Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là như thế nào? Những điều bạn cần biết

Cập nhật 08/05/2023

2.7K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sản khoa

Theo thống kê, có khoảng 19% nữ giới trong độ tuổi 15-49 ở Hoa Kỳ không thể có thai sau sau 1 năm dù đã thử rất nhiều cách. Tỷ lệ này ở các nước khác cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Do đó, nhiều cặp vợ chồng tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với mong muốn nhanh có con. Vậy thụ tinh ống nghiệm là gì? Quy trình tiến hành như thế nào? Thụ tinh trong ống nghiệm có tốn kém không? Cùng theo dõi chi tiết qua bài chia sẻ dưới đây.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là làm gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF – In Vitro Fertilization) là một kỹ thuật gồm nhiều bước để hỗ trợ quá trình mang thai, giúp những cặp đôi hiếm muộn gia tăng khả năng có con. Những người trên 1 năm không có con dù đã thử qua rất nhiều biện pháp được coi là vô sinh, hiếm muộn thường được bác sĩ chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là gì

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là gì, tỷ lệ thành công có cao?

Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm tiến hành như sau: Trứng trưởng thành và tinh trùng của các cặp đôi sau khi đưa  ra khỏi cơ thể sẽ mang đi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với đủ điều kiện cần thiết để thụ tinh. Quá trình này thường kéo dài trong khoảng 3 tuần hoặc lâu hơn tùy vào kỹ thuật nuôi cấy. Cuối cùng, trứng được thụ tinh sẽ được đem trở lại vào bên trong tử cung để nuôi dưỡng và phát triển thành bào thai.

Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp sử dụng công nghệ hiện đại giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thực hiện được mong ước được làm bố làm mẹ. Trong trường hợp cặp vợ chồng mong muốn có con nhưng một người lại có chất lượng trứng/tinh trùng quá yếu không thể tham gia thụ thai thì có thể lấy từ người hiến tặng rồi mang đi nuôi cấy với trứng của vợ hoặc tinh trùng của chồng.

>>> Bạn cũng đang quan tâm: Thụ tinh nhân tạo IUI là gì? Chi phí bao nhiêu tiền, cần lưu ý gì?

Đối tượng được chỉ định thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Những trường hợp cần tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm gồm:

  • Trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân: Nghĩa là không tìm thấy chính xác nguyên nhân gây vô sinh đến từ đâu, là do người vợ hay chồng dù đã được làm đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra.
  • Tổn thương, tắc nghẽn ống dẫn trứng: Khi ống dẫn trứng bị tổn thương, tắc nghẽn vì một lý do nào đó khiến cho tinh trùng khó đến gặp được trứng để thụ tinh. Dù đã thụ tinh thành công thì phôi thai cũng rất khó di chuyển được vào buồng tử cung để làm tổ, phát triển. Do đó gây vô sinh, sảy thai nhiều lần.
  • Rối loạn rụng trứng: Trứng không rụng, rụng không theo chu kỳ sẽ không đáp ứng đủ điều kiện thụ tinh gây vô sinh.
  • U xơ tử cung: U xơ là loại u lành tính, xuất hiện trên bề mặt của niêm mạc tử cung. Việc xuất hiện u xơ khiến cho trứng đã được thụ tinh không thể bám, làm tổ trên thành tử cung để phát triển, nuôi dưỡng phôi thai.
  • Chất lượng tinh trùng yếu: Số lượng tinh trùng không đủ, tinh trùng yếu, di động kém, tinh trùng dị dạng khiến chúng khó đi vào trứng để tiến hành quá trình thụ tinh. Khi đó, nam giới cần đi khám nam khoa để được các chuyên gia khắc phục, cải thiện chất lượng tinh trùng đáp ứng đủ điều kiện tham gia thụ tinh.
  • Lạc nội mạc tử cung: Là hiện tượng lớp tương tự nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung gây ảnh hưởng đến hoạt động của vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung, tạo môi trường không thuận lợi cho phôi thai phát triển, dẫn đến việc khó có con.
  • Thắt ống dẫn trứng: Thắt ống dẫn trứng là thủ thuật tránh thai vĩnh viễn cho những ai không muốn sinh thêm. Nếu muốn có thai trở lại, nữ giới có thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thay thế cho phương pháp phẫu thuật đảo ngược thắt ống dẫn trứng.
  • Nữ giới mắc ung thư cần bảo tồn nguồn trứng: Bị ung thư cần tiến hành hóa trị, xạ trị sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng trứng, độc hại cho thai nhi. Do đó việc tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm sẽ giúp nữ giới lưu trữ được nguồn trứng chất lượng, bảo tồn được khả năng sinh sản sau này. Trứng được lấy ra khỏi buồng tử cung được mang đi bảo quản lạnh để khi muốn có con chỉ cần mang ra thụ tinh với tinh trùng người chồng.

Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thông thường gồm 9 bước như sau:

1. Khám và làm các xét nghiệm đánh giá sức khỏe vợ chồng

Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa

Trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp đôi sẽ được đặt lịch khám sức khỏe sinh sản với bác sĩ. Thường lịch khám sẽ là vào bất kỳ một ngày nào đó trong kỳ kinh của nữ giới. Người vợ sẽ được thăm khám các cơ quan sinh sản từ buồng trứng đến tử cung, vùng chậu. Còn nam giới sẽ được thăm khám buồng tinh, mào tinh,…

Xét nghiệm nội tiết

Trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, nữ giới sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm nội tiết như: Định lượng nồng độ nội tiết tố(estrogen, progesterone), nồng độ nội tiết hướng sinh dục(FSH, LH) để xác định được sức khỏe sinh sản của buồng trứng, đánh giá chức năng của tuyến yên.

Xét nghiệm tinh dịch đồ

Xét nghiệm tinh dịch đồ ở nam giới giúp  xác định số lượng, chất lượng tinh trùng, tinh trùng di chuyển nhanh hay chậm, tinh trùng bất thường để xác định xem nguyên nhân gây vô sinh có phải đến từ nam giới hay không.

Làm xét nghiệm tinh dịch đồ trước khi thụ tinh nhân tạo

Làm xét nghiệm tinh dịch đồ trước khi thụ tinh nhân tạo (img: WHO)

Các xét nghiệm khác

Ngoài các xét nghiệm đánh giá chức năng sinh sản dành riêng cho cả vợ và chồng thì cả hai có thể được làm thêm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, HIV,…

  • Với nữ giới: Siêu âm phụ khoa để phát hiện các các bất thường, bệnh lý phụ khoa như: U nang buồng trứng, u xơ tử cung, các bất thường bẩm sinh ở phần phụ,… Đếm nang noãn ở cả hai buồng trứng vào ngày đầu kỳ kinh.
  • Với nam giới: Trường hợp nam giới không sản xuất được tinh trùng thì có thể làm thêm các xét nghiệm đặc hiệu khác như siêu âm bìu, mào tinh, định lượng nội tiết tố nam,…
Siêu âm kiểm tra cả vợ và chồng trước khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

Siêu âm kiểm tra cả vợ và chồng trước khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

2. Kích thích buồng trứng

Kích thích buồng trứng hay siêu rụng trứng là biện pháp sử dụng các thuốc hỗ trợ sinh sản tiêm vào cơ thể của nữ giới để kích thích gia tăng lượng trứng sản xuất ra. Thông thường, mỗi khi đến chu kỳ kinh nữ giới sẽ sản xuất ra được một quả trứng vào kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên để có thể gia tăng cơ hội thành công khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thì cần phải sử dụng nhiều trứng hơn. Trong thời gian sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản, nữ giới cần xét nghiệm máu, siêu âm thường xuyên để kiểm tra số lượng trứng rụng đến khi thu được trứng đạt tiêu chuẩn.

Kích thích buồng trứng

Kích thích buồng trứng sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản tiêm vào cơ thể

3. Chọc hút trứng

Để lấy được trứng ra khỏi buồng trứng, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim siêu âm nhỏ đưa vào buồng chứa trứng, một đầu nối với máy hút để có thể lấy trứng từ nang trứng một cách dễ dàng. Tiếp tục thực hiện thao tác tương tự với bên buồng trứng còn lại.

Sau khi tiến hành thủ thuật, người bệnh có thể xuất hiện một vài cơn chuột rút, tuy nhiên triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng chỉ sau một vài ngày. Một số trường hợp có thể phải tiến hành nội soi vùng chậu mới có thể lấy được trứng ra khỏi buồng trứng.

Chọc hút trứng

Chọc hút trứng chuẩn bị cho quá trình thụ tinh nhân tạo

4. Lấy tinh trùng từ chồng

Mẫu tinh trùng có thể được lấy bằng nhiều cách khác nhau như: Nam giới sử dụng phương pháp “thẩm du” để lấy tinh dịch hoặc sinh thiết tinh hoàn bằng cách rạch một đường vừa phải ở tinh hoàn để lấy tinh dịch, sử dụng cốc âm đạo hoặc chọc hút trực tiếp tinh trùng từ mào tinh. Để mẫu tinh trùng đạt tiêu chuẩn tốt nhất, nam giới nên kiêng quan hệ tình dục trước ngày lấy mẫu khoảng 2-3 ngày.

Thời gian lấy mẫu tinh trùng thường là trước khi tiến hành nuôi cấy khoảng 2 giờ. Mẫu tinh trùng sẽ được đặt trong một lọ chuyên dụng, sau đó mang đi lọc rửa thật sạch tại phòng thí nghiệm để chọn ra những tinh trùng có chất lượng tốt nhất mang đi nuôi cấy.

Chọc hút lấy tinh trùng từ chồng

Chọc hút lấy tinh trùng từ chồng

5. Cho tinh trùng và trứng gặp nhau (tạo phôi)

Tinh trùng và trứng sau khi được chọn lọc sẽ được nuôi cấy trong buồng thí nghiệm được kiểm soát nhiệt độ và các điều kiện phù hợp nhất cho sự phát triển của cả trứng và tinh trùng. Thông thường quá trình thụ tinh tạo phôi thai sẽ xảy ra chỉ trong vài giờ. Nếu tinh trùng quá yếu, không đủ khả năng tự đi vào trứng thì bác sĩ có thể tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng để tạo phôi.

Quá trình tạo phôi (cho tinh trùng và trứng gặp nhau)

Quá trình tạo phôi (cho tinh trùng và trứng gặp nhau)

6. Nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm

Trứng được thụ tinh sau khi phân chia sẽ tạo thành phôi thai. Trong thời gian này, các kỹ thuật viên sẽ liên tục kiểm tra mẫu nuôi cấy để đảm bảo phôi đang phát triển khỏe mạnh nhất. Với các cặp vợ chồng gia đình có tiền sử mắc bệnh lý di truyền thì có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc trước khi cấy phôi vào buồng tử cung.

Việc xét nghiệm thường tiến hành sau khi thụ tinh khoảng 3-5 ngày. Lúc này các chuyên gia sẽ tiến hành sàng lọc tìm ra các bệnh lý di truyền của phôi thai để tìm giải pháp khắc phục thích hợp trước khi cấy ghép.

Thực hiện việc sàng lọc giúp các cặp đôi chủ động trong việc lựa chọn phôi thai có chất lượng tốt nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm các rối loạn di truyền  cho thai nhi.

Tiến hành nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm

Tiến hành nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm

7. Chuyển phôi vào buồng tử cung

Dựa theo quyết định của các cặp đôi bác sĩ sẽ đưa ra số lượng phôi cấy vào buồng tử cung của người vợ và còn lại bao nhiêu đem đi đông lạnh. Sau khi hút trứng ra khỏi buồng trứng khoảng 2-5 ngày thì trứng được thụ tinh sẽ được chuyển lại vào tử cung để đảm bảo tử cung đủ điều kiện thuận lợi nhất để phôi phát triển.

Trường hợp nữ giới sử dụng phôi để lạnh thì trước khi cấy phôi vào tử cung, người vợ sẽ được dùng thuốc và siêu âm thường xuyên khoảng 14-18 ngày kể từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh mới để chọn ngày thích hợp tiến hành cấy ghép phôi vào buồng tử cung.

Chuyển phôi vào buồng trứng khi đủ điều kiện phôi phát triển

Chuyển phôi vào buồng trứng khi đủ điều kiện phôi phát triển

8. Thử thai

Thông thường sau 14 ngày tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ sẽ hẹn các cặp vợ chồng quay lại để làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta hCG. Và sau đó 2 ngày lại tiến hành xét nghiệm kiểm tra nồng độ beta hCG một lần nữa.

  • Nếu nồng độ beta hCG tăng gấp 1,5 lần: Người mẹ cần tiếp tục dưỡng thai và siêu âm thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ về việc chăm sóc, khám thai định kỳ để đảm bảo quá trình mang thai diễn ra an toàn, mẹ tròn con vuông.
  • Nếu sau 2 ngày, nồng độ beta hCG giữ nguyên hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi và nếu nồng độ beta hCG nhỏ hơn 5 UI/I thì quá trình thụ tinh thất bại.

Trong trường hợp thất bại, nếu vẫn còn phôi trữ đông thì bác sĩ có thể sử dụng phôi trữ đông để chuyển vào tử cung của người vợ ở chu kỳ tiếp theo.

9. Theo dõi thai nhi

Sau khi đã thụ tinh thành công, nữ giới cần đi thăm khám sức khỏe, siêu âm định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, thuận lợi chào đời.

Tỷ lệ thành công và các yếu tố ảnh hưởng

Khả năng thành công của một ca thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là nguyên nhân gây hiếm muộn và tuổi tác của các cặp đôi. Nữ giới độ tuổi càng trẻ thì tỷ lệ thụ thai thành công càng cao, ngược lại càng lớn tuổi thì khả năng có con càng thấp. Chính vì thế phương pháp này thường không khuyến khích áp dụng cho phụ nữ ngoài 43 tuổi vì tỷ lệ mang thai thành công là rất thấp, gây tốn kém thời gian, tiền bạc.

Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót thành công sau mỗi lần lấy trứng mang đi thụ tinh trong ống nghiệm ở Mỹ như sau:

  • Phụ nữ dưới 35 tuổi: 46,7%.
  • Phụ nữ từ 35-37 tuổi: 34,2%.
  • Phụ nữ từ 38-40 tuổi: 21,6%.
  • Phụ nữ từ 40-42 tuổi: 10,6%.
  • Phụ nữ trên 43 tuổi: 3,2%.

Các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai thành công:

  • Độ tuổi nữ giới: Càng trẻ tuổi, trứng sẽ có chất lượng tốt hơn khiến cho tỷ lệ thụ tinh thành công hơn. Nữ giới ngoài 41 tuổi, chất lượng trứng suy giảm thường được bác sĩ khuyên nên sử dụng trứng từ người hiến tặng để thụ tinh thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
  • Trạng thái phôi: Phôi có chất lượng tốt nhất trong số các mẫu nuôi cấy sẽ có tỷ lệ mang thai cao hơn so với những phôi nuôi cấy cùng lúc có chất lượng kém hơn. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nuôi cấy, mọi mẫu phôi đều sống sót, thụ tinh thành công nên việc lựa chọn mẫu phôi đảm bảo chất lượng tốt nhất cũng gặp nhiều khó khăn.
  • Nguyên nhân gây vô sinh: Trứng khỏe mạnh, tỷ lệ mang thai thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cao hơn so với nguồn trứng gặp các vấn đề như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung. Với nữ giới được xác định vô sinh do lạc nội mạc tử cung thì tỷ lệ mang thai thấp hơn so với các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân.
  • Tiền sử sinh sản: Những phụ nữ đã từng trải qua sinh đẻ sẽ dễ có con hơn những phụ nữ lần đầu. Mặt khác, những ai trước đây đã từng thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng không thành công thì khả năng mang thai khi thực hiện những lần sau cũng giảm dần.
  • Lối sống: Những người có thói quen hút thuốc thì tỷ lệ thành công khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm giảm đi một nửa so với những ai có lối sống lành mạnh. Tương tự, sử dụng rượu bia, chất kích thích, béo phì,… cũng là các yếu tố làm giảm khả năng mang thai.

Thụ tinh trong ống nghiệm có rủi ro không?

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp giúp tăng tỷ lệ mang thai được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi một số rủi ro trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có thể kể đến như:

Tình trạng đa thai

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tiến hành nuôi cấy nhiều mẫu phôi cùng lúc để chọn ra được phôi có chất lượng tốt nhất cấy vào buồng tử cung của phụ nữ, giúp gia tăng khả năng mang thai. Tuy nhiên trong lúc đưa phôi vào buồng tử cung, rất khó để kiểm soát chính xác lượng phôi thai đưa vào gây nguy cơ đa thai, sinh đôi, sinh ba.

Tình trạng đa thai khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

Tình trạng đa thai khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

Hội chứng quá kích buồng trứng

Khi sử dụng các thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích trứng rụng nhiều hơn có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng. Người bệnh có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, tiêu chảy, sưng, đau bụng. Các biểu hiện này thường kéo dài khoảng 1 tuần sẽ hết. Nhưng nếu người mẹ thụ tinh thành công thì các triệu chứng khó chịu có thể xuất hiện vài tuần. Trường hợp nặng, nữ giới có thêm biểu hiện khó thở, tăng cân không kiểm soát.

Sảy thai

Tỷ lệ phụ nữ bị sảy thai khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm chiếm khoảng 15-25% ngang bằng với tỷ lệ sảy thai tự nhiên. Tỷ lệ này có xu hướng tăng lên theo độ tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ sảy thai càng lớn. Chính vì thế, sau khi thụ tinh thành công, nữ giới cần tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc, thăm khám định kỳ của bác sĩ để thai nhi bình an, khỏe mạnh cho đến khi chào đời.

Thai ngoài tử cung

Theo thống kê, có khoảng 2-5% trường hợp nữ giới tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm mang thai ngoài tử cung, làm tổ trong vòi trứng, ống dẫn trứng. Trứng sống bên ngoài tử cung không đủ điều kiện để phát triển sẽ bị loại bỏ để tránh gây tắc vòi trứng, đe dọa đến sức khỏe người mẹ.

Vị trí thai ngoài tử cung có thể gặp phải khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

Vị trí thai ngoài tử cung có thể gặp phải khi thực hiện thụ tinh nhân tạo

Biến chứng do chọc hút

Giai đoạn tiến hành chọc hút lấy trứng ra khỏi buồng trứng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ. Thao tác lấy trứng không chuyên nghiệp có thể gây chảy máu, tổn thương mạch máu và các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, việc tiêm thuốc gây mê trước khi tiến hành thủ thuật chọc hút lấy trứng cũng có thể để lại tác dụng phụ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Nguy cơ ung thư buồng trứng

Đã có một số nghiên cứu ban đầu đưa ra mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản với sự gia tăng nguy cơ phát triển khối u buồng trứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây không ủng hộ nhận định này và cho rằng không có nhiều nguy cơ gây tăng ung thư vú, buồng trứng, cổ tử cung, nội mạc tử cung khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Tâm lý stress, căng thẳng

Thụ tinh trong ống nghiệm tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian, sức khỏe, đặc biệt là những ca phải thực hiện nhiều lần mới thụ thai thành công. Chính vì thế, giai đoạn này các cặp đôi cần hỗ trợ chia sẻ lẫn nhau, gia đình cần tạo điều kiện để giúp các cặp vợ chồng vượt qua được thời gian điều trị khó khăn này.

Chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Tại Mỹ, chi phí thực hiện một ca thụ tinh trong ống nghiệm có chi phí khoảng 15.000$, tương đương với khoảng 300-400 triệu VNĐ. Chi phí này ở Việt Nam dao động từ 70-200 triệu đồng, tùy thuộc vào từng cơ sở, trang thiết bị máy móc.

Có nhiều cặp đôi phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần mới thành công nên cần có sự chuẩn bị vững chắc về mặt kinh tế trước khi thực hiện để tránh bị áp lực tài chính đè nặng gây stress, lo lắng ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Thụ tinh ống nghiệm là một hành trình dài đòi hỏi các cặp vợ chồng phải kiên trì và  đồng hành cùng nhau hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ. Nếu còn thắc mắc vấn đề gì, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 3366 hoặc Fanpage để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của MEDIPLUS và đặt lịch khám!

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị chuyên khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Bầu ăn chân gà được không? Liệu con có bị chân vòng kiềng?

    Bà bầu ăn chân gà được không? Con sinh ra có bị chân vòng kiềng? Chị em luôn thắc mắc vì trong giai đoạn nhạy…

    22 Th9, 2023
    11.1K

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Sản khoa

    Bầu ăn nha đam được không? – Lời khuyên từ chuyên gia

    Bầu ăn nha đam được không? Nha đam từ lâu đã được biết đến với những công dụng nổi bật trong làm đẹp và chăm…

    30 Th9, 2023
    1.4K

    Tham vấn y khoa: Riêng tư: ThS.BS Trương Quang Hải

    Chuyên mục: Sản khoa

    Bầu ăn rau cần được không? Những điều nhất định phải biết trước khi ăn

    Bầu ăn rau cần được không? được rất nhiều mẹ bầu thắc mắc. Bởi tất cả các nguồn thực phẩm được hấp thụ vào cơ…

    25 Th9, 2023
    8.1K

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Sản khoa

    Bầu ăn hạt dẻ được không? Có tốt cho thai nhi không?

    Bầu ăn hạt dẻ được không? Hạt dẻ thơm ngon, giàu dinh dưỡng lại ít calo là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.…

    25 Th9, 2023
    2.3K

    Tham vấn y khoa: ThS. BS Trần Thị Thuý Mùi

    Chuyên mục: Sản khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám