Thoát vị đĩa đệm L4 L5: Vị trí và Triệu chứng điển hình

Cập nhật 31/05/2023

1.9K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân phổ biến gây tình trạng đau thắt lưng ở những người trong độ tuổi lao động. Trong đó, thoát vị đĩa đệm L4 L5 là một trong những vị trí thường gặp nhất, ảnh hưởng nhiều đến vận động, sinh hoạt của người bệnh. Vậy triệu chứng nhận biết sớm bệnh thoát vị đĩa đệm L4 – L5 là gì? Điều trị như thế nào hiệu quả và an toàn?

Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì?

Cột sống của cơ thể con người được cấu tạo từ 33-35 đốt sống và chia thành 5 đoạn gồm cổ, lưng, thắt lưng, cùng, cụt. Trong đó, cột sống thắt lưng có 5 đốt sống (L1 – L5), các đốt sống này nằm chồng lên nhau và xen kẽ giữa chúng là các đĩa đệm có khả năng chịu lực, đàn hồi, đảm bảo sự vận động linh hoạt cũng như góp phần tạo đường cong sinh lý cho cột sống thắt lưng. Đây là đoạn cột sống đảm nhiệm chủ yếu chức năng chịu tải trọng và chức năng vận động của cả cột sống. Do đó, quá trình bệnh lý liên quan yếu tố cơ học thường hay xảy ra ở đây.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4 L5 là vị trí hay gặp

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4 L5 là vị trí hay gặp

Đĩa đệm cột sống là cấu trúc gồm 3 phần chính: nhân nhầy ở trong, bao xơ bên ngoài và lớp sụn cố định đĩa đệm vào đốt sống liền kề. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách, nứt, qua đó các khối nhân nhầy bên trong thoát ra chèn ép lên rễ dây thần kinh gây đau đớn cho người bệnh.

Tỷ lệ mắc thoát vị đĩa đệm thắt lưng là 5 – 20/1000 người trưởng thành mỗi năm, trong đó phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi lao động từ 30-50 tuổi. Các đĩa đệm cột sống thắt lưng đều có nguy cơ bị thoát vị, nhưng khoảng 95% trường hợp thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng xảy ra ở L4-L5 hoặc L5-S1 vì đây là các vị trí mang tính bản lề của cột sống.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm L4 L5

Đĩa đệm L4 L5 khi thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ chèn ép lên các tổ chức xung quanh, đặc biệt là rễ dây thần kinh (thường là dây thần kinh tọa). Tùy thuộc vào vị trí thoát vị và mức độ chèn ép rễ thần kinh mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau:

Cơn đau tại vị trí thắt lưng

Cơn đau thắt lưng thường xảy ra cấp tính sau khi bị chấn thương, ngã đột ngột và mạnh trên nền cứng hoặc do gắng sức như mang vác, bưng bê vật nặng sai tư thế. Cơn đau thắt lưng tăng khi gắng sức, đứng lâu, khi gập người hoặc khi ngủ trên giường mềm và có đáp ứng tốt với thuốc giảm đau, chống viêm không steroid.

Khi vận động sai tư thế, có thể nghe thấy tiếng “rắc”, kèm theo đau dữ dội và căng cứng cơ tại cột sống thắt lưng khiến người bệnh như “đóng đinh tại chỗ”.

Đau hông, đùi, chân

Nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra chèn ép rễ thần kinh gây triệu chứng đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh ở mặt sau hông, đùi, cẳng bàn chân. Cơn đau tăng lên khi đi đứng, gắng sức như hắt hơi, rặn và thường đỡ hơn khi nằm nghỉ. Tình trạng đau có thể chỉ xảy ra ở một hoặc cả hai bên tùy vào vị trí thoát vị của đĩa đệm.

>>> Cần biết: Đau dây thần kinh tọa – Biến chứng bại liệt chi dưới

Tê hoặc ngứa ran

Người bệnh thoát vị đĩa đệm thường có cảm giác tê bì như kiến bò, ngứa ran ở các vùng da do dây thần kinh chi phối như mặt sau mông, đùi, cẳng chân, bàn chân hoặc ngón chân. Triệu chứng này gây khó chịu, thậm chí khiến người bệnh mất ngủ, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Suy giảm khả năng vận động

Cơn đau thắt lưng có thể khiến cử động tại cột sống thắt lưng bị hạn chế, người bệnh không thể cúi, ngửa hay xoay người. Bên cạnh đó, khi các rễ thần kinh thắt lưng bị chèn ép, các cơ do nó chi phối sẽ yếu đi, cụ thể là các cơ vùng mông, đùi, cẳng chân, bàn chân, gây khó khăn trong vận động và sinh hoạt.

Cơn đau thắt lưng xuất hiện đột ngột sau các hoạt động mang vác nặng.

Cơn đau thắt lưng xuất hiện đột ngột sau các hoạt động mang vác nặng.

Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm L4 L5

Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của quá trình thoái hóa đĩa đệm. Bình thường, đĩa đệm cột sống có sự dẻo dai và khả năng đàn hồi tốt nhờ chứa hàm lượng nước cao. Theo thời gian, song song với quá trình lão hóa, đĩa đệm giảm khả năng giữ nước trong nhân nhầy dẫn đến sự mất nước, xẹp đĩa đệm. Khi đó, bao xơ của đĩa đệm trở nên yếu, dễ bị nứt, rách bởi những tác động làm tăng áp lực lên bao xơ dù chỉ với một lực nhẹ.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây thoát vị đĩa đệm L4 L5 cần kể đến là chấn thương mạnh lên vùng đĩa đệm. Dù ít gặp hơn nhưng những chấn thương đó thường dẫn đến những triệu chứng cấp tính nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 có thể kể đến như:

  • Vấn đề tuổi tác: Bệnh phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động từ 35-50 tuổi và hiếm gây ra các triệu chứng sau 80 tuổi
  • Giới tính: Đàn ông có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cao gấp đôi so với phụ nữ.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Những người phải thường xuyên mang vác nặng hoặc thực hiện lặp đi lặp lại các động tác kéo, đẩy, vặn sẽ có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì: Người có cân nặng quá mức bình thường sẽ gây tăng áp lực lên cột sống, khiến nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng tăng lên gấp 12 lần.
  • Hút thuốc: Chất Nicotin có trong thuốc lá làm hạn chế lưu lượng máu đến các đĩa đệm làm tăng tốc độ thoái hóa, khiến đĩa đệm kém đàn hồi, dễ bị rách, nứt gây thoát vị.
  • Do yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

Biến chứng nguy hiểm khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng gây đau đớn, hạn chế vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, khối thoát vị có thể chèn ép vào rễ dây thần kinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Rối loạn cảm giác: Khi rễ thần kinh thắt lưng bị chèn ép không được giải phóng bằng các can thiệp, các cơn đau và tê bì tăng dần, kéo dài, thậm chí mất cảm giác vùng da do thần kinh chi phối.
  • Yếu hoặc liệt vĩnh viễn: Các cơ vùng mông, đùi, cẳng chân mất sự chi phối của các dây thần kinh do khối thoát vị chèn ép, dẫn đến mất khả năng vận động, đi lại. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
  • Teo cơ: Khối thoát vị đĩa đệm có thể làm cản trở lưu thông dòng máu đến các cơ, lâu dần dẫn đến teo cơ tại các chi, giảm khả năng vận động gây khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt, lao động.
  • Rối loạn đại tiểu tiện: Đám rối thần kinh thắt lưng cùng, cụt có vai trò chi phối cơ tròn ở bàng quang và hậu môn, giúp người bệnh đại tiểu tiện có kiểm soát. Khi đám rối thần kinh bị ảnh hưởng sẽ gây rối loạn cơ tròn, khiến người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ.
Biến chứng do thoát vị đĩa đệm L4 L5 gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuốc sống hàng ngày.

Biến chứng do thoát vị đĩa đệm L4 L5 gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuốc sống hàng ngày.

Biện pháp chữa thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4 L5

Có hơn 85% người bệnh có các triệu chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm cấp tính sẽ khỏi trong vòng 8 – 12 tuần mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị cụ thể nào. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có mức độ đau nhiều hoặc có biểu hiện của tổn thương thần kinh thì cần được thăm khám, đánh giá kĩ hơn và điều trị sớm. Các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4 L5 hiện nay bao gồm:

Điều trị nội khoa

Các nhóm thuốc thường được chỉ định đối với các trường hợp thoát vị đĩa đệm L4 L5 bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng giảm các cơn đau vừa hiệu quả. Thuốc thường được dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất đủ để khống chế đợt đau, do có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tim mạch. Một số thuốc nhóm này có thể kể đến như: Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib,…
  • Thuốc giảm đau thông thường Paracetamol: Thường được chỉ định trong các cơn đau nhẹ.
  • Thuốc giảm đau trung ương như codein, tramadol: Chỉ sử dụng nhóm thuốc giảm đau này khi cơ thể không đáp ứng được với những loại giảm đau trên.
  • Thuốc giãn cơ: Tolperisone, Eperisone là những thuốc có tác dụng giảm co cứng cơ, cải thiện tuần hoàn và giảm phản xạ đau. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ.
  • Tiêm Corticoid trực tiếp vào mô mềm bị đau, rễ thần kinh hoặc khoang màng cứng giúp giảm đau, chống viêm nhanh chóng. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng có đau rễ thần kinh.

*Lưu ý: Khi sử dụng thuốc người bệnh cần tuân thủ quy định của bác sĩ và không tự ý sử dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe!

Vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị

Nhiều phương pháp vật lý trị liệu an toàn, có hiệu quả trong giảm đau thắt lưng và giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Cụ thể:

  • Liệu pháp nóng – lạnh: Chườm nóng hay nhiệt trị liệu sẽ giúp tăng lưu thông tuần hoàn đến các cơ quan, hệ xương khớp, thư giãn cơ, từ đó giảm đau hiệu quả. Trong khi đó, chườm lạnh lại có tác dụng làm giảm co thắt, phù nề, giảm đau nhanh chóng, nên thường được áp dụng trong các trường hợp đau cấp tính.
  • Xoa bóp: Giảm sự co cứng cơ, tăng lưu thông máu giúp xương khớp cử động dễ dàng, linh hoạt hơn.
  • Thủy liệu pháp: Hỗ trợ phục hồi chức năng vận động ở người bệnh tổn thương khớp nhờ sự luân chuyển của dòng nước trên bề mặt cơ thể, kích thích cảm thụ thần kinh, tăng tuần hoàn máu.
  • Kéo giãn giảm áp cột sống: Giúp đĩa đệm phục hồi tốt, hỗ trợ cân bằng, giải phóng dây thần kinh, dây chằng, gân cơ, ngăn ngừa biến chứng, di chứng.
  • Kích thích thần kinh bằng điện qua da: Hỗ trợ giảm đau do thần kinh, giảm trương lực cơ co thắt và thư giãn cơ.

Phục hồi chức năng

Người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn (nằm trên giường) trong 2-3 ngày và nghỉ tương đối sau đó. Thông thường sau 5-10 ngày điều trị nội khoa bệnh nhân sẽ đỡ đau và lúc này có thể bắt đầu các động tác phục hồi chức năng như: Bài tập kéo giãn mạnh cơ, Thể dục nhịp điệu,…

Đồng thời, người bệnh cần thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày phù hợp với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Điều chỉnh tư thế làm việc, vận động bất thường đột ngột, các yếu tố làm mất cân bằng tư thế cột sống như vặn mình, nghiêng người quá mức, … nhằm tránh tái phát.

Tập luyện các môn thể thao như đi bộ, đạp xe thay cho các bộ môn cần sự vận động mạnh như golf, bóng chuyền, tennis, trượt tuyết,…

Phẫu thuật điều trị

Các trường hợp có chèn ép rễ thần kinh hoặc không đáp ứng với các phác đồ điều trị ở trên, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong thoát vị đĩa đệm thắt lưng:

  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp ít xâm lấn, ít tàn phá cơ, phần mềm, hiệu quả nhanh.
  • Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lý thoát vị đĩa đệm mới, tiên tiến nhất hiện nay. Các đĩa đệm bị tổn thương sẽ được thay thế bằng các đĩa đệm nhân tạo có chức năng tương tự nhằm cải thiện triệu chứng và phục hồi vận động.
  • Phẫu thuật hợp nhất cột sống: Người bệnh được lấy bỏ đĩa đệm bị thoát vị để kết hợp đốt sống, cố định cột sống. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện khi không áp dụng được phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo.
Tiến hành phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 có thể được các bác sĩ chỉ định.

Tiến hành phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 có thể được các bác sĩ chỉ định.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4 L5 gây ra nhiều phiền toái, khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Triệu chứng loãng xương: Những dấu hiệu cảnh báo bạn không nên bỏ qua

    Bệnh loãng xương là một bệnh lý xương khớp thường gặp, gây giảm mật độ và sức mạnh của xương, dễ dẫn đến gãy xương.…

    16 Th2, 2024
    133

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không? Một vài lưu ý khi bạn mắc bệnh

    Bạn có thắc mắc liệu tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không? Đừng bỏ lỡ cơ hội đọc đoạn thông tin này! Trong bài…

    06 Th3, 2024
    134

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA: Tại Sao Đây Là Lựa Chọn Tốt Nhất

    Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là phương pháp sử dụng tia X năng lượng kép để đo mật độ khoáng chất của…

    21 Th2, 2024
    200

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Nguyên nhân của bệnh loãng xương: Những điều bạn chưa biết

    Bệnh loãng xương là một bệnh lý xương khớp thường gặp, gây giảm mật độ và sức mạnh của xương, dễ dẫn đến gãy xương.…

    16 Th2, 2024
    134

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám