Tiêu chảy cấp ở trẻ em Bác sĩ hướng dẫn mẹ chăm sóc bé tại nhà

Cập nhật 10/07/2023

799

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Tiêu chảy cấp là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ nhỏ có thể rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì và các triệu chứng biểu hiện để nhận biết sớm? Cách điều trị như thế nào để tránh nguy hiểm cho trẻ?

Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em

Bệnh tiêu chảy là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong và là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có gần 1,7 tỷ trẻ mắc bệnh tiêu chảy và trong đó khoảng 525.000 trẻ em tử vong. Mặc dù, nhờ sự cải thiện tập quán vệ sinh và sử dụng rộng rãi dung dịch oresol mà tỷ lệ tử vong do tiêu chảy cũng đã giảm nhiều trong những năm gần đây, nhưng tiêu chảy vẫn là một vấn đề đáng lo ngại ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tiêu chảy cấp là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em

Tiêu chảy cấp là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần trong một ngày, khởi phát cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc súc vật mang mầm bệnh là nguồn gây bệnh cho trẻ và các thành viên trong cộng đồng.

Hầu hết các đợt tiêu chảy của trẻ xảy ra trong hai năm đầu đời, trong đó nhóm trẻ có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là từ 6-11 tháng tuổi. Thời điểm này trẻ rất dễ bị tiêu chảy do hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, trẻ dễ nhiễm khuẩn thức ăn khi bắt đầu ăn bổ sung, ăn dặm hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh từ môi trường. Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em ba mẹ cần lưu ý:

  • Tình trạng suy dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy, các đợt tiêu chảy kéo dài hơn.
  • TÌnh trạng suy giảm miễn dịch: Trẻ bị suy giảm miễn dịch như sau khi nhiễm sởi hoặc HIV/AIDS thì nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn.
  • Cho trẻ bú chai, bình sữa không được vệ sinh đúng cách làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Ăn bổ sung: Cho trẻ ăn thức ăn đặc nấu chín để lâu ở nhiệt độ phòng dễ gây nhiễm khuẩn hoặc lên men thức ăn bởi các vi khuẩn trong môi trường.
  • Nước uống bị nhiễm bẩn: Do nguồn cung cấp nước hoặc các dụng cụ chứa nước bị ô nhiễm.
  • Không rửa tay sau khi đi ngoài, dọn phân, giặt, rửa cho trẻ hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn.

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy cấp hay gặp phải

Tiêu chảy cấp thường xảy ra do đường ruột bị nhiễm trùng hoặc rối loạn khả năng tiêu hóa, hấp thu. Trong một số trường hợp, tiêu chảy cấp có thể chỉ là triệu chứng của một nhiễm trùng khác. Các căn nguyên thường gặp gây tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Do nhiễm Virus: Các loại virus Rotavirus, Adenovirus, Norwalk virus,… là những loại virus có thể gây tiêu chảy. Trong đó, Adenovirus là tác nhân chính và phổ biến gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Vi khuẩn: E.coli, lỵ, Salmonella, Campylobacter, tả là các căn nguyên vi khuẩn thường gặp gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Trẻ nhiễm khuẩn thường ở những nơi có nước uống không an toàn và xử trí nước thải kém. Một số vi khuẩn như tả hoặc lỵ còn có thể gây thành dịch do khả năng lây lan nhanh chóng, do đó cần phát hiện và dự phòng kịp thời.
  • Ký sinh trùng: Cryptosporidium là tác nhân thường gây tiêu chảy nặng và kéo dài ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.
  • Kháng sinh: Một số loại kháng sinh có thể gây tiêu chảy ở cả trẻ em và người lớn, do làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Tiêu chảy do kháng sinh thường nhẹ và sẽ khỏi sau 1-2 ngày dừng uống kháng sinh.
  • Không dung nạp lactose: Với các trẻ không dung nạp lactose, tiêu chảy thường xảy ra sau khi trẻ uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa có chứa lactose.
  • Các bệnh lý nhiễm trùng khác: viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu , viêm màng não, viêm ruột thừa,… Trong những trường hợp này, tiêu chảy cấp là một triệu chứng của bệnh và sẽ hết khi khỏi bệnh.
Virus là tác nhân chính và phổ biến gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ

Virus là tác nhân chính và phổ biến gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ

Ba mẹ cần nắm được các biểu hiện trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp có triệu chứng điển hình là đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Tùy theo nguyên nhân mà tính chất phân, tần suất đi ngoài, triệu chứng đi kèm của các trường hợp sẽ khác nhau, dẫn đến tình trạng mất nước ở các mức độ cũng là khác nhau. Các biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tiêu chảy cấp có thể thấy:

Các triệu chứng đường tiêu hóa:

  • Tiêu chảy: Xảy ra đột ngột, phân lỏng nhiều nước, có thể có mùi chua, lẫn chất nhầy; trường hợp lỵ phân có nhầy nước lẫn máu.
  • Nôn: Thường xuất hiện trong trường hợp tiêu chảy do Rotavirus, tình trạng này khiến trẻ bị mất nước nặng hơn.
  • Biếng ăn: Có thể xuất hiện sớm hoặc khi trẻ tiêu chảy nhiều ngày, trẻ thường từ chối các thức ăn thông thường, chỉ thích uống nước.

Tùy vào diễn biến và xử trí bệnh tiêu chảy cấp, tình trạng mất nước của trẻ sẽ biểu hiện khác nhau với các mức độ như sau, cha mẹ cần theo dõi chi tiết để bù đủ nước cho bé:

  • Trẻ không mất nước: Khi lượng dịch trẻ mất qua tiêu chảy dưới 5% trọng lượng cơ thể, trẻ vẫn có toàn trạng tốt, tỉnh táo, chưa có các biểu hiện mất nước.
  • Trẻ có mất nước: Khi lượng dịch mất từ 5-10% trọng lượng cơ thể. Trẻ thường vật vã, kích thích, khát nhiều và uống háo hức khi được cho uống nước hay oresol. Bên cạnh đó có thể quan sát thấy mắt trẻ trũng hơn bình thường, khóc không có nước mắt và miệng lưỡi trẻ khô.
  • Trẻ mất nước nặng: Khi lượng dịch mất tương đương trên 10% trọng lượng cơ thể. Các biểu hiện mất nước của trẻ trầm trọng hơn: Trẻ li bì, thậm chí hôn mê, trẻ uống kém hoặc không uống được, mắt trẻ rất trũng và khô. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc, đe dọa đến tính mạng.
Trẻ có thể kích thích quấy khóc khi mệt mỏi và bị mất nước

Trẻ có thể kích thích quấy khóc khi mệt mỏi và bị mất nước

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em sớm

Khi trẻ có các biểu hiện của tiêu chảy cấp, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá mức độ mất nước, chẩn đoán nguyên nhân và sớm đưa ra liệu trình điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị cần thiết ở trẻ bị tiêu chảy cấp bao gồm:

  • Bù nước, điện giải: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy đều do tình trạng mất nước, điện giải, do đó, bù đủ nước và điện giải là điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh tiêu chảy. Cách bù và liều lượng tùy thuộc vào mức độ mất nước, rối loạn điện giải của trẻ. Trẻ được bù dịch thông qua đường uống bằng Oresol hoặc truyền dịch đường tĩnh mạch nếu trẻ không uống được hay mất nước mức độ nặng.
  • Kháng sinh: Trẻ được chỉ định dùng kháng sinh trong các trường hợp nghi ngờ tiêu chảy do vi khuẩn hoặc trẻ có các bệnh nhiễm trùng kèm theo khác. Tùy thuộc vào từng căn nguyên vi khuẩn mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ kháng sinh phù hợp.
  • Bổ sung kẽm: Kẽm là vi chất quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ. Bù lại lượng kẽm bị mất đi do tiêu chảy là rất cần thiết để giúp trẻ sớm hồi phục bệnh, đồng thời tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc những đợt tiêu chảy mới.
  • Probiotics: Probiotics giúp củng cố sự cân bằng của vi khuẩn chí đường ruột, kích thích sự phát triển của hệ thống miễn dịch niêm mạc ruột giúp chống lại các quá trình viêm nhiễm tại ruột. Lactobacillus GG, S. boulardii là hai loại probiotic thường được khuyến cáo sử dụng cho trẻ bị tiêu chảy.
  • Thuốc kháng tiết đường ruột: Racecadotril có tác dụng giảm bài tiết nước, điện giải ở ruột, cải thiện tình trạng đi ngoài phân lỏng ở trẻ.

*Lưu ý: Khi sử dụng thuốc cho trẻ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và không lạm dụng để tránh các tác dụng không mong muốn!

>>> Xem thêm:

Bù nước điện giải rất quan trọng cho trẻ bị tiêu chảy

Bù nước điện giải rất quan trọng cho trẻ bị tiêu chảy

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách tại nhà

Ngoài việc đảm bảo bù đủ nước, điện giải cho trẻ và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng giúp trẻ cầm hồi phục bệnh nhanh chóng. Cha mẹ hoặc người thân của bé cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không bắt trẻ nhịn và kiêng khem, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: Khi trẻ không có dấu hiệu mất nước, tiếp tục cho trẻ bú mẹ và ăn như bình thường. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, sau khi bù nước điện giải, dấu hiệu mất nước đã giảm bớt, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn dần các thức ăn khác và trở lại chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt.
  • Đối với trẻ trên 6 tháng vẫn duy trì chế độ ăn bổ sung như bình thường, nên chọn các loại thức ăn dễ tiêu, chia nhiều bữa mềm để trẻ dễ ăn, thức ăn đủ 4 nhóm thực phẩm bổ sun dinh dưỡng thiết yếu.
  • Đối với trẻ ăn sữa công thức, nếu trẻ có biểu hiện không dung nạp lactose (tiêu chảy phân lỏng nhiều hơn), có thể tạm thay bằng các loại sữa không có hoặc giảm lactose trong 7-10 ngày, khi hết tiêu chảy nên từ từ cho trẻ ăn trở lại các sữa trẻ ăn trước đó.
  • Khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy, cho trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong 2 tuần để trẻ lấy lại cân nhanh chóng.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng ở trẻ. Do đó, khi trẻ xuất hiện dấu hiệu tiêu chảy cấp, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt. Hy vọng bài viết này đã cung cấp thêm cho bố mẹ những thông tin hữu ích về bệnh lý, nguyên nhân cũng chư hướng chăm sóc đúng cách.

Nếu cần được tư vấn chi tiết và nhanh chóng, Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp Hotline 1900 3366 các chuyên gia MEDIPLUS sãn sàng hỗ trợ.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán và phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Tags

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Trẻ sơ sinh đi ngoài phân màu xanh đen là bị làm sao?

      Màu sắc phân của trẻ là một trong những dấu…

      Tham vấn y khoa:Riêng tư: BSCKI Phạm Thị Thu Hà

      Chuyên mục: Nhi

      Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì uống gì để nhanh lại sức?

      Tiêu chảy kéo dài khiến trẻ bị mất nước, tăng…

      Tham vấn y khoa:Riêng tư: ThS. BSNT Nguyễn Thị Hà

      Chuyên mục: Nhi

      Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ nên ăn gì?

      Tiêu chảy kéo dài rất dễ khiến trẻ sơ sinh…

      Tham vấn y khoa:Riêng tư: ThS. BSNT Nguyễn Thị Hà

      Chuyên mục: Nhi

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám