dạng thấp gây ra

Viêm khớp dạng thấp gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

5.1 Tình trạng biến dạng khớp

Khi bệnh không được kiểm soát, người bệnh có nhiều đợt tiến triển liên tiếp, hoặc sau một thời gian diễn biến mạn tính, các khớp nhanh chóng bị biến dạng tạo thành các hình thù đặc trưng như: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, khớp ngón tay hình thoi,…

Giai đoạn muộn có thể làm tổn thương cột sống cổ, gây biến chứng về thần kinh (có thể liệt tứ chi), khiến người bệnh bị tàn phế.

5.2 Tổn thương gân, cơ, dây chằng

Các cơ cạnh khớp tổn thương bị teo do giảm vận động. Có thể gặp tình trạng viêm gân (thường gặp gân gót), đôi khi có đứt gân (thường gặp ở ngón tay 4, 5). Các dây chằng có thể co kéo hoặc lỏng lẻo, gây khó khăn trong vận động khớp.

5.3 Nguy cơ loãng xương

Cơ chế tự miễn của bệnh viêm khớp dạng thấp, cùng với một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh, làm tăng nguy cơ loãng xương ở người bệnh, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.

5.4 Hội chứng ống cổ tay

Tình trạng viêm xảy ra ở cổ tay gây chèn ép dây thần kinh giữa gây hội chứng ống cổ tay với biểu hiện đau, tê bì bàn ngón tay, chủ yếu ở các ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón áp út, gây khó khăn cho việc thực hiện động tác.

Hội chứng ống cổ tay là một biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Hội chứng ống cổ tay là một biến chứng của viêm khớp dạng thấp.

5.5 Viêm lan rộng

Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều cơ quan trong cơ thể như: viêm phổi, màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm củng mạc, thậm chí gây viêm mạch máu làm thành mạch có hiện tượng dày lên làm thu hẹp lòng mạch, ảnh hưởng đến lưu lượng máu tới các mô, cơ quan trong cơ thể, đe dọa tinh mạng.

5.6 Mắc các bệnh tim mạch

Người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Để giảm thiểu nguy cơ này cần kiểm soát tốt tình trạng viêm khớp kết hợp với thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên.

5.7 Các bệnh lý ở phổi

Tổn thương phổi là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp với tần suất chiếm tới 60% trong suốt quá trình bệnh. Các tổn thương biểu hiện ở màng phổi, đường hô hấp trên – dưới, mạch máu phổi, mô kẽ phổi… Trong đó, bệnh phổi mô kẽ thường gặp nhất. Ngoài tình trạng viêm phổi, màng phổi, người bệnh bị viêm khớp còn có nguy cơ cao bị xơ phổi với biểu hiện khó thở, thậm chí là suy hô hấp. Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh cũng biểu hiện trên triệu chứng lâm sàng.

6. Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm nêu trên, người bệnh khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Ngoài các triệu chứng thu nhận được từ bệnh nhân và qua thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng viêm: Tốc độ máu lắng, protein phản ứng C (CRP), tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Xét nghiệm miễn dịch: yếu tố dạng thấp huyết thanh (RF), kháng thể kháng CCP.
  • Chẩn đoán hình ảnh để đánh giá các tổn thương khớp: chụp X quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)  để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.

7. Cách điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Mục tiêu của điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tình trạng viêm sưng, phòng ngừa hủy khớp, giảm thiểu tối đa các triệu chứng, biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các liệu pháp điều trị được áp dụng tùy vào giai đoạn, mức độ bệnh. Qua thăm khám, Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra liệu trình điều trị thích hợp:

7.1 Điều trị nội khoa bằng thuốc

Các thuốc điều trị triệu chứng thường được dùng trong các đợt tiến triển:

  • Thuốc giảm viêm, đau và làm chậm tổn thương khớp.
  • Thuốc chống viêm NSAID có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên người bệnh cần chú ý các tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng dạ dày, các vấn đề về tim và tổn thương thận.
  • Thuốc giảm đau thông thường: lựa chọn thuốc tùy thuộc vào cường độ đau.

Các thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh bao gồm 2 nhóm thuốc:

  • Thuốc kinh điển: Những loại thuốc này tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn của các khớp và các mô khác. Các thuốc có tác dụng phụ khác nhau, bao gồm loét miệng, nôn, tổn thương gan, tủy,…
  • Thuốc sinh học: Ngoài giúp cải thiện các triệu chứng tại khớp, ngoài khớp, thuốc còn có tác dụng hạn chế hủy khớp, bảo tồn chức năng khớp.  Khi dùng thuốc kinh điển không đạt hiệu quả sau 3-6 tháng, có thể xem xét chỉ định thuốc điều trị sinh học.

*Lưu ý: Khi sử dụng thuốc người bệnh cần tuân thủ quy định của bác sĩ và không tự ý sử dụng để tránh các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe!

7.2 Phương pháp vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một phương pháp hỗ trợ có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh. Một số liệu pháp thường được chỉ định cho người bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Nhiệt trị liệu: Phương pháp này sử dụng nhiệt nóng để tăng lưu lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị tổn thương, có tác dụng giảm đau chống viêm cho người bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý chống chỉ định liệu pháp nhiệt trị liệu trong trường hợp viêm cấp có sưng phù hoặc tràn dịch khớp.
  • Tắm và ngâm nóng: Tắm và ngâm mình trong nước nóng, nước muối hoặc nước khoáng tự nhiên sẽ có tác dụng lưu thông khí huyết và giảm đau khớp hiệu quả.
  • Chườm nóng tại khớp: Chườm paraffin, túi nhiệt, bùn nóng, cát nóng, vải bọc lá ngải cứu nóng là những phương pháp thường dùng để làm giảm đau, giảm sưng viêm trong trường hợp viêm đa khớp.
  • Dùng sóng ngắn: Sử dụng sóng ngắn đối với những trường hợp viêm khớp trung bình, lớn hoặc các khớp sâu như cổ tay, khuỷu, vai, cổ, chân, gối, háng,…
  • Siêu âm: Là phương pháp sử dụng hiệu ứng cơ học, nhiệt, hóa học để hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức và hiệu quả chống viêm cao. Đồng thời, bác sĩ có thể dùng phương pháp siêu âm để dẫn thuốc.

*Lưu ý: Các liệu pháp vật lý trị liệu cần được chỉ định bởi các bác sĩ có chuyên môn và thực hiện dưới sự theo dõi, hướng dẫn của kỹ thuật viên để đảm bảo an toàn!

7.3 Điều trị bằng Y học cổ truyền

Sử dụng phương pháp châm cứu hoặc một số bài thuốc nam (trinh nữ hoàng cung, độc hoạt Lai Châu,…) có thể giúp làm thuyên giảm triệu chứng viêm, giảm liều các thuốc chống viêm, từ đó làm giảm tác dụng không mong muốn của các thuốc nhóm này.

7.4 Phẫu thuật điều trị

Khi các dạng thuốc điều trị không thể ngăn ngừa và làm chậm tổn thương khớp, phẫu thuật có thể được chỉ định để sửa chữa các tổn thương khớp, làm giảm đau và cải thiện chức năng khớp an toàn, hiệu quả. Một số phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định bao gồm:

  • Cắt lọc màng hoạt dịch: phẫu thuật nội soi loại bỏ phần bao hoạt dịch bị viêm.
  • Phẫu thuật chỉnh hình đối với các gân cơ: khi tình trạng viêm khớp kéo dài có thể khiến các gân cơ xung quanh khớp bị tổn thương, đứt, ảnh hưởng lớn đến vận động khớp, cần tiến hành phẫu thuật sửa chữa gân.
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: thường thực hiện với khớp gối, khớp háng, loại bỏ các phần bị tổn thương, thay vào đó bằng bộ phận giả làm từ kim loại và nhựa.

8. Điều trị viêm khớp dạng thấp tại MEDIPLUS

Tổ hợp Y tế MEDIPLUS tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội đã vươn lên trở thành cơ sở khám chữa bệnh uy tín hàng đầu tại Hà Nội. Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ tiên tiến hiện đại, MEDIPLUS đã mang đến nhiều trải nghiệm tuyệt vời cũng như điều trị bệnh hiệu quả, nhận được phản hồi tốt từ nhiều khách hàng.

Quy tụ đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp hùng hậu, giàu kinh nghiệm trong nghề, MEDIPLUS luôn đảm bảo về chất lượng thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

  • TS. BSCKII Lê Quốc Việt – Nguyên phó giám đốc đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp Bệnh viện E; Giám đốc chuyên môn MEDIPLUS – hơn 30 năm kinh nghiệm.
  • TS. BS Lê Thị Liễu – Phó giám đốc trung tâm Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai; Cố vấn chuyên môn Cơ xương khớp tại Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – hơn 20 năm kinh nghiệm.
  • ThS. BSNT Nguyễn Anh Dũng – Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bạch Mai – Cố vấn chuyên môn Tổ hợp Y tế MEDIPLUS – hơn 10 năm kinh nghiệm.
  • ThS. BSNT Nguyễn Việt Đức – Bác sĩ Ngoại Thần kinh sọ não – Cột sống Bệnh viện Xanh Pôn – Bác sĩ Thần kinh sọ não – Cột sống MEDIPLUS – gần 10 năm kinh nghiệm.
Khám và điều trị viêm khớp dạng thấp với chuyên gia CXK MEDIPLUS

Khám và điều trị viêm khớp dạng thấp với chuyên gia CXK MEDIPLUS.

Bên cạnh đó, MEDIPLUS cũng trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại hỗ trợ cho quá trình thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ như: Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla thuộc hãng GE hàng đầu của Mỹ, Máy chụp X-quang SG đời mới của Healthcare (Hàn Quốc), Máy chụp CT cắt lớp vi tính 128 dãy Revolution Evo GE (Mỹ), Hệ thống máy siêu âm 2D, 3D, 4D, Doppler từ hãng GE (Mỹ), Hệ thống máy xét nghiệm tự động COBAS 6000 của Roche (Thụy Sĩ) đảm bảo cho kết quả nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian cho người bệnh,…

Đặc biệt, các quy trình đón tiếp, kết quả thăm khám, hồ sơ bệnh nhân, thanh toán,… tại MEDIPLUS đều được quản lý 100% bằng phần mềm nhằm tối giản hóa hành trình khám bệnh. Thiết kế không gian khám chữa bệnh thân thiện, sang trọng và đẳng cấp mang lại cảm giác “đi khám như đi nghỉ dưỡng” cho khách hàng.

Đặt lịch khám tại Tổ hợp Y tế MEDIPLUS, quý khách có thể thực hiện bằng cách:

9. Chăm sóc đúng cách cho người bị viêm khớp dạng thấp

Trong quá trình điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bên cạnh các liệu pháp điều trị, chế độ chăm sóc đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Nếu bạn có người thân mắc bệnh này, bạn cần có những hiểu biết cơ bản về bệnh và hãy lưu ý những vấn đề sau khi chăm sóc họ:

  • Khuyến khích người bệnh tập thể dục: tập thể dục thường xuyên có lợi cho trong việc ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
  • Trang bị các dụng cụ hỗ trợ: khi người bệnh gặp khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các dụng cụ như can chống, quần áo giày dép dễ mặc, cốc nhẹ, thìa cán dài, to,… sẽ giúp người bệnh có thể tự phục vụ.
  • Quản lý thuốc: để đạt được hiệu quả điều trị tốt, các thuốc cần được sử dụng đúng cách, đủ liều lượng, nên nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ loại thuốc, bạn cần giúp đỡ họ.
  • Theo dõi triệu chứng: thường xuyên quan tâm đến các triệu chứng của người bệnh, phát hiện những thay đổi hay xuất hiện triệu chứng mới để báo lại bác sĩ hoặc đưa người bệnh tái khám.

10. Các biện pháp dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh, bao gồm sức khỏe, công việc, hoạt động xã hội,… Do đó, cần thực hiện các biện pháp để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tốt, bao gồm:

10.1 Bỏ hút thuốc lá

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là yếu tố khiến các triệu chứng của bệnh tiến triển nhanh hơn. Vì vậy, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa sự phát triển và dự phòng viêm khớp dạng thấp.

Bên cạnh đó, Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng việc tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường (đặc biệt là amiăng và silica) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu môi trường làm việc bắt buộc bạn tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm này, hãy đảm bảo luôn luôn mặc đồ bảo hộ thích hợp.

10.2 Duy trì cân nặng hợp lý

Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn và có khả năng làm bệnh tiến triển nặng hơn. Vì thế để phòng bệnh, bạn cần giữ cân nặng ổn định bằng cách:

  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ như ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây, cá hoặc gà (không gồm da) trong chế độ ăn uống. Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn giàu canxi và vitamin D. Tránh ăn nhiều đường, muối và các loại chất béo không tốt.
  • Tập thể dục đều đặn: Kết hợp các bài tập sức mạnh (như squat, tennis, cầu lông…) với những bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…) tập luyện sức mạnh làm giảm đáng kể tỷ lệ loãng xương – một biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp. Khi luyện tập người bệnh cần chú ý tập nhẹ nhàng để hạn chế bệnh tiến triển trầm trọng hơn.

10.3 Khám và điều trị kịp thời

Khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực sẽ giúp trì hoãn các biến chứng của bệnh, cũng như giảm nguy cơ phát triển những tổn thương khớp nghiêm trọng sau này.

Viêm khớp dạng thấp nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả điều trị cao, tránh được các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt của người bệnh. Nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh, nên chủ động thăm khám với các chuyên gia để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp.

Đánh giá bài viết

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Cách điều trị cổ tay bị đau lâu ngày không khỏi

    Tình trạng cổ tay bị đau lâu ngày không khỏi có thể do thói quen hoạt động và đời sống sinh hoạt của người bệnh…

    25 Th1, 2024
    536

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    5 cách chữa đau khớp gối bằng lá lốt tại nhà hiệu quả

    Đau khớp gối là một bệnh lý về xương và nó có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi có biểu hiện…

    26 Th12, 2023
    819

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    13 bài tập yoga trị đau thắt lưng và cột sống cổ

    Đau thắt lưng và cột sống cổ là tình trạng phổ biến gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Yoga là…

    24 Th10, 2024
    80

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Nguyên nhân của bệnh loãng xương: Những điều bạn chưa biết

    Bệnh loãng xương là một bệnh lý xương khớp thường gặp, gây giảm mật độ và sức mạnh của xương, dễ dẫn đến gãy xương.…

    16 Th2, 2024
    463

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám